"Than tặc" và nỗi lo chết khát

"Than tặc" và nỗi lo chết khát
TP - Hồ Cao Vân là nguồn cung cấp nước cho thị xã than Cẩm Phả, thành phố Hạ Long, huyện đảo Vân Đồn - những trung tâm công nghiệp, du lịch văn hóa của tỉnh Quảng Ninh. Hiện, hồ bị ô nhiễm nặng và cạn dần khiến lòng dân không yên.
"Than tặc" và nỗi lo chết khát ảnh 1
”Công trường” khai thác “than tận thu” ở ngay mốc giới đường xi phông…

Cuộc chiến triền miên “than chui” và nước sạch

Đầu những năm 90, thế kỷ trước, hàng trăm hộ kinh doanh du lịch phường Bãi Cháy chấm dứt hợp đồng mua nước với xí nghiệp Đồng Ho, vì mỗi lít nước để lắng, có tới một gam bùn - Do nạn than “thổ phỉ” …

Cũng dạo ấy, đại họa than “thổ phỉ” (còn gọi là than chui) dọc sông Diễn Vọng bùng phát.

Trước đại họa, vào mùa mưa sông Diễn Vọng, có đoạn rộng đến trăm mét, phóng lụt cây sào dài năm, sáu mét, chưa tới đáy. Dòng sông chảy cuồn cuộn, xoáy thành những hỗ nước sâu hoắm, nhìn chóng mặt. Bên hữu ngạn bờ sông hoang vắng, có miếu thờ ba cô gái bơi qua sông bị chết đuối, gọi là Miếu Ba Cô.

Chỉ ba, bốn năm than “thổ phỉ” hoành hành, hàng ngàn ha rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh xanh tốt ngút ngàn tại các xã Quang Hanh, Dương Huy… bị chặt phá tanh bành. Đồi núi bị đào bới toang hoác, đất đá trút xuống ngổn ngang, xe vận tải chở than đủ các loại khuấy đảo, gầm rú suốt ngày đêm, tạo ra những đường hào ngang dọc, lầy lội khủng khiếp, như bãi bom B52 hủy diệt khổng lồ!

Cành cây, sỏi đá… từ các triền núi, bị mưa lũ cuốn lấp xuống sông Diễn Vọng, khiến nó hoá thành “Con sông chết’’. Mùa khô, lòng sông, chỗ nông thành sân bóng đá, chỗ sâu, nước đọng đen ngòm, lềnh bềnh rác thải tạp nham của dân đào than “thổ phỉ”.

Đập Đá Bạc và con mương bê tông, dẫn nước về nhà máy lọc Diễn Vọng, có đoạn nứt toác. Nước phân phối cho các hộ đã ký hợp đồng dạo ấy, ngay cả mùa hè, có cả rêu xanh, lông chó…

Đối phó với đại họa, UBND tỉnh phải huy động tổng lực hàng chục cơ quan - do ngành công an là mũi nhọn - phối hợp, liên tục mở các chiến dịch truy quét, đánh sập hàng trăm hầm lò, phá hủy hàng trăm điểm khai thác than trái phép, tháo dỡ hàng ngàn gian lều, lán tạm bợ của “cửu vạn” làm than…

Nhưng chỗ này san lấp, chỗ kia lại đào bới. Lán cũ vừa phá, hôm sau lại mọc lên lán mới.

Ngày ấy, báo Tiền Phong có bài cảnh báo: “Thành phố Hạ Long sẽ phải chuyển đi nơi khác!?”.

Lường trước nguy cơ, năm 1990, UBND tỉnh giao cho Công ty (Cty) tư vấn thủy lợi điều tra, khảo sát, tìm nguồn nước có khối lượng lớn, chất lượng cao, sẵn sàng thay thế, khi sông Diễn Vọng trở thành “Con sông chết”.

Kết quả sau hai năm điều tra: Vùng lòng chảo Cao Vân có lưu vực gần 56 km2, ở độ cao gần 40m so với mặt biển. Nếu đắp một con đập lớn phía hạ lưu, lòng chảo sẽ thành một cái hồ có bề mặt tổng thể gần 2 km2, dung tích sử dụng trên 10 triệu m3 nước. Rừng lưu vực hồ phần lớn là rừng tự nhiên, có nơi còn nguyên sinh …

Dự án xây dựng hồ Cao Vân được UBND tỉnh phê duyệt. Sau bốn năm thi công, hồ Cao Vân được đưa vào sử dụng.

