Khiếm thị, tay không ngón, chơi 12 nhạc cụ

Khiếm thị, tay không ngón, chơi 12 nhạc cụ
TP- Ông Lê Đức Thuận (xóm 9, xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, Nghệ An) ghì chặt chiếc guitar vào lòng. Cánh tay cụt miết lên phím đàn, trong màn đêm vắng lặng, âm thanh trong trẻo vút lên mênh mang.

Tiếng guitar đã theo ông suốt nửa cuộc đời. Không chỉ chơi thành thục guitar, ông Thuận còn thạo 11 loại nhạc cụ khác.

Tự chế đàn bầu

Một vụ tai nạn biến ông từ người bình thường trở thành tàn phế. “Hồi nhỏ, trong lúc ruổi trâu ra đồng, tôi giẫm phải bom bi. Bom phát nổ khiến đôi mắt tôi trọng thương, mù hẳn. Năm ngón tay trên bàn tay phải đứt lìa”. Từ vụ nổ, hai hàm răng cũng không cánh mà bay.

Chán chường, tuyệt vọng, ông Thuận muốn tìm đến cái chết. “Chỉ có chết mới chấm dứt được đau đớn!”, ông lần về phía sông Bùng. Đến cuối làng Diễn Xuân, bàn chân ông bần thần nán lại.

Tiếng đàn bầu từ ngõ nhà ai vọng ra, lúc khoan lúc nhặt, lúc chậm rãi như gió thoảng, lúc dồn dập mưa sa. Châm phế nhân chùng xuống. Tiếng đàn bầu như gọi ông quay trở về. “Tự nhiên, lòng tôi nhẹ tênh”, ông Thuận kể.

Nơi làng quê bé nhỏ, bắt đầu những ngày dài. Mắt mù, răng rụng, tay què, ông chẳng làm ăn gì được. Hết vào lại ra, hết đứng lại ngồi, sờ đâu cũng toàn bóng tối. Bất chợt, ông Thuận nhớ tiếng đàn hôm nao. “Kể ra, có chiếc đàn mà chơi, đỡ tủi”.

Cặm cụi gần tháng trời, cuối cùng ông cũng tự chế được một cây đàn. Nhưng đàn của người mù chẳng giống ai, thân đàn là khúc tre cắt ngang, dài chừng một mét. Bộ phận chỉnh âm làm bằng chiếc ống bơ. Dây đàn là dây phanh xe đạp.

Ông đưa đàn ra thử. Toòng! toòng! Chả ra nốt nhạc gì. Mấy bà hàng xóm bật cười: “Mi đánh đàn như rứa, khỉ nó nghe”.

Mất nửa tháng chỉnh sửa, cuối cùng cũng thành tiếng. Đêm đêm, ông vác đàn ra ngoài ngõ, say mê độc diễn cho dù cùi tay đau đớn bật máu tươi.

Hát rong

Đàn mãi, hát mãi cũng nhàm, ông cần có gạo ăn. Ông Thuận xin hợp tác xã đầu quân vào đội văn nghệ. Một buổi đàn hát, xã chấm một công, cho 10 điểm, tương đương một kg gạo.

Thấy Lê Đức Thuận mù mắt cụt tay mà đàn giỏi, xã Diễn Xuân cử đi thi tại hội diễn văn nghệ huyện. Vượt qua nhiều đối thủ sáng mắt, ông Thuận đoạt giải nhất. Thi cấp tỉnh, ông được giải đặc cách dành cho người khiếm thị.

Khi chơi thạo đàn bầu, ông Thuận tìm đến guitar. Bàn tay rụng năm ngón, chơi đàn bầu đã khó, học đánh guitar còn khó gấp bội phần. Bàn tay trái vừa ghì cần đàn, vừa lần theo từng phím, ông buộc một miếng nhựa vào cùi tay phải đệm đàn.

“Mấy ngày đầu, tôi không thể nào đánh trúng dây được, vì cử động không chính xác”, ông kể. Nhưng bằng sự kiên nhẫn, khéo léo, ròng rã mấy tháng liền, ông Thuận cũng sờ được nốt nhạc. Những thanh âm đầu tiên bật lên trong mặn chát nước mắt, mồ hôi.

Khiếm thị, tay không ngón, chơi 12 nhạc cụ ảnh 1Tôi khoái nhất guitar, nhưng đó cũng là loại nhạc cụ khó học nhất. Đàn có sáu dây, bàn tay người năm ngón, riêng tôi bàn tay phải chẳng sót lại ngón nàoKhiếm thị, tay không ngón, chơi 12 nhạc cụ ảnh 2 - Ông Lê Đức Thuận

Hợp tác xã giải thể. Đội văn nghệ xã tan rã. Ông Thuận ôm đàn về nhà. Năm 1984, ông lập gia đình. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Nga, quê Thanh Hòa, Thanh Chương. Bà Nga sinh một lèo bốn cô con gái: Lê Thị Quỳnh Anh, Lê Thị Ngọc Ánh, Lê Thị Thanh Ái, Lê Thị Mỹ An. Chồng tàn tật, vợ làm ruộng, đông con, cái đói lơ lửng trên đầu.

