Homestay giữa rừng

Homestay giữa rừng
TP - Với hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái, cộng đồng mà thu nhập đủ trang trải cuộc sống, người dân giáp ranh vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) sẽ ít có thời gian và cơ hội “nhòm ngó” tài nguyên rừng.

Đó là mục tiêu chính của dự án “Hỗ trợ sinh kế và bảo tồn đa dạng sinh học ở ba xã vùng đệm thuộc vườn quốc gia Bạch Mã thông qua hoạt động du lịch cộng đồng” của Trung tâm KHXH&NV Huế với sự tài trợ từ Quỹ du lịch EGP của Hà Lan & Quỹ sinh thái của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới Hà Lan (IUCN).

Làm du lịch để khỏi... phá rừng !

Sáng, dằn bụng với tô phở nhỏ ở khu chợ miền núi huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), xong, chúng tôi lên đường. Cái nắng chói chang hầm hập miền thung lũng bắt đầu nhường chỗ cho bóng cau xanh kéo dài từ đầu đến cuối đường chính thôn Một, xã Hương Lộc. Một ngôi nhà y hệt quán café vườn xứ Huế hiện ra làm chúng tôi quá ngạc nhiên.

Đường đi vào có cau dừa che mát, và một hồ súng đỏ thơm ngát. Sân trước được che đầy bởi những giò lan rừng đặc trưng Nam Đông. Phong lan Trường kiếm với đuôi dài thượt màu vàng mơ như kiếm báu nhà vua nay đã bị chạm trổ bởi dấu thời gian. Lan “Đuôi chồn”, “Kiều đạm thanh”, nhiều chậu Danzro rừng hoà sắc.

Chủ nhà, bác Trần Đình Minh vui vẻ tiếp chúng tôi trên… chiếc võng đung đưa. Ai thích còn có chòi câu cá dành để ngồi thư giãn. Trưa đó, nhà bác Minh tiếp đón chúng tôi một bữa cơm theo đúng “tiêu chuẩn khách du lịch”. Một loài cá chính hiệu Nam Đông mình nhỏ thon dài tên là cá Xanh nướng trong xiên tre thơm phức.

Thịt dai dai và mang mùi núi rừng, có thể ăn liền một lúc 5 con mà vẫn không chán. Theo bác Minh, muốn có cá này phải lên đầu ngọn thác phía sau nhà bác buông lưới. Cá Xanh ăn rong và sâu đá hay bám dưới những tảng đá bên suối nên thịt có mùi rất đặc trưng. Mâm thức ăn còn có rau càng cua nhà trồng bên mấy chậu cây cảnh, món môn bóp chấm nước mắm và canh mướp đắng nấu tôm suối. 

Chiều, chúng tôi tiếp tục hành trình qua nhà anh Trần Đình Tánh gần đó. Một căn lồng sắt to cao quá đầu người, trong nuôi chim sáo và kỳ nhông. Tôi bước vào mà cứ cảm giác mình đang ở trong khu rừng Amazon thu nhỏ. Nhiều con kỳ nhông to hơn bắp tay, đứng khệ nệ trên những thân cây to, cổ ưỡn lên “uống” nắng trời.

Chỉ uống thôi chứ không ăn, bởi vì giờ ăn của kỳ nhông chỉ vào ban đêm, thức ăn ưa thích là giun hay côn trùng. Tại nhà anh Tánh, du khách đặc biệt có thể thưởng thức món “tắm suối” đầy thú vị. Ra phía sau nhà, len lỏi qua những lùm cây bụi ta sẽ thấy ngay một dãy kè đá cao ngất, nơi ngắm nhìn dòng suối nhỏ và cũng là nhánh bắt đầu sông tả Trạch.

Anh Tánh chỉ tay về phía dãy núi xa xa “Đất Quảng Nam ở đó. Sông Tả Trạch trước khi bắt nhịp tới Huế đã là một phần của người anh em xứ Quảng”. Thả nổi người, nước xuôi dòng mang theo tôi một quãng dài, hai bên bờ là những bông hoa rừng trắng muốt.

Đêm đó, chúng tôi về nhà bác Trần Khảo. Thật ngạc nhiên, nhiều bộ phản gõ, sến, kiền kiền ngay ngắn với chăn ga, gối và rèm ngủ thơm mùi mới. Có ba nơi trong nhà để khách ngủ. Và nhiều cửa sổ đón hơi gió mát từ cánh rừng phía sau. Hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ, nằm ở một khoảng đất có nhiều cây cách nhà 100 mét. Và một nhà tắm, với gáo múc nước như lúc xưa chúng tôi vẫn hay dùng.

Tối đó, ngồi ở bộ bàn ghế cạnh hiên nhà nhìn lên trời, sao sáng thật gần. Côn trùng rả rích bài ca bất tận thiên nhiên. Khó tìm được không khí này ở những thành phố lớn. Tối đó,  ngả lưng trên tấm phản gõ mát lạnh, tiếng hoang sơ, mùi không khí thoáng đãng đến lạ. Một giấc ngủ no say sau ngày đường mệt mỏi.

