Kế hoạch bảo vệ hạt thóc

Kế hoạch bảo vệ hạt thóc
TP - Bộ NN&PTNT vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quản lý đất trồng lúa nước và chính sách phát triển lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Theo đó, Thủ tướng sẽ phê duyệt công nhận những tỉnh chuyên canh lúa nước, những vùng đất lúa bất khả xâm phạm.

Để ngăn chặn quá trình xâm chiếm ồ ạt đất trồng lúa, dự thảo đưa ra ba quy định khắt khe hơn (chuyển đổi trên 5 ha đất trồng lúa phải do Thủ tướng quyết định; giá đền bù đất trồng lúa nước được thu hồi phải gấp đôi giá đất thổ cư ở cùng thời điểm). Đồng thời, các hành vi xác định chỉ giới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa sai vị trí trên thực địa, hoặc do thiếu trách nhiệm mà để xảy ra việc sử dụng đất trồng lúa trong quy hoạch vào mục đích khác-đặc biệt đối với đất chuyên lúa- có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chính phủ chỉ thị, phải giữ cho được diện tích đất trồng lúa theo lộ trình: 3 triệu 850 nghìn ha (đến năm 2015), 3 triệu 700 nghìn ha (năm 2020),  và giữ ổn định 3 triệu 600 nghìn ha kể từ năm 2030 trở đi (trong đó, đất chuyên lúa nước là 3 triệu 200 nghìn ha).

Các chuyên gia nông nghiệp vui mừng vì lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật cấp chính phủ tỏ rõ quan điểm bảo vệ diện tích đất trồng lúa còn lại của quốc gia bằng biện pháp mạnh. Nếu nghị định này không ra đời thời điểm này-dù là đã muộn- thì không còn kịp nữa.

Vui là phải, bởi mới đây Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) dự báo, đến năm 2020, Việt Nam có thể không có gạo dư để xuất khẩu, thậm chí, một số nhà khoa học còn lo ngại xảy ra kịch bản thiếu gạo cho nhu cầu 100 triệu dân trong nước vào năm 2020, chứ chưa nói xuất khẩu. Việc phát triển đô thị, công nghiệp, giao thông, sân golf… thiếu quy hoạch đồng bộ lâu nay, khiến  đất trồng lúa mất đi khoảng 360 nghìn ha trong tám năm qua.

Nhu cầu đất dự kiến cho các mục đích phi nông nghiệp đến năm 2020 lên tới 700 nghìn  ha, và sẽ có thêm ít nhất 270 nghìn ha đất trồng lúa bị chuyển đổi. Chưa kể, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp những năm tới chưa biết sẽ lấy đi bao nhiêu diện tích đất trồng lúa do bị ngập hoặc nhiễm mặn. Vì thế, mọi diện tích đất trồng lúa bờ xôi ruộng mật phải được gìn giữ nghiêm ngặt. Nhưng bằng cách nào?

Mười năm trước, có mặt ở Kagawa (tỉnh có vùng nông nghiệp lớn của Nhật Bản), người viết đã sống cùng gia đình một công chức cấp tỉnh. Gia đình công chức này vẫn giữ đất đai trồng lúa, tự cày cấy gieo trồng. Hóa ra, chính quyền trợ cấp một khoản tài chính đáng kể, đồng thời trợ giá cao cho nông sản để người Nhật không bán đất trồng lúa.

Người Nhật nhìn xa không chỉ chuyện lương thực mà còn là vấn đề môi trường. Lần này, Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm giữ đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực và môi trường cho quốc gia, và cách bảo vệ hạt thóc, có thể tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để áp dụng, dù muộn, nhưng may ra còn kịp! 

MỚI - NÓNG