Những người bạn mới

Những người bạn mới
TP- Anh Tiến ra viện, lập tức có bệnh nhân khác vào. Khỏe, người Thanh Hóa, thua tôi hai tuổi, giống bệnh của tôi và chú Nam. Tiếp đến có thêm Quân ở Vĩnh Phúc và Lệ Quyên, ở Thanh Hóa.

>> Kỳ 3: Bệnh viện mới
>> Kỳ 2: Nhập viện
>> Kỳ 1: Thời sinh viên ngắn ngủ

Những người bạn mới ảnh 1
Toán (trái) cùng anh trai chơi cờ sau những ngày đầu trị ung thư máu. Ảnh: PV

Hẩm hiu

Đây là lần điều trị thứ năm của Khỏe. Chẳng trách mà vừa vào viện, chị y tá nào gặp hắn cũng hỏi: “Khỏe mới lên viện à?”.

Khỏe tỏ ra là người khá sành sỏi các tên thuốc. Có thể, Khỏe ở viện lâu, được tiếp xúc nhiều với thuốc nên mới biết như vậy.

Người đi chăm sóc cho Khỏe là mẹ cậu, một phụ nữ với khuôn mặt hiện lên những nỗi vất vả, khó nhọc.

Khỏe thiệt thòi hơn nhiều người, chưa một lần được sống trong vòng tay yêu thương, che chở của cha. Khi mẹ em mang thai Khỏe được năm tháng, bố bỏ hai mẹ con đi lấy người khác. Trên Khỏe là anh trai, hơn em bốn tuổi.

Lớn lên, Khỏe ở với gia đình nhà bác (anh trai mẹ) và chăn bò cho nhà bác ấy. Mẹ và anh trai em phải vào Nam làm thuê, nuôi lợn để kiếm tiềm gửi về cho em ăn học. Học hết lớp 9, Khỏe mắc bệnh.

Dần dần, tôi và Khỏe trở nên khá thân thiết. Em dạy tôi cách làm con cá từ dây truyền dịch, trông khá đẹp. Ở viện, tôi có thêm một công việc mới là làm con cá mỗi khi rảnh, để tặng người thân và bạn bè.

Còn anh Quân, quê Vĩnh Phúc, chỉ có anh và em trai đi chăm. Có lần, mẹ tôi hỏi anh Quân: “Chú có vợ chưa? Vợ chú sao không đi chăm sóc mà để cho anh, em trai đi chăm sóc thế?”. Anh Quân khe khẽ cười, hiện rõ vẻ buồn rầu.

Sau này, anh trai Quân mới cho mẹ tôi biết, Quân có vợ và một đứa con nhỏ. Vợ anh mới chết chưa đầy một trăm ngày thì anh lại bị bệnh.

Ngày trước, anh Quân làm nghề thợ xây, cũng dành dụm được ít tiền nhưng vợ anh lại cho người khác vay mượn hết. Đến khi chị mất, chẳng kịp nói cho anh biết những ai đang nợ tiền nhà mình. Những người vay nợ thật vô tâm.

Anh Quân bị bệnh nặng lại không có thẻ bảo hiểm y tế mà họ cũng chẳng thèm trả cho anh một đồng nào. Tự dưng, tôi thấy thương anh quá, muốn nói chuyện để anh vơi bớt buồn.

Anh mới nhập viện được ít ngày và chuẩn bị truyền hóa chất đợt đầu tiên. Phòng tôi trở nên vui hơn từ khi có  anh cùng chữa bệnh.       

Hai bạn gái

Quyên bằng tuổi tôi, bệnh của Quyên ở thể M5. Quyên nhập viện lần này để truyền hóa chất đợt bốn, cũng là đợt điều trị cuối cùng.

Cùng phòng với Quyên còn có Huỳnh, người Nghệ An. Huỳnh và Quyên nhập viện cùng ngày nhưng đây là đợt truyền hóa chất thứ sáu vì bệnh của Huỳnh ở thể L2 giống tôi.

Huỳnh có thân hình nhỏ nhắn, xinh xắn, nụ cười rất tươi. Giọng nói xứ Nghệ khiến mọi người nghe rất khó hiểu. Mỗi lần Huỳnh nói chuyện thường bị chúng tôi nhái lại.

Một lần Huỳnh hỏi bố:

- Bố ơi! Con sắp chết phải không?

- Không, con chỉ bị thiếu máu. Bác sĩ truyền thuốc bổ với truyền máu để con khoẻ lại rồi về thôi.