Hồ Cao Vân và ‘’thiên đường nước sạch’’

Có hồ Cao Vân, tháng 10/1996, UBND tỉnh phê duyệt tiếp dự án nước sạch cho khu vực miền Tây của tỉnh bằng các nguồn vốn: Vay, tài trợ của quỹ ODA, Ngân hàng Thế giới, chính phủ Đan Mạch…

Sau bốn năm thi công, công trình nước sạch hoàn tất về cơ bản: 195km đường ống, phi từ 100 - 500; 461 km đường ống nhỏ, dẫn nước đến các hộ tiêu dùng, đặc biệt là đường xi-phông phi 900, dài 5,2 km, hầu hết nằm dưới lòng đất, dẫn nước từ hồ về nhà máy lọc Diễn Vọng, được lắp đặt hoàn chỉnh.

Tổng kinh phí công trình bước đầu là 37 triệu USD, tương đương 650 tỷ đồng. Công suất nhà máy nước Diễn Vọng, ban đầu là 60.000 m3/ngày (vượt hơn hai lần nhu cầu sử dụng nước của dân ngày ấy). Công suất có thể được điều chỉnh lên, từ 90.000 m3 đến 120.000 m3/ngày.

Mấy năm đầu, có công trình nước sạch, sản phẩm làm ra, tiêu thụ không hết, Cty Thi công và cấp nước phải mở nhiều đợt khuyến mãi, vận động các hộ dân mua nước sạch, được giảm một phần tiền lắp đặt đồng hồ, đường ống dẫn nước vào nhà…

Từ chỗ, hàng ngày phải dùng nước giếng khoan nhiễm mặn, hoặc xếp hàng thùng, chậu, nồi, xô… thành dẫy chờ đến lượt được hứng nước đục như váng cua ở các vòi nước công cộng… thì lúc này, nước chảy tràn trề đến các hộ tiêu dùng.

Nước qua nhiều công đoạn xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế, trong suốt, có thể uống ngay, không cần đun sôi để nguội. Dân ta hả hê, coi thời điểm ấy là “thiên đường về nước sạch”.

Nạn "than tặc, lâm tặc" tái diễn

Nếu rừng lưu vực hồ Cao Vân bị khai thác, nạn “tận thu” than cứ thả sức tung hoành, chẳng những nước hồ cạn kiệt mà đường xi-phông phi 900, dài 5,2km, dẫn nước hồ về nhà máy lọc Diễn Vọng - nằm trong vùng đất rừng đang bị “tận thu” than - sẽ bị phá hủy!

“Đại họa” than “thổ phỉ” tạm yên một thời gian, lại tiếp đến nạn “tận thu” than, xuất khẩu lậu mà dân bản địa gọi là nạn “than tặc”. Hai chữ “tận thu” bị lợi dụng biến thành cái ô, ngụy trang, bảo kê cho hành vi “than tặc”.

Hơn một năm, người ta xuất khẩu trái phép hơn 10 triệu tấn than lậu thuế qua biên giới. Hai chữ “tận thu” cũng là câu thần chú có ma lực siêu nhiên, để cả năm 2007 và gần trọn năm 2008, gần chục cơ quan dân sự, hình sự Quảng Ninh, dưới sự điều hành trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ… ra quân hàng chục đợt quyết liệt, mới dập tắt nạn “than tặc”.

Tưởng cái ‘’Vòng kim cô’’ đã thắt được lên đầu gã "Đại Ma Vương than tặc”, chấm dứt đại họa, nhưng rốt cuộc, chỉ đám lâu la, đệ tử lau nhau, đứa bị tịch thu tài sản, đứa phải nhận án, vào bóc lịch trong tù… Còn gã "Đại Ma Vương" lắm mưu, nhiều phép lại tái xuất.

Ở vùng than hôm nay, người người tận thu, nhà nhà tận thu, một số nơi, phường, xã… cũng bí mật “tận thu”. Một số đơn vị sản xuất, kinh doanh của ngành Than, cũng lấy cớ “tận thu” để vừa đào bới than tại các vùng cấm, vừa mua than “tận thu”, bất kể nguồn nào.

Chưa bao giờ việc “tận thu” than lại tấp nập như vừa qua. Nhiều chủ vườn, chủ rừng ở Quang Hanh, Dương Huy (thị xã Cẩm Phả), Tân Dân (huyện Hoành Bồ)… khoá cổng, đặt mâm lễ hậu trước sân: Thủ lợn ngậm đuôi, mâm xôi nhuộm đỏ, USD âm phủ một tập thật dầy, rồi chắp tay khấn vái, xin sơn thần, thổ địa cho được “tận thu” than.

Xin âm dương vài lần chưa được thì cứ kiên trì kêu nài, xóc đĩa, đến được mới thôi - Cứ như trần gian xin giấy phép xuất khẩu than tiểu ngạch.

