"Chờ một đội quân chết" hay chất da cam và một giáo sư Mỹ

"Chờ một đội quân chết" hay chất da cam và một giáo sư Mỹ
TP - 25 năm qua, vị giáo sư người Mỹ Fred Wilcox (Đại học Ithaca - New York) miệt mài tìm kiếm những nhân chứng sống để cho ra đời cuốn sách về chất độc da cam gây chấn động nước Mỹ.

“Waiting For An Army To Die: The Tragedy Of Agent Orange” (NXB Santa Ana, 1983, sau đó được tái bản nhiều lần với số lượng 1,5 triệu cuốn), tạm dịch là “Chờ một đội quân chết: Bi kịch của tác nhân da cam”. Đó là cuốn sách của GS Wilcox viết về những cựu chiến binh Mỹ bị chất độc da cam trong cuộc chiến tại Việt Nam, đã gây tiếng vang lớn trong công chúng Mỹ, đặc biệt là đối với những cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam.

Cầm trên tay cuốn sách tâm huyết tặng tôi, Giáo sư Wilcox bắt đầu kể những trăn trở mà ông trải qua trong 25 năm qua. Những đau đáu của một người từng phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam và nay ông trên đường đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam.

Mới đến Đà Nẵng, Giáo sư Wilcox vội vàng đến ngay Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố để liên hệ tìm hiểu về những nạn nhân dioxin tại thành phố này. May mắn, phóng viên Tiền Phong có buổi đối thoại với ông.

“Ngoài thời gian giảng dạy ở Đại học Ithaca, viết bài cho các tạp chí, 25 năm qua, tôi đi khắp nước Mỹ rộng lớn để đến với những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, đang bị di chứng da cam. Mỗi câu chuyện là một sự khủng khiếp đối với tôi".

"Tôi được đến Việt Nam trong hòa bình và thân ái. Nhưng họ, những cựu binh Mỹ đã cầm súng, và trực tiếp rải chất độc chết người xuống vùng đất này. Họ bị những ám ảnh kinh hoàng. Tôi cũng vậy” - Giáo sư Wilcox chậm rãi kể.

Giáo sư Wilcox nhớ lại: “Đầu năm 1978, qua một người bạn, cũng là cựu binh Mỹ ở Việt Nam, tôi được gặp Paul Reutershan tại Mahathan. Anh ấy từng là trưởng nhóm của đội trực thăng lên thẳng, chịu trách nhiệm vận chuyển quân nhu.

Đội bay của anh ấy phải thường xuyên bay qua vùng dioxin được thả xuống từ máy bay. Anh ấy thấy những vệt cắt đen ngang rừng do những tia bụi của thuốc diệt cỏ. Nhưng lúc đó, anh ấy không hề mảy may lo cho sức khỏe của mình. Đồng đội của anh ấy cũng vậy.

Lúc tôi đến tìm, anh ấy bị ung thư ruột và thận giai đoạn cuối. Theo các bác sĩ, đó là di chứng của chất độc dioxin anh ấy đã hít phải từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Đồng đội của anh bây giờ không còn ai. Những lời anh ấy kể làm tôi ớn lạnh”.

Mùa xuân năm 1978, Giáo sư Wilcox lại đến thăm Paul Reutershan, đây là những ngày cuối đời của vị đội trưởng trực thăng xấu số.

“Đúng ngày 14/12 năm đó, tôi ở bên Paul, nhìn anh ấy trút hơi thở cuối cùng. Trước khi ra đi, anh ấy bắt tay tôi thật chặt, và thều thào: Tôi đã chết ở Việt Nam nhưng, bạn ơi, tôi thậm chí không hề biết điều đó”.

Brendan Wilcox, con trai của Giáo sư Wilcox cùng đi với cha mình trong lần ghé sang Việt Nam lần này, kể: “Trong cuốn Waiting For And Army To Die", trích đoạn về Paul Reutershan là một trong những đoạn khiến độc giả khắp nơi ở Mỹ cảm động. Câu nói cuối cùng mà Paul nói với cha tôi lúc ra đi cũng là câu nói nổi tiếng mà ông ấy gây sốc trước toàn khán giả Mỹ trong những chương trình truyền hình mà ông ấy là khách mời”.

Giáo sư Wilcox kể rằng, khi biết ý định tìm hiểu về những nạn nhân dioxin để viết sách, nhiều người, kể cả một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam tỏ ý không hài lòng.

Với họ, thất trận ở Việt Nam được coi như một mối nhục lớn, không dễ ngày một ngày hai quên đi. Thời điểm đó, nhiều cựu binh Mỹ vẫn chưa biết mình bị nhiễm dioxin.

“Khi cuốn sách được xuất bản, mỗi ngày tôi nhận được hàng chục cuộc gọi, đa số là đồng tình. Anh là nhà báo hay viết về những nạn nhân dioxin, hy vọng cuốn sách này sẽ giúp anh đôi chút” - Giáo sư Wilcox vui vẻ.

Dưới đây là một số lời gửi Wilcox được ông trân trọng đăng ngay trang đầu cuốn sách: “Cám ơn tác giả đã viết cuốn sách này, Chờ một quân đội chết. Ôi, chúc ông thành công. Nhưng trên hết tôi rất vui mừng ông đã kể được câu chuyện về chúng tôi. Câu chuyện của những cựu chiến binh Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam phải được nhân loại biết đến. Ông đã làm được một việc tuyệt (David Mair  - Cựu chiến binh).