Thiếu cơm ăn, chẳng còn cách nào khác, Lê Đức Thuận buộc phải rời xa tổ ấm, ôm đàn đi hát rong. Vợ ở nhà quần quật với mấy sào ruộng, các con đang nhỏ dại, một mình ông lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm đàn hát kiếm tiền.

Ông lò dò bước theo cây gậy tìm đường, rày đây mai đó, vạ vật ga tàu, bến xe, làm bạn với những hành khất cùng cảnh ngộ.

Địa bàn quen thuộc của ông Thuận là ga Si (Diễn Châu), ga Vinh, và phần nhiều thời gian ông ở trên tàu. Nhìn cảnh ông già mù tay gậy tay bị, ôm chiếc đàn guitar nặng nề cất giọng khản đặc hát trong chiều mưa, khách trên tàu động lòng trắc ẩn. Họ bỏ vào túi ông đồng bạc lẻ nhàu nhò.

Gom góp từng đồng từng hào, ông mang về nuôi vợ con. Nhiều hôm mải đàn hát, lỡ chuyến tàu, không kịp quay về Diễn Châu, ông ngủ lại sân ga và bị bọn du đãng lột sạch tiền.

“Một lần đi từ toa tàu này sang toa khác, tôi bước hụt, suýt rơi xuống đường ray. Bữa đó nếu không có sợi dây điện vắt ngang đỡ lấy lưng, có lẽ tôi đã đi rồi”, nghệ sỹ mù hồi tưởng tai nạn thứ hai trong đời, khuôn mặt ông lấm tấm mồ hôi.

Chủ ban nhạc từ thiện

Tuổi càng cao, đôi chân càng mỏi, sức càng yếu. Người ta cấm ông đàn hát trên tàu, nhếch nhác và mất mỹ quan. Ông lọ mọ về Diễn Xuân, Diễn Châu, với số tiền tích góp được trong những ngày hát rong, vay mượn thêm một ít vốn của người quen (lãi suất 10 phần trăm), ông lập ban nhạc hiếu hỷ, chuyên đi phục vụ đám cưới.

Ông tuyển thêm hai nhạc công, một chơi trống, một chơi guitar xăng và một người làm chủ hôn. Cây guitar bass do ông đảm nhận. Ròng rã 19 năm liền (1990 - 2009), ban nhạc hiếu hỷ của ông đem lại niềm vui cho hàng ngàn đôi uyên ương vùng Phủ Diễn.

Nghề hát hò đám cưới inh ỏi một hồi dần dần lắng xuống. Thời buổi bon chen, nam thanh nữ tú kéo nhau vào khách sạn nhà hàng tổ chức hôn lễ, cộng với sự cạnh tranh gay gắt của các ban nhạc hiếu hỷ, bộ tứ huynh đệ do ông cầm trịch không trụ nổi. Ban nhạc Diễn Xuân tan đàn xẻ nghé.

Trong những ngày tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành, ngoài guitar, đàn bầu, ông Thuận học được cách chơi 10 loại nhạc cụ khác. Sáo, nhị, organ, mandolin…, không những chơi được nốt cơ bản, ông còn biểu diễn thuần thục. Với nghệ sỹ mù làng Diễn Xuân, âm nhạc không những giúp ông khuây khỏa, mà còn là cứu cánh, mưu sinh.

Đầu năm 2009, Lê Đức Thuận tập hợp anh em, lập ban nhạc từ thiện. “Xung quanh, nhiều người khuyết tật đàn giỏi, hát hay, tại sao mình không đoàn kết họ lại thành một khối để nương tựa vào nhau?”, ông Thuận nghĩ.

Ban nhạc gồm 10 thành viên là nạn nhân chất độc da cam, khiếm thị, câm điếc bẩm sinh…, ngoài tài nghệ âm nhạc, diễn viên của ông còn có thể diễn xiếc, làm ảo thuật.

Dăm bữa nửa tháng, ban nhạc tình thương lại tập hợp, rong ruổi ra Quỳnh Lưu, lên Yên Thành, có khi vượt hàng trăm cây số tới miền sơn cước phục vụ miền núi. Ngoài cơm ăn, ông trả lương cho anh em từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/người/tháng.

Quên đi cơn đau vừa ập đến, nghệ sỹ ghì chặt cây đàn, đôi mắt giờ là hai hõm sâu ngước nhìn về phía ánh trăng mênh mang lưng chừng trời. Giữa không gian yên ả, tiếng đàn thánh thót ngân lên, khi bổng, khi trầm. Vợ và các con quây quần bên ông Thuận. Họ đứng thành vòng cung, sau lưng ông, như kết thành một điểm tựa vững chắc…

MỚI - NÓNG