Xin được âm dương rồi, họ dùng tranh, bạt… quây kín vườn, nhà lại. Có hộ đào than từ gầm giường ra sân, đào lân ra vườn. Người nhà đào không xuể thì thuê thêm cửu vạn. Ngày đào sợ lộ thì ngủ để tranh thủ đào đêm.

Ở những khu vực này, đêm đêm, tiếng cuốc, tiếng choòng… cứ uỳnh uỵch như vào chiến dịch. Than đào ra đến đâu, thuê ô tô, chở luôn đi trong đêm. Than ra đến cảng là thành than “tận thu”.

Tàu no than nổ máy, phóng ngay ra biển, qua cảng Vạn Gia, ‘’vút’’ luôn một mạch, vào hải phận nước bạn là yên. Nếu bị bắt giữ tại cảng nhà, gã "Đại Ma Vương" lại có... phép.

Dân vùng mỏ có vè: Muốn nhanh thành tỷ phú /xuất khẩu than’’tận thu’’/ Muốn sớm được vào tù/ Năng đi ăn cắp vặt.

Nhiều chủ than ‘’tận thu’’ dăm năm, ngoài việc tậu đất, xây nhà lầu, sắm xe con tiền tỷ, trong tay còn có cả một ‘’tập đoàn’’ xe, tàu vận tải than, thu lợi mỗi năm mấy chục tỷ đồng. Có lẽ do kinh doanh than ‘’tận thu’’ lợi nhuận kếch sù nên nạn ‘’than tặc’’ như tên giặc Phạm Nhan, chém đầu này lại mọc lên đầu khác.

Nguy cơ lơ lửng trên “Thiên đường nước sạch”

"Than tặc" và nỗi lo chết khát ảnh 2
Và hậu quả. Ảnh: PV

Dân vùng than nay quá khổ vì than tặc. Mùa mưa, lo lũ cuốn mất cả gia cư, điền sản; mùa khô, mũi nghẹt thở vì than bụi mù trời. Và những người làm ra ‘’Thiên đường nước sạch’’ nơm nớp lo: rừng lưu vực hồ bị "lâm tặc" chặt phá, đường xi-phông phi 900 bị ‘’than tặc’’ bẻ gẫy…

Muốn ‘’thực mục sở thị’’ nỗi lo ấy, Phó giám đốc nhà máy nước Diễn Vọng Nguyễn Đức Long mời tôi và mấy nhà báo lên Cao Vân ‘’dạo chơi một chuyến’’.

Chiếc xe con thuộc loại ‘’xuyên lục địa trên mọi địa hình’’ chở chúng tôi từ văn phòng giao dịch lên nhà máy nước tại cổng trời. Thăm nhà máy, tham quan các công đoạn xử lý nước hồ xong, bám theo đường xi-phông phi 900, chúng tôi lên Cao Vân.

Đường Lâm sinh, dù chưa giữa mùa mưa đã bị ô tô chở than “tận thu” quần đảo nát bét. Chiếc xe chở chúng tôi như gã say rượu, gầm rú, lúc láng trái, lúc láng sang phải. Những đoạn đường hai bên bị khoét thành hào sâu hoắm, ở giữa vống lên như sống trâu…

Để đảm bảo an toàn, chúng tôi xuống xe đi bộ, vòng qua các khai trường than bỏ hoang, ngổn ngang đất đá để xe vượt lên trước. Qua nhiều chặng đi bộ, anh Long chỉ cho chúng tôi các đoạn xi -phông bị mép đường ô tô của ngành than đang thi công, lấn vào, chỉ cách mốc giới xi - phông ba, bốn mét.

Có chỗ, đường chở than vắt ngang, chạy trên xi-phông, cực kỳ nguy hiểm, vì phía dưới nền và mặt đường là đất sét vôi, có kết cấu sợi, ngâm nước lâu sẽ nhão thành bùn, mất khả năng chịu lực.

Ô tô chở than trọng tải lớn, lại thường vượt tải trọng sẽ làm sụt vỡ nền và mặt đường. Áp lực tải trọng lớn của ô tô chở than sẽ đè bẹp hay bẻ gẫy xi-phông.

Trong trường hợp đó, hơn 10 triệu mét khối nước hồ Cao Vân ở độ cao gần 40m sẽ phóng xuống, hạ lưu xi - phông sẽ gặp “nạn hồng thuỷ”, chìm sâu dưới mấy thước nước, trong khi các trung tâm dân cư phía ngoài không còn nguồn nước cung cấp. Mọi hoạt động kinh tế, du lịch… của các trung tâm sẽ bị đình trệ. Vùng than sẽ khát.