Vui vầy thôn Dỗi ...

Chúng tôi lên thôn Dỗi (xã Thượng Lộ). Trên sàn gỗ nhà Gươl lớn của làng, một tốp bốn thiếu nữ Cơtu đang tập múa trong nhịp trống cơm vui nhộn. Cả đội văn nghệ gồm 30 người, nhỏ nhất 6 tuổi, lớn nhất 32 tuổi với công việc chính là… đồng áng, chỉ lúc rảnh mới cùng nhau tập luyện để hát múa khi có khách “đến thăm nhà”.

Em Hồ Thị Phố, 19 tuổi cười duyên: “Thích hát lắm, cả múa nữa. Làm đồng xong, tối nào có khách đến thì tụi em múa hát, vui lắm. Nhờ văn nghệ mà em còn có thêm được một khoản nhỏ để dành dụm lúc về nhà chồng”.

Anh Nguyễn Văn Mẫn, chuyên viên du lịch, phòng VHTT huyện Nam Đông trao đổi :“Trước đây, dân ở đây hay lên rừng đốn cây lấy củi để kiếm sống. Nay nhờ du lịch, nhiều người đã biết đến việc tạo ra kinh tế từ vốn văn hóa của cha ông”.

Đêm đó, chúng tôi về nhà bác Trần Khảo. Thật ngạc nhiên, nhiều bộ phản gõ, sến, kiền kiền ngay ngắn với chăn ga, gối và rèm ngủ thơm mùi mới. Có ba nơi trong nhà để khách ngủ. Và nhiều cửa sổ đón hơi gió mát từ cánh rừng phía sau.

Chiều sắp tắt nắng, già trẻ trong thôn đi làm đồng về xúm xít đứng xem, cổ vũ. Và khách cũng đã đến, là đoàn sinh viên chuyên ngành xã hội, dân tộc học từ các trường đại học Nhật Bản.

Chiêng, trống rền vang bài “Giùm cây” (Gặp nhau - Đoàn kết) ca ngợi cái tình người miền xuôi thăm người miền ngược. Tiếp là điệu hát đối đáp Bhnooh kể câu chuyện về nhà chàng trai đi hỏi dâu cho con. Rồi biểu diễn nhạc cụ không lời… Vui nhất chính là đoạn múa hát giao lưu bên bếp lửa trước nhà Gươl.

Trong than hồng, cá suối - thịt nướng thơm phức, và rượu Cơtu làm ấm nóng cả đoàn khách phương xa. Anh Trần Văn Thoa, phụ trách VHTT xã Thượng Lộ vui mừng cho biết :

“Đang có nhiều tour du lịch tìm đến thôn Dỗi. Trong hai tháng đầu năm đã có 16 đoàn khách Nhật lên đây, giá mỗi “tua” từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng mỗi người”.

Hiện dự án của Trung tâm KHXH&NV Huế đang định hướng cho đội văn nghệ phục hồi thêm các nhạc cụ làm từ tre, trúc. Và tạo hướng đi cho những sản phẩm như dệt Dzèng, bán măng rừng, mật ong rừng nguyên chất và làm chổi đót nhằm tạo sản phẩm du lịch cung ứng cho khách.

Sắp tới, các hoạt động thường ngày tại các vườn như trồng rau màu, tỉa cây cảnh, hái cau, đi rẫy cùng chủ nhà hay… nấu nước bằng củi sẽ là điểm chính trong tour Homestay tại Nam Đông. Mỗi nhà với đặc trưng riêng biệt sẽ làm phong phú chuyến đi của du khách, cho khách cảm nhận những nét độc đáo của đời sống người Nam Đông.

Chị Lê Thị Ánh Tuyết, GĐ Công ty Du lịch Việt Pháp Service – đơn vị đang khảo sát tour du lịch sinh thái cộng đồng khẳng định: “Những sản phẩm du lịch đang dần hoàn thiện giữa dự án và người dân Nam Đông cho chúng tôi có cơ sở để xây dựng những tour du lịch sinh thái kết hợp nghỉ tại gia ở một vùng đồi núi đẹp, trong lành mà trước đây mấy năm thôi, chưa ai nghĩ tới !”.

Hiện tại các dịch vụ ngủ qua đêm nhà dân giá chỉ 50.000đ/người/đêm. Anh Tánh, bác Minh, bác Khảo đã qua khoá đào tạo hướng dẫn viên ngắn ngày do Trung tâm KHXH&NV Huế đào tạo.

Dự án đề ra định mức cho người dân chủ động. Như ngủ đêm tại nhà Gươl, khách Việt giá 40.000đ, khách ngoại giá 50.000đ. Một nhà chỉ tối đa 20 người. Các dịch vụ khác là đạp xe dạo quanh thôn, thăm thác nước giá 5USD/nửa ngày/khách ngoại; tham quan rừng tái sinh là 5USD/người đi trong 6 tiếng có ăn trưa… Số tiền trên được trích một nửa cho đội văn nghệ.

Bài, ảnh: Thanh Dương

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.