Gã đầu bạc không ăn đúng bữa

Gã đầu bạc không ăn đúng bữa
TP -  Y được người ta gọi thầy, gọi bác, gọi anh, gọi mày, gọi bố. Y cởi trần khi đông người mặc áo. Ở ngoài đời cũng như trong giới blogger, người ta đã quen với cái tên Gã đầu bạc. Gã là Phạm Xuân Nguyên.

Một giờ sáng, tôi vừa rời mạng thì giật thột điện thoại réo. Lạnh người. Tin gì đây. Cập rập tôi nghe âm sắc của một giọng trầm khàn, lịch lãm, hơi rè và dấp dính hơi men khi giới thiệu :

- Nguyên- Đầu bạc đây.

Rồi thì giọng nói đó chuyển sắc thái oai vệ, và dứt khoát ban ra một lệnh:

- Thiện Kế hả? Đánh xe đi uống rượu bây giờ nhé. Tôi đang ở cách cổng nhà ông 500 mét. Tôi, ông và một người bạn phương xa nữa, sẽ đi tiếp hai mươi cây số rưỡi nữa để dự một sự kiện quan trọng…

Tự học ba bốn ngoại ngữ. Dịch một hai cuốn sách cực khó. Nhiều những bài viết hay về văn chương. Nếu sướng Y có thể in dăm ba cuốn tức thì. Nếu mê cũng đã xong tiến sỹ.

Tham gia nồng nhiệt các hoạt động nghề nghiệp, xã hội. Hiện đang khuyết đời sống một gia đình đầy đủ thành phần.

Uống rượu toát mồ hôi mũi và du hý truyền văn qua các miền đất nước...

Rời nhà lúc một giờ sáng sau một cú điện thoại, tôi phải giải thích với bà xã thế nào nhỉ.

Lần Y mời rượu tôi gần nhất cũng thuộc về đêm. Mười một giờ hơn. Tôi hấp tấp nhao đi, gặp Y ngồi trên chiếu trải giữa sân Nhà Văn hoá Lao động Việt Trì vằng vặc trăng. Mất điện. Bia Hà Nội và trám đen trung du chấm muối vừng. Ánh nến nhún nhảy vẽ những lằn đen trên gương mặt Y vốn sáng. Mái tóc bạc đặc trưng nhuốm màu đêm. Sau Y là chú em kiêm lái xe kiêm nhà báo kiêm cả nhà thơ thủ thỉ buôn điện thoại.

Ủ rũ Y cầm chai bia lên mút mút nhấm nhấm như là đang dùng miệng chai đánh bóng bộ ria bàn chải.

- Sao có vẻ buồn.

- Để buồn được đúng nghĩa cũng đâu có dễ. Phải xét cái lý do để buồn có đáng không chứ.

- Tại Việt Trì mất điện…

- Hiện có nhiều thứ đang mất, nhìn thấy sự mất ngay trước mũi…

- Gặp hết người cần gặp chưa.

Ở thành phố trung du bằng cái phường Hà Nội, Y có cả một đống những người thân quen. Nào học trò Chuyên văn Hùng Vương. Công nhân, viên chức nơi Y đến nói chuyện. Đồng nghiệp văn chương, đồng nghiệp giáo viên, đồng hương, đồng tuế…Tóm lại là Y vô cùng quảng giao ở đây…

Không, Y còn quảng giao hơn thế nữa. La cà miền Trung, lang thang Nam bộ, vật vờ Tây Nguyên nhiều khi tôi được bạn giới thiệu đến quán nhậu nổi tiếng nào đó, biết tôi là khách Bắc thì mươi phút sau chủ quán đã đến hỏi thăm cái đầu bạc của Phạm Xuân Nguyên. Và thì thào bán tin miễn phí rằng: (Lần đó) Ổng dẫn theo một cô áo đỏ trẻ quá trời! Đấy là chưa kể sự xuất hiện của Y trong các trang mạng, nước ta nước người.

- Gặp hết rồi. Tôi đã gặp chính tôi …

- Vậy thì đây chuồn nhé.

- Dở hơi mà về bây giờ. Tôi mời ông chứng kiến rằng tôi hôm nay đã gặp tôi ở Việt Trì. Biết chưa ?

Y nhích ra chừa một nửa già chiếc chiếu nhựa nhem nhuốc lành phành cho tôi. Hai chai bia chạm chéo ể oải.