Cũng trên chặng đường đi bộ, chúng tôi chứng kiến nhiều điểm khai thác than “tận thu” gây sạt lở đất đồi nham nhở. Điển hình nhất, tại mốc giới 199 của xi - phông, một chủ rừng mở khai trường than rộng đến vài hécta.

Khai trường này đã có lệnh đình chỉ khai thác vài tuần trước, nhưng giữa thanh thiên bạch nhật, trên khai trường vẫn ngổn ngang hàng chục đống than, cao như núi, dấu vết còn rất mới.

Bên cạnh những ao, hồ sâu sáu, bảy mét - hậu quả của việc đào bới than tạo ra - máy xúc, máy gạt đỗ im lìm như đang nằm phục kích. Cả khai trường vắng lặng.

Chúng tôi muốn gặp ông chủ của khai trường, nhưng mấy anh thợ chữa xe gần đó bảo: ”Muốn gặp họ, phải “đột kích” ban đêm. Ban đêm ở vùng này, mọi hoạt động mới tấp nập”.

Anh Long chỉ cho chúng tôi thấy: Mương thoát nước và hố van xả cặn của xi - phông bị máy gạt của khai trường này lấp kín.

Anh phàn nàn: ‘’Nhà máy nước đã lập biên bản về vi phạm của chủ vườn này. Họ ký cam kết, khai thông mương thoát nước và đình chỉ khai thác than gần mốc giới xi - phông… nhưng đến nay, biên bản vẫn chỉ là biên bản!".

Nỗi lo rừng bị phá

"Than tặc" và nỗi lo chết khát ảnh 3
Một nhánh hồ Cao Vân - Ảnh: Quốc Huấn

Ì ạch gần ba giờ, chiếc xe “xuyên lục địa” cũng đưa được chúng tôi lên đến đập Cao Vân. Tổ trưởng tổ tuần tra, bảo vệ hồ, Nguyễn Văn Thành, chắc chờ chúng tôi lâu, sốt ruột. Vừa gặp nhau, anh mời chúng tôi lên xuồng ngay, đi dạo trên hồ.

Hồ Cao Vân có bốn nhánh lớn và gần 20 nhánh nhỏ, dẫn vào các khe núi sâu thẳm. Hai bên nhánh hồ, rừng tự nhiên hầu hết còn nguyên sinh, chưa có dấu chân người, xanh đến ngút ngàn, có đôi chỗ, đan xen rừng phòng hộ (trồng keo) đã trên 20 năm.

Thân keo có cây đẫy một vòng ôm, tán cây chồng lên tán cây như mái nhà xanh chồng lên mái nhà xanh, từ mép nước đến tận đỉnh núi cao.

Rẽ vào một nhánh hồ lớn, xuồng phải đi chậm lại - nhánh hồ này như một con sông, phẳng lặng, nước trong đến tận đáy. Vào sâu chừng cây số chỉ có tiếng động cơ êm êm, hoà với tiếng chim rừng ríu rít trên núi cao vọng xuống, cảnh vật thật thanh bình, thơ mộng. Có người thở dài: “Trời ban cho Quảng Ninh một báu vật kỳ vĩ thế này, sao không sớm ra tay bảo vệ?’’

Anh Thành hào hứng bảo: Rất may, vùng đất lưu vực Cao Vân không có than, nên đất rừng không bị đào bới, cây rừng chưa bị chặt hạ nhiều.

Anh cho biết: tổ bảo vệ phân công nhau tuần tra liên tục trên hồ, cấm tuyệt đối mọi mủng, bè xâm nhập, câu, bắt cá… nên hồ không có rác thải. Lúc nào cũng trong xanh…

Anh Nguyễn Đức Long trăn trở: “Lo nhất là, nếu tỉnh không cân nhắc, mà cho lâm trường Hoành Bồ khai thác những cánh rừng phòng hộ, trồng theo dự án 327, bằng vốn của nhà nước thì như vết dầu loang, rừng trồng bị khai thác sẽ kéo theo nạn lâm tặc triệt hạ rừng tự nhiên, nhanh lắm.

Mới đây, lâm tặc lén lút chặt trộm gỗ rừng phòng hộ rồi phủ lá cây, rưới luyn, đốt cho gỗ bám muội, nguỵ trang thành gỗ ‘’tận thu do cháy rừng” để qua mắt kiểm lâm.

Trong này, lâm tặc phá rừng/ Phía ngoài kia “than tặc” phá đường xi - phông thì Nguồn nước Cao Vân cạn sẽ Đại nạn cả vùng than. Có lẽ đó cũng là một câu Sấm khí cảnh báo!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.