Cuộc chiến giữa tâm và tiền

Cuộc chiến giữa tâm và tiền
TP - Hầu hết bác sĩ trẻ thẳng thắn thừa nhận chuyện bệnh nhân đưa phong bì. Nhận hay từ chối - những đại biểu thầy thuốc trẻ tiêu biểu trao đổi với Tiền Phong - như lời tâm sự trước những trăn trở về y đức.
Cuộc chiến giữa tâm và tiền ảnh 1

Thầy thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Ảnh: Phạm Huệ

Bác sĩ Nguyễn Đắc Ca - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Hàng ngày, chúng tôi thường xuyên gặp những trường hợp bệnh nhân cứ nhất định đòi bồi dưỡng, lót tay. Giải thích để họ hiểu ra vấn đề không đơn giản.

"Nhiều người nghĩ, bồi dưỡng thế bác sĩ chê ít, lại đưa nhiều hơn. Thậm ch,í khi chúng tôi kiên quyết từ chối, nhiều người nhà bệnh nhân lo lắng, sợ người thân không được điều trị đến nơi đến chốn, nên tiếp tục xin gặp đến khi nào bác sĩ hoặc găy gắt hoặc chịu nhận mới thôi!”.

Chuyện gợi ý, vòi vĩnh người nhà bệnh nhân khiến vấn đề phong bì trở nên nóng hơn.

“Bệnh xấu lây lan khiến bệnh nhân vào viện luôn mang tâm lí không lót tay không xong, nhưng nhiều người trong số họ quên rằng, khám chữa bệnh tận tình chu đáo là trách nhiệm của mọi y bác sĩ” -  Bác sĩ Đặng Thu Phương - Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) chia sẻ.

Các bác sĩ trẻ với mức thu nhập hạn chế lại càng đứng trước nhiều thử thách.

“Không ít lần phải đấu tranh tư tưởng quyết liệt giữa một bên là lợi ích kinh tế thấy rõ, một bên là danh dự, lương tâm. Nhưng tự vượt qua được một lần, lần sau sẽ có dũng khí” - Bác sĩ Lê Duy Hưng - Khoa Chẩn đoán Hình ảnh Bệnh viện 71 Trung ương nói.

Con gà quê, cân gạo nếp...

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ 2009 - 2012 diễn ra từ 27-28/6 với sự tham gia của 250 đại biểu.

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Lộc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM kể một câu chuyện cảm động: Trong lần kiểm tra công tác tại một bệnh viện, tình cờ tôi chứng kiến một sinh viên y khoa mới ra trường khám bệnh. Bệnh nhân là bà cụ ngoài 80 tuổi. Giữa quyển y bạ, cụ già kẹp phong bì. Cậu bác sĩ trẻ điềm tĩnh cho phong bì vào túi áo.

Khám cho bà lão xong, khi bà cụ chào ra về, anh chàng từ từ rút trong ví số tiền tương ứng, rồi lễ phép bảo: “Tấm lòng của cụ con xin nhận, và xin cảm ơn. Còn đây là tấm lòng con, con xin biếu cụ về thuốc thang...”. Tôi đứng sau chứng kiến và rất xúc động.

Bác sĩ Nông Huy Thiệp - Phó Trưởng khoa Mắt (Trung tâm phòng chống bệnh xã hội) nhớ như in những đợt công tác dài ngày tại vùng sâu, vùng xa tỉnh Cao Bằng. Mỗi ngày, anh và đồng nghiệp lội bộ cả chục cây số để khám chữa mắt cho bà con.

Anh bảo: “Đồng bào ở đây nghèo lắm, cơm còn chẳng đủ no, nói chi tiền chữa bệnh, tiền bồi dưỡng bác sĩ! Có khi thấy hoàn cảnh bệnh nhân tội quá, anh chị em lại bảo nhau quyên góp hỗ trợ họ phần nào”.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hải - Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị khẳng định, sáu năm trong nghề nhưng chưa từng nhận phong bì.

“Tình cảm của người nhà khi được bác sĩ cứu chữa cho người thân là không thể từ chối. Bằng cách này hay cách khác, một lá thư cảm ơn tập thể, một con gà quê, cân gạo nếp… thì tôi tin không bác sĩ nào từ chối” - Bác sĩ Hải nói.

Vinh danh 20 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc

Tối 27/6, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức lễ tuyên dương các gương thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Cuộc chiến giữa tâm và tiền ảnh 2
Lễ vinh danh 20 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: Hồng Vĩnh

Hai mươi thầy thuốc trẻ được vinh danh là các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, tình nguyện vì cộng đồng trên cả nước.

Cũng trong dịp này, ban tổ chức tặng bằng khen cho 13 tập thể tiêu biểu. 

MỚI - NÓNG