Huỳnh ôm bố, khóc nức nở. Nhà Huỳnh có hai chị em, dưới Huỳnh là một em trai. Bố làm nghề lái máy xúc, mẹ làm nghề nông.

Tôi thấy khâm phục Huỳnh - một bạn gái nhỏ nhắn nhưng lại rất mạnh mẽ, vượt qua những sợ hãi, đớn đau của bệnh tật.

Bây giờ, trông Huỳnh khoẻ mạnh như người bình thường. Tôi nghĩ, cũng sẽ làm được như bạn ấy, sẽ vượt qua được các đợt điều trị để được bác sĩ cho đi khám định kì.

Huỳnh và Quyên có vẻ rất hợp nhau, đi đâu cũng có nhau như hai chị em gái vậy. Tính tình hai người lại khá giống nhau, lạc quan và mạnh mẽ. Tôi, Lệ Quyên và Huỳnh bằng tuổi nhau, nói chuyện với nhau cũng thoải mái.

Tôi còn quen khá nhiều người và cũng biết nhiều hoàn cảnh khác nhau. Anh Duyên, sinh viên năm tư, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, sống nội tâm, ít nói. Bệnh của anh cũng ở thể L2 và anh đang truyền hóa chất đợt thứ ba.

Anh Duyên quê ở Phú Thọ, có một anh trai. Các đợt điều trị đều do một mình mẹ anh đi chăm sóc. Mẹ anh là công nhân nghỉ hưu, hiền hậu và có vẻ hơi già hơn so với tuổi. Bố anh mất hai năm trước vì bệnh ung thư phổi.

Tôi còn quen với Quyết, quê Hà Tây. Em kém tôi hai tuổi và cũng bị bệnh ở thể L2. Trước khi chuyển đến bệnh viện này, em xạ trị ở bệnh viện K gần một năm. Bây giờ, em đang truyền hóa chất đợt thứ năm và rất khỏe mạnh.

Ngay cạnh phòng tôi còn có Thắng, quê Bắc Giang, bằng tuổi tôi, là sinh viên. Thắng cao gần một mét tám mươi, người hơi gầy và luôn tỏ ra sành điệu. Hồi tôi mới vào viện, Thắng được bác sĩ cho ra viện.

Chỉ hai ngày sau, tôi thấy cậu ta cùng với mẹ xuất hiện ở viện. Lúc đó, trông Thắng rất mệt, nghe nói vừa về đến nhà bị sốt cao. Các bác sĩ nói đợt điều trị đầu tiên của Thắng, thuốc tỏ ra không hiệu quả, tế bào lạ vẫn không lui nên phải thay đổi thuốc mới.

Đầu ông sư

Hàng ngày, những lúc không phải truyền thuốc, tôi lại kê chiếc giường gấp cá nhân ra ngoài hành lang trước cửa phòng, nằm nghe nhạc. Tôi để ý thấy có một chị cũng là bệnh nhân ở đây, trông rất xinh, ngồi cạnh mẹ, thỉnh thoảng lại làm nũng.

Chị có mái tóc kết đuôi sam dài gần tới gót chân, nhưng không được mềm mại lắm. Mái tóc của chị rất khô và thiếu sức sống. Mấy ngày sau, tôi không còn thấy mái tóc ấy nữa, mà lại thấy chị đội một chiếc khăn trên đầu giống như khăn của ca sĩ Phan Đình Tùng vậy.

Một lần, chị đi đâu về, vừa thấy mẹ, vội nói với vẻ bực tức: “Hôm nay, con xuống vườn hoa của bệnh viện để đi dạo thì có mấy thằng thanh niên trông thấy con, liền nói: “Sư gì mà còn trẻ thế?”. “Kệ người ta con ạ”.

Chị tên là Biên, sinh viên năm cuối trường Đại học Luật Hà Nội, quê ở Ninh Bình. Bệnh của chị ở thể M4, giống bệnh của Thắng.

Mái tóc của chị chỉ sau một đêm rụng sạch, nhưng chị không buồn lắm. Chị nói: “Biết đâu sau này mọc lại mái tóc mới còn đẹp hơn mái tóc bị rụng ý chứ”.

Chị Biên truyền xong hoá chất đợt hai nhưng chưa được ra viện vì đang bị men gan cao.

Nhìn Quyết, Khỏe, Huỳnh, ai cũng truyền hóa chất đến đợt năm, đợt sáu và cũng sắp được đi khám định kì. Càng nghĩ, tôi lại càng thấy ngao ngán, vì tôi mới truyền hóa chất đợt đầu tiên.

Kỳ sau: Cuộc sống trong bệnh viện

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).