Đâu rồi những trận nhậu Y làm chủ trò đùa tếu. Thiêng liêng thành gàn dở ngây ngô. Chổi cùn rế rách bỗng hoá thân vàng son lộng lẫy, tất cả chỉ cần chút động tác, một hai từ chơi chữ của Y. Cười. Cười. Cười như bão xung quanh. Còn Y bỗng hoá thành anh hề trong truyện ngắn Aziz Nesin.

Lần đó chúng tôi chia tay trong dư vị trám đen chan chát bùi bùi lẫn men bia đăng đắng và câu nói đậm đặc đồ gàn của Y:

- Người tôi không muốn gặp nhất là tôi. Và người tôi muốn gặp nhất cũng chính là tôi. Ông đã bao giờ được gặp chính ông chưa ?

Tôi đã vấp chân giật mình.

Tình yêu là thứ không nên ăn đúng bữa

Và bây giờ Y lại lên mời rượu, từ chối sao được. Một lời mời từ Phạm Xuân Nguyên! Không đi nhậu với Y thì nể và sợ. Nể vì cái tiếng bấy lâu của Y trong văn giới. Sợ vì gặp lần sau thể nào cũng phải nghe Y chửi hoặc văng mà vẫn phải im. Mà lạ Y chửi cũng lịch sự và văng cũng lịch sự.

Nghĩa là lúc Y chửi và văng tôi vẫn có cảm giác miệng lưỡi Y sạch tinh, tử tế, mắt long lanh phát quang. Mặc dù xung quanh cái miệng náo động của Y râu ria lởm chởm sợi đen đan sợi bạc như cỏ gà dưới mưa xuân.

Bởi Y không như người khác gặp đâu chửi đấy. Y chọn  cái quán, sạch sẽ, đẹp đẽ và đông người mời ta vào đãi đằng café bia rượu nước lọc chán chê. Sau thì Y nhằm một cái ghế bành oai vệ hoặc chiếc ghế chân cao ngồi vót lên, có thể khoanh tay có thể cầm cốc rượu vodka sóng sánh, cánh mũi to, dày phập phồng lấm tấm mồ hôi, rồi mới từ tốn mà hặc tội.

Tội một đời người đâu có ít. Mà Y lại chửi bằng cả vốn kiến văn thiên kinh vạn quyển từ Đông sang Tây với những điển tích phong phú như là Y đang bàn về sứ mạng văn học. Đan xen ca cải lương. Chèo. Tuồng. Kịch câm. Tiểu thuyết Hậu hiện đại. Y chửi ngắn, dài là tuỳ vào thái độ của ta tiếp thu ý kiến. Chửi đến mức độ nào đấy, thì Y chửi không còn là chửi một người cụ thể nữa. Y chửi thân phận con người với những cái đúng, cái sai của nó…

Bỗng hiểu rằng mình là cái cớ con con Y vin vào, để xả bớt những cuồng nộ lưu cữu vò xé chính Y.

Nên nhiều người nghe thích nghe Y chửi. Cảm ơn Y chửi. Chẳng qua là vì cái sự chửi hay của Y. Cái chửi để không bao giờ thù hận. Chửi để gắn kết những tan hoang trong nghi kỵ giữa bạn bè…

Với tôi thì vừa may mắn vừa thiệt thòi khi chưa được và bị Y chửi.

Nhưng đêm nay tôi không vượt được qua cánh cổng nhà mình thì cái sự Phạm Xuân Nguyên kia sẽ đến nhỡn tiền.

Vợ thì sợ quanh năm, sợ thêm nữa thì cũng vẫn thế, nên tôi đã tìm cách lặng lẽ mở cửa, không nổ máy, đẩy xe ra đường một quãng xa mới khởi hành.

Mắt nhắm mắt mở không biết đi ngược hay xuôi. Lạ thật có những thân quen mà chúng ta chẳng biết bắt đầu khi nào, với tôi và Phạm Xuân Nguyên cũng vậy. Tự dưng biết nhau, tự dưng đã thấy một ràng buộc được đan cài bởi văn chương và mù mờ đời sống mà người ta gọi là hợp duyên.

Gã đầu bạc không ăn đúng bữa ảnh 1
Cùng các bạn văn

Sự hợp này không thân, không nhạt; nó ẩn hiện, chưa kịp phai thì lại sự kiện nào đó nhắc tôi nhớ rằng trên đời có một gã đầu bạc có thê là bạn.

Phạm Xuân Nguyên-cái tên luôn được người ta nhắc đến ở đâu đó trên các phương tiện thông tin chính thống và phi chính thống. Người ta nhắc đến Y là bởi vì Y “nói to giữa những im lặng và khoảng trống” . Y không nhân danh  bất cứ tín điều nào. Y nhân danh chính Y.