Và “Sự giới thiệu khúc triết và cảm động về vụ (bê bối) scandal - chất độc da cam. Ở mọi khía cạnh Wilcox vạch trần được sự thật về chất độc da cam” (Kirkus Reviews - nhà báo)…

“Cuốn sách sắp tới của tôi sẽ gửi tới Tổng thống Barack Obama”

"Chờ một đội quân chết" hay chất da cam và một giáo sư Mỹ ảnh 1
GS Wilcox bên các em nạn nhân CĐDC tại Đà Nẵng. Ảnh: PV

Trong ba ngày ở Đà Nẵng, hai cha con Giáo sư Wilcox phải đi lại liên tục đến những gia đình và các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em da cam.

Những nhân vật, số phận không may mắn này sẽ là nội dung chính của cuốn sách sắp tới của ông, dự định tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành.

Một cuốn sách viết về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, sau cuốn “Waiting For And Army To Die”.

Giáo sư Wilcox ý nhị hỏi: “Tôi dự định sẽ đặt nhan đề cuốn sách là Chính sách tiêu thổ Việt Nam. Anh thấy thế nào? Nhưng tiêu thổ là từ quân sự, chắc lớp trẻ ngày nay khó đón nhận”.

Tự hỏi và tự trả lời, và dường như trong suốt 25 năm tìm hiểu và dạy về chiến tranh Việt Nam ở Đại học Ithaca, Giáo sư Wilcox hiểu nhiều về ngữ pháp Việt. Theo ông, cuốn sách “Chính sách tiêu thổ Việt Nam” sau khi hoàn thành vào cuối năm nay, ông sẽ gửi Tổng thống Barack Obama.

“Ông ấy là một nhà lãnh đạo trẻ. Vận mệnh nước Mỹ trong thời đại này cũng đang được nắm giữ bởi những tuổi trẻ. Hy vọng cuốn sách sắp tới của tôi sẽ góp phần nhỏ vào nhận thức cũng như hành động của người Mỹ”.

Tại cơ sở nuôi dạy trẻ em da cam, Giáo sư Wilcox như đổ gục khi cúi xuống bắt tay những em bé dị dạng, lê lết dưới nền nhà. Đôi mắt vị giáo sư danh tiếng hoe đỏ: “Tôi thật sự không thể cầm lòng được trước những cảnh này. Nhìn các em cười, tôi đau đớn. Hàng ngàn người Mỹ mà đặc biệt là ông chủ của những công ty hóa chất không có nhiều cơ hội để thấy được nụ cười dị dạng của các em. Vậy thì sắp tới, vị tổng thống của họ sẽ được đọc Chính sách tiêu thổ Việt Nam, sẽ thấy được những nụ cười đó”.

Tại nhà ba cha con anh Nguyễn Hồng Cự (thôn La Bông, Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng) bị nhiễm chất độc da cam cả ba thế hệ, Giáo sư Wilcox thốt lên: “Thật tàn ác. Tôi đồng ý chiến tranh có thể giết người, có thể máu đổ, nhưng không thể ngờ được di chứng của nó lại nặng nề như thế này. Phải làm cái gì đó chứ. Phải làm cái gì đó để các em nhỏ vơi bớt nỗi đau chứ”.

Con trai Giáo sư Wilcox - anh Brendan Wilcox là một phóng viên của tờ The Ithaca Journal, bày tỏ: “Nhân những chuyến đi cùng cha tôi như thế này, chắc chắn tôi sẽ có tư liệu cho những bài viết về chất độc da cam ở Việt Nam”.

Theo Brendan, cha anh không phải là một nhà báo chuyên nghiệp song ông thường xuyên có những bài viết, bài nghiên cứu trên một số tạp chí, tờ báo danh tiếng như The Ithaca Journal, New York, The Time hay Washington Post.

Và quan trọng nhất, cuốn sách sắp tới của ông hy vọng sẽ lại được độc giả khắp nơi đón nhận. “Tôi không nghĩ nó sẽ là best seller book (sách bán chạy nhất), chỉ hy vọng nó được nhiều người đọc và hiểu về Việt Nam. Các nạn nhân da cam vẫn còn vật vã đau đớn nhưng các bạn thật kiên cường” - Giáo sư Wilcox bày tỏ.

Một tin vui, cuối chặng hành trình thực tế ở Đà Nẵng, Giáo sư Wilcox đã là Hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam Thành phố Đà Nẵng.

“Trong suốt chiến tranh, máy bay của quân đội Mỹ rải xuống xấp xỉ gần 12 triệu gallon (1 gallon bằng khoảng 3,8 lít) chất độc da cam làm rụng lá trên gần năm triệu cánh đồng của Việt Nam.

Lính Mỹ được giao nhiệm vụ rải chất độc diệt cỏ thường xuyên phải tiếp xúc và hít khói của thuốc diệt cỏ, nhưng họ được cho biết là vô hại. Sự thật không phải như vậy.

Chỉ bằng cách đưa trường hợp của họ ra tòa hoặc lên các phương tiện thông tin, những cựu chiến binh mới giành lại được công lý” - Giáo sư Wilcox.

“Giáo sư Wilcox đã làm được một việc phi thường cho cựu chiến binh Mỹ. Hy vọng, cuốn sách sắp tới của ông sẽ ít nhiều giúp Việt Nam đòi lại công bằng” - Bà Jen Flynn, Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện Globan Volunteer Network tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG