Papua New Guinea – từ thổ dân đến nền văn minh

Papua New Guinea – từ thổ dân đến nền văn minh
TPO - Tạm biệt đất nước Solomon êm đềm với nửa triệu dân nhưng diện tích gần bằng Việt Nam, tôi bay sang Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea (PNG).

>> Solomon – Xứ đảo thần tiên giữa Thái Bình Dương
>> Sự hồi sinh lạ lùng của Banda Aceh
>> Nước Mỹ - Thiên đường và trần gian

Papua New Guinea – từ thổ dân đến nền văn minh ảnh 1
Thổ dân PNG lên phố. Ảnh : Hiệu Minh

Thiên nhiên tươi đẹp, song tội phạm lại nhiều nhất thế giới

Bà trưởng đại diện dặn, không ra đường một mình, không mang máy ảnh hay laptop theo người, ăn mặc rách rưới hay bẩn một chút tốt hơn, đi lại dùng xe văn phòng. Tỷ lệ tội phạm nơi đây thuộc loại cao nhất thế giới, gấp 3 lần ở Moscow và 23 lần so với London.

PNG có 6,2 triệu dân và diện tích 473 nghìn km2 giữa Thái Bình Dương, nằm phía biển bắc của Australia, phần đất liền có biên giới chung với tỉnh West Papua của Indonesia. Nằm gần xích đạo phía nam bán cầu, quốc gia này còn sở hữu khoảng 600 đảo to nhỏ, khí hậu vùng nhiệt đới nóng và ẩm (tropical). Nhiệt độ luôn từ 25oC đến 30oC vùng bờ biển, có thể đón du lịch quanh năm.

Papua New Guinea – từ thổ dân đến nền văn minh ảnh 2
Một góc thủ đô Port Moresby, PNG nhìn từ trên cao. Ảnh : Hiệu Minh

PNG giành độc lập vào ngày 16/9/1975 từ Australia, hiện thuộc khối Hoàng gia Anh. Độc lập hơn 30 năm rồi nhưng nghèo đói vẫn đeo đuổi nơi đây. Dân Solomon và PNG rất giống nhau vì tộc Melanesia chiếm đa số. Dù có 800 thổ ngữ, song tiếng Anh lại được dùng chính thức trong giáo dục, cơ quan chính phủ và giao dịch thương mại, xe hơi tay lái nghịch như Australia và Solomon.

Sân bay thủ đô PNG mang tên viên phi công John Jackson, người Brisbane (Australia), đã chiến đấu với máy bay Nhật trên bầu trời cảng Moresby vào tháng 4/1942 và hi sinh tại đây. Nhà ga quốc tế khá hiện đại, nhưng diện tích chỉ tương đương với nhà ga Nội Bài.

Từ sân bay về khách sạn Crown Plaza khoảng 15 phút xe hơi. Đường cao tốc vun vút, hai bên có nhiều nhà cheo leo trên đồi trọc. Đôi chỗ có khói bốc lên nghi ngút, thổ dân đốt rơm rạ, cành khô, kể cả hun khói đuổi thú vào bẫy. Nhiều chỗ rừng bị đốt nham nhở. Thủ đô có nhiều nhà cao tầng, tầu ra vào nhộn nhịp trên bến cảng.

Mấy thế kỷ trước, khi người châu Âu đặt chân tới đây, thổ dân không có khái niệm về tiền bạc. Ngày nay, PNG đã phần nào hội nhập với thế giới văn minh, đồng tiền trở thành nỗi đau của người khốn khó, đi chân đất, ăn cau cả vỏ, nhổ toèn toẹt đỏ cả phố.

Papua New Guinea – từ thổ dân đến nền văn minh ảnh 3
Quán cóc bán cau và thuốc lá trên đường phố Port Moresby. Ảnh : Hiệu Minh

Đi ngoài đường mang laptop bị cướp trắng trợn, điện thoại di động bốc hơi, giật túi là chuyện xảy ra như cơm bữa nơi đây. Từ khách sạn sang văn phòng có một đoạn 300m cũng phải dùng ôtô vì sợ cướp giật. Anh bạn đồng nghiệp kể đã có lần bị bọn trấn lột chĩa súng vào gáy và cướp mất chiếc ôtô RAV4 nên bây giờ đi đâu anh cũng mang theo súng. Hàng ngày, vài chục chiếc xe hơi bị ăn cắp hay trấn lột là chuyện thường.

Cùng tộc Melansia, Solomon là nơi yên bình, trong khi ở PNG ra đường, lúc nào cũng lo trộm cướp, dù quốc gia này phát triển hơn, với thu nhập gần 1000$/người/năm. Có lẽ Solomon chưa bị cơn lốc hiện đại hóa, công nghiệp hóa kéo đến. Mọi người sàn sàn nghèo như nhau, nỗi bất công trong xã hội chưa làm tan nát những người khốn cùng.

Tới PNG không được ra đường buổi tối, dù tôi có máu “báo chí”, muốn đi xem con cháu của thổ dân ngày xưa ăn thịt người bây giờ sống ra sao. Bạn tôi bảo, bây giờ không chắc còn chuyện đó, nhưng giết người vì cái ba lô thì hoàn toàn có thể. 800 bộ tộc với hận thù sắc tộc kéo dài từ hàng ngàn năm nay cũng đóng góp thêm cho mảng tối khác của PNG.

Papua New Guinea – từ thổ dân đến nền văn minh ảnh 4
Báo hàng ngày tại Port Moresby đưa tin về trận lũ tại vùng núi phía Bắc Việt Nam. Ảnh : Hiệu Minh

Trên trang nhất tờ báo The National của PNG đăng tin một bà mẹ 35 tuổi ở vùng Western Highlands dìm chết 4 đứa con xuống sông vì không nuôi nổi chúng, bố nghiện ngập, không công ăn việc làm. Tin về đứa cháu của Thủ tướng đương quyền Michael Somare dính chuyện làm ăn, lừa đảo cũng bị đưa lên mặt báo. Ông này có con trai làm Bộ trưởng Bộ Viễn thông, rất giầu có. Cũng lạ, tin vùng núi phía bắc Việt Nam bị lũ lụt, người bị cuốn trôi mấy ngày