Và đêm nay cũng vậy, Y đã oang oang lúc Việt Trì say ngủ. Y đánh thức khi tôi sắp không nhớ Y.

Đại lộ Hùng Vương hun hút. Sương mờ như tung vôi bột. Đèn đường vàng rớt xuống vỉa hè. Bà chủ quán nạ dòng phôm phốp những mỡ, có gương mặt kẻ vẽ đậm tất cả mọi nét ngồi đánh bài tẩy với mấy cô gái giọng Nam làm nghề mát-xa đi ăn đêm.

Cạnh đấy ngả ngốn hai gã đàn ông ôm khư khư lấy chiếc bàn nhựa. Một là Phạm Xuân Nguyên, còn gã kia đầu gần như trọc, mặt to, mũi nở, tướng có thế làm quan lớn, nhưng lại toát lên sự phúc hậu, hài hước nào đó. Vâng, gã đó chính là Văn Công Hùng một nhà thơ ngụ ở Tây Nguyên nhưng danh tiếng thì cũng thuộc loại lớn hơn một vùng.

Đĩa cổ cánh gà mới khuyết hai mảnh đầu. Chai rượu trắng vơi lưng. Rượu đã rớt lênh loang mặt bàn. Hai bát cháo gã gọi lâu chưa đụng tới bắt đầu đã rạn vỡ lớp tinh bột căng bề mặt. Tôi đứng sau lưng mà hai gã không biết, vẫn đang tranh biện bảo ban nhau.

Gã đầu bạc với hộp tăm nhón vài chiếc ném ra bàn, hiếng mắt quan sát một lúc mới nhặt lên một que bóng nhất, khe khẽ chọc chọc thăm dò vào hàm răng. Chẹp miệng, tợp ngụm rượu, cạn trơ. Hàng ria rung rung điệu nghệ.

Y là người đọc sách đến mụ mị vẫn nhớ từng câu chú thích rồi đối chiếu sang tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, uống rượu đến đờ đẫn nhưng vẫn không quên chiếc giày bị đá văng góc quán, thọc chân một lần vẫn đúng phom.

Gã đầu trọc khụt khịt.

- Sao chưa thấy tăm thằng cha Thiện Kế đâu nhỉ? Khẹc, cho tụi mình leo cây pơ-lang ...

- Chậc… thì cũng phải để nó có thời xoa tay trình bày với vợ chứ!

Đầu bạc tưng tửng nhận định, nhưng quả là Y tinh, không hổ danh đã một lần sang sông đắm đò mà quần áo vẫn khô, lại không chút bợn gợn cay cú đàn bà.

Về cái sự đàn bà của Y tôi không dám viết liều. Nhưng chắc chắn Y là kẻ cay đắng trong bể tình. Y có cái mũi cao, có cái nhìn lúc sáng lúc trầm và đôi môi ham hố trên khuôn mặt thông tuệ đậm chất đàn ông. Say say tỉnh tỉnh không biết đâu mà lần, thì yêu cực nhọc lắm. Có thể khi cần đàn bà thì Y thích sự đơn giản, có thể khi cần đàn bà thì Y muốn cắt cả máu mình dâng hiến cho người ta. Loại đàn thứ nhất thì Y chỉ cần chứ không yêu. Loại đàn bà thứ hai, thì đã tuyệt chủng như khổng long. Họ phải có trí tuệ cho Y kính phục, có nhan sắc cho Y mê say.

Nhưng biết đâu Y vẫn có một người đàn bà mơ ước cất giấu ở đâu đó mà thương nhớ. Hình như có một lần Y phát ngôn: Tình yêu là thứ không nên ăn đúng bữa ! Xét ra, Y còn ối những thứ không đúng bữa, đúng lúc, đúng thời…

Còn như ai thấy Y quàng vai, ôm eo một nhan sắc dìu dặt trên phố nào đó khắp nước Việt, tôi xin đánh cược chai bia Hà Nội cuối cùng rằng, đó chỉ là kẻ chia sẻ bữa nhậu cô đơn của Y hoặc hơn là nhan sắc đó mới sáng tác được một tác phẩm không giống ai…

“Dương Chung Chung”

Xe tôi xịch cách chưa mười mét, đèn pha quét chói mắt mà hai gã không hay, ngay cả khi cái thằng tôi khốn khổ đứng sờ sờ sau lưng. Cái giống văn chương lâu ngày gặp nhau thật lạ, súng bắn bên tai cũng không thèm nghe, chỉ say sưa nói về những đứa con tinh thần của nhau trong cơn lên đồng tự kích.

Tôi lặng lẽ nhấc ghế, ngồi xuống. Hai gã vẫn đang cạnh tranh ngôn ngữ về tác phẩm hậu hiện đại nào đó mà Ngân Xuyên (bút danh của Phạm Xuân Nguyên khó dịch thuật) mới dịch.

Rồi thì tôi cũng phải cắt ngang hứng của hai gã, thúc Phạm Xuân Nguyên đi đâu đó xa 20 cây số rưỡi cho xong việc. Y buồn rầu thông báo kế hoạch đó huỷ rồi.

- Sao ban nãy ông thở than có cô học trò vừa xinh vừa giỏi ngày mai đi lấy chồng quê ở Phong Châu.

Gã đầu trọc bỗng tố. Y tự lự, khàn khàn xác nhận.

- Ừ đúng. Tôi buồn là bây giờ có rất nhiều các em có năng khiếu văn chương thực sự. Nếu họ kiên trì theo đuổi thì mấy chục năm nữa Việt Nam sẽ đội ngũ nhà văn khác hẳn. Số đông đã bỏ ngang đi kiếm việc ra tiền, dù tình yêu với văn chương vẫn còn, nhưng leo lét…Con người phải è cổ vì kỹ trị  chán chê rồi mới ngộ để quay về văn trị các ông ạ…

Trường hợp tôi định rủ các ông đi mừng đám cưới cũng vậy. Một cô bé thực sự có tài văn chương mà lại bỏ phí. Đây là căn bệnh thời đại. Nhưng chúng ta cứ hy vọng cái mầm văn chương bất tử…

Tôi ra khỏi nhà lúc một giờ sáng, là vì 20 cây số rưỡi kia. Vậy mà Y tùy tiện thay đổi cảm hứng. Loạn xà ngầu, tôi đã văng tục.

Y hi hi tấu lên:

- Đi nơi nào mà chả là ngồi nhậu với tôi?

Nói vậy chứ bạn bè văn nghệ, tùy hứng là chuyện thường. Nhưng đó chỉ là lúc chơi, còn lúc làm việc thì chất đồ gàn vốn đã ưa lý sự kết hợp với cái duy lý du nhập phương Tây khiến Y càng kiên cường trong lúc bảo vệ lẽ phải và sự thật.

Tôi bỗng hiểu vì sao những số phận văn chương bị khuất lấp Y cũng cố công hô hào khai quật, trả lại ánh sáng ban ngày cho họ. Và khi những người trẻ xuất hiện với sáng tác hứa hẹn, Y là một trong những người đầu tiên đọc cổ súy, viết bài giới thiệu với tất cả hy vọng, trân trọng cho một nền văn học còn ẩn tàng ở tương lai.

Y tranh thủ mọi hội nghị, xoay xỏa mọi diễn đàn để giới thiệu, bắt thiên hạ còn đang bận tậm việc đại sự phải lắng nghe hoặc chia sẻ ít nhiều điều đang khiến Y sôi sục như một niềm vui duy nhất, niềm vui cuối cùng của Y. Gần đây Y còn nổi danh với vai trò làm MC cho các cuộc giao lưu tạo đàm văn chương. Giữa đám đông, không cao cây đô con nhưng Y vẫn trội lên thế nào ấy, không hẳn vì mái đầu chưa kịp già đã bạc nghênh nghênh rẽ lối đã đành, mà còn nhờ chút gì đó khó tả bởi sự tự tin thái quá của Y nữa.

Trong bất kỳ những sự kiện nhạy cảm hay không nhạy cảm, nếu được hỏi thì bao giờ Y cũng thẳng thắn, chân thành nói lên chính kiến một cách rõ ràng và chịu trách nhiệm với ngôn ngữ và chữ viết của mình.

Không ít lần kẻ đần ngốc tôi đây khi mới nghe, đọc những điều Y viết cũng toát mồ hôi rịn lưng áo, và nhìn quanh. Nhưng sau ngẫm kỹ thì thấy rằng Y không sợ bóng, sợ gió vẩn vơ vì những gì Y phát ra đều là thông điệp tin ở con người.

Cũng có những người không nghĩ thế. Họ không biết Y tin thực sự hay là tin chập chờn. Chập chờn nên mới phải hô to. Đứa trẻ phải đi qua  nghĩa địa ban đêm, là hay hét lên ông ổng: Tôi không tin có ma. Tôi không tin có ma.

Có người lại kỳ vọng Y phải lập thuyết. Y phải có một hệ thống riêng. Một đòi hỏi chính đáng, nhưng bất công trong một trường hợp cụ thể. Y không phải là computer.

Ô, tôi nhìn quanh, nào đã mấy người được như Y.

Giao du với Y, tôi cũng chịu phiền lòng. Vì tôi chơi cả với những người không ưa Y. Họ không ưa Y vì Y cũng không ưa họ. Họ cũng tài chẳng kém, nhưng theo một cách khác. Hai bên không nói không nhắc tới nhau khi có tôi. Lạnh lùng, nhưng thật ra họ theo dõi động thái của nhau rất kỹ. Vẫn trọng nhau ngầm.

Khổ thân kẻ bất tài như tôi khi thích đánh đu giữa những người tài, cá tính góc cạnh như mảnh chai, đá tảng. Tôi không biết phải chọn tài năng nào khi bước chân cần đặt lệch.

Nhưng tôi không đứng im. Bước chân luôn chuyển dịch.

Bữa rượu đêm bên lề đường Hùng Vương- Việt Trì lai rai đến rạng ngày. Vươn vai. Mắt đỏ khé. Nhợt nhạt cho cả ba. Bát cháo loãng nóng trứng trần nhiều hành hoa láng dạ. Tôi đã phơi sương suốt một phần hai đêm, ngay trước cái giường ngủ của mình 500 mét.

Hai bố con ông lão ngái ngủ rời nhà trọ trong ngõ xuống bến xe khách, đi ngang qua nơi chúng tôi ngồi sì sụp húp cháo. Bỗng hai bố con dừng lại thì thầm, chỉ trỏ. Rồi thì ông lão tấp tểnh trước Phạm Xuân Nguyên:

- Ôi phúc đức quá, ôi, ô đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đây rồi. Bố con cháu mãi trên Tuyên kia. Đang về Hà Nội đâm cái đơn lên Quốc hội, phúc đức quá lại gặp cụ Dương Trung Quốc ở ngay Việt Trì…

Đưa cái chót lưỡi hồng dọn hết cái miệng loáng bóng nước cháo và đôi vụn hành hoa điểm ria mép, Y rời xa bát cháo.

- Vâng, cụ cần gửi đơn từ thì cứ đưa cả đây. Tôi sẽ cầm giúp!

- Ồi quý hoá quá…Nhưng sao lại là cầm giúp ạ…chẳng phải cụ chính là Dương Trung Quốc đấy thôi.

Gã đầu bạc không ăn đúng bữa ảnh 2
Với nhà văn đoạt giải Nobel Cao Hành Kiện tại Paris năm 2005

-Tôi là Dương Chung Chung- em trai Dương Trung Quốc. Tôi sẽ chuyển kiến nghị của cụ tới tận tay anh Quốc…

Cụ già giật nảy giữ lại cuộn giấy.

- Thôi ạ nhà cháu xin, phải đích ông anh cơ. Em thì nước non gì. Anh em chém nhau nhan nhản…

Tôi cũng đã nghe chuyện Dương Chung Chung lái xe ở PleiKu, can tội vượt đèn đỏ. Dương Chung Chung sợ quá mở cửa xe chưa kịp bước xuống thì mấy chú cảnh sát giao thông đã chạy vội đến chào: Ôi hôm nay họp Quốc hội mà bác Quốc vẫn tranh thủ vào đây kiểm tra an toàn giao thông cơ ạ. Kính mời bác đi..

Phạm Xuân Nguyên đưa tay chống cằm, y bức ảnh trình diễn nào đó trên mạng tôi vẫn thấy. Y đang nghĩ gì nhỉ ? Quyền lực của một đại biểu quốc hội à ?

- Này, gã đầu bạc, nếu ông lão vẫn tin, để cho ông cầm mớ đơn thư khiếu tố ấy ?

Y ngáp rút ví tìm tiền:

-Thì tôi chuyển cho ông Quốc hoặc bất cứ nơi nào thấy cần thiết….

Văn Công Hùng, ỡm ờ.

- Còn mày nếu có địa vị như ông Quốc thì có dám nói như ông ấy không.

Chăm chú rỉa, móc gân gà mắc chiếc răng tận cùng hàm trên mãi không xong, Y  cáu kỉnh nhổ nước bọt đánh phì một cái.

- Ơ, chúng mày, thế thì từ trước đến nay chúng mày không nghe tao nói gì à .

Y ngồi bất động trên chiếc ghế nhựa gia công sứt sẹo. Ẩm ướt một bình minh trung du. Và trước ngã ba đường…

MỚI - NÓNG