Về nơi sự sống đau hơn cái chết

Về nơi sự sống đau hơn cái chết
TP - Sau cái chết vì chất độc da cam của chồng - một cựu binh Mỹ tại Việt Nam, nữ đạo diễn Nhật Bản Massako Sakata một mình một máy quay nhiều năm rong ruổi khắp Việt Nam làm phim về nạn nhân chất độc da cam để đưa ra thế giới tố cáo tội ác khủng khiếp này.
Về nơi sự sống đau hơn cái chết ảnh 1
Đạo diễn Nhật Massako Sakata tại Trung tâm Nạn nhân Chất độc Da cam Đà Nẵng

Trưa. Giữa cái nắng miền Trung như đổ lửa, ở độ tuổi ngoài 50, bà vẫn một mình một máy quay, trên chiếc xe máy cùng thành viên Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Thành phố Đà Nẵng phóng về phía sân bay quốc tế, tìm đến khu vực hồ Bàu Sen. “Stop” - tiếng đạo diễn Sakata.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Vang, thành viên Hội, vội dừng xe chưa kịp hiểu sự tình đã thấy chị người Nhật chạy nhanh đến một phụ nữ đang gánh nước dọc đường chính ở sân bay.

“Không được lấy nước ở hồ về đun nấu, hay tắm giặt vì rất nguy hiểm chị à, nước có khả năng bị nhiễm chất độc da cam”, bà khẩn khoản. Chị kia ngớ người, rồi giải thích cho vị khách lạ việc lấy nước để xây bờ tường phía sân bay. Lúc này, nữ đạo diễn Massako Sakata mới an tâm, tiếp tục công việc của mình.

Chiếc máy quay loại Beta nặng trịch, đè lên vai gầy, bà vẫn nhẹ nhàng di chuyển, lựa chọn các cảnh quay. “Với bộ phim thứ hai này, tôi xây dựng theo dạng phóng sự, phản ánh về hoàn cảnh thực, tình trạng của nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam” - đạo diễn Massako bộc bạch.

Lượng thời gian được dành khá dài cho cảnh quay vài người dân đang câu cá ở trong hồ rồi phóng ra toàn cảnh, đồ dồn sự chú ý vào những con cá đang vùng vẫy trước lưỡi câu.

Không vào được bên trong sân bay, bà đứng trên chiếc ghế để zoom tới. Cá ở đây rất nhiều, còn dân thì cứ vô tư ra câu cá về ăn mà chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm điểm nóng về chất độc da cam của hồ Bàu Sen.

Rồi mặc cho cái nóng hầm hập, đoàn làm phim... một người, theo cách nói vui của bà lại phóng về phía chợ Hàn, cận cảnh bày bán cá của tiểu thương: “Liệu trong số cá này, có tránh khỏi những con cá được câu từ hồ Bàu Sen về?” - đạo diễn Massako bỏ lửng câu hỏi.

Hai ngày cuối tuần cấp tập, vẫn chiếc máy Beta và trên con ngựa sắt, nữ đạo diễn Massako Sakata tiếp tục tìm đến với Trung tâm Nạn nhân Chất độc Da cam 1 (đường Nguyễn Như Hạnh) và Trung tâm 2 (đường Quang Trung – Đà Nẵng).

Từng cái cười méo xệch, những tiếng ú ớ không tròn vành nơi khoé miệng, những thân hình cong queo, èo oặt từng bước đi của các nạn nhân chất độc da cam. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của người phụ nữ Nhật.

Chung một nỗi đau

Bộ phim thứ hai về nạn nhân chất độc dam cam Việt Nam được bắt đầu ở Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Mỗi cảnh quay, người ta nhận thấy sự nhiệt tâm và cả nỗi đau hiện hữu. “Năm 2003, chồng tôi qua đời vì hậu quả chất độc da cam sau khi ông tham chiến tại Việt Nam” - đạo diễn Massako tâm sự.

Cựu chiến binh Mỹ Greg Davis - chồng bà từng tham chiến ba năm trong vùng bị rải chất diệt cỏ ở vùng Đồng Tháp, đến những năm 1970 thì rời quân ngũ. Tình yêu đến với họ thật đẹp nhưng ngay từ đầu, Greg Davis đã nhận ra rằng mình không thể có con. Thẳng thắn tâm sự với người yêu để mong Massako đi tìm hạnh phúc mới, nhưng vì tình yêu cô vẫn chấp nhận tất cả.

“Chúng tôi yêu nhau và tình yêu sẽ có sức mạnh để vượt qua tất cả, nhưng có những điều lại vượt quá khả năng của phận người” - đạo diễn Sakata nhớ lại.

Davis không quay về Mỹ, mà làm một nhiếp ảnh gia cung cấp ảnh cho các cơ quan báo chí ở Nhật. Rồi chứng bệnh ung thư gan do nhiễm chất độc da cam cũng đến lúc bùng phát, Davis ra đi ở tuổi 54.

“Chồng tôi nói nhiều về chất diệt cỏ, về thảm cảnh bị phơi nhiễm chất độc da cam ở những nơi Mỹ đã hoành hành khiến tôi càng thôi thúc đến Việt Nam để tìm hiểu, nguồn gốc nỗi đau không của riêng tôi”. Để rồi, với chiếc máy quay phim, Sakata một mình lặn lội khắp dọc dài đất nước: Hà Nội, TP HCM, Huế, Đà Nẵng..."

Tháng 5/2006, bộ phim thứ nhất Chất độc da cam: Lời cầu hồn của riêng tôi (My personal requiem) của đạo diễn Massako Sakata hoàn thành sau ba năm bấm máy.

Hơn 70 phút của phim kể lại về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, về những nạn nhân da cam ở Việt Nam - những con người mà sự sống còn đau đớn hơn cả cái chết.

Phim được trình chiếu tại nhiều thành phố lớn của Nhật, Mỹ, Pháp, Cuba, Canada, Sarajevo…  Số tiền thu được từ những lần trình chiếu phim, bà đem ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Khởi tố vụ cán bộ CSGT tông chết người ở Gia Lai
Khởi tố vụ cán bộ CSGT tông chết người ở Gia Lai
TPO - Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Phong (41 tuổi, cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, Công an huyện Chư Prông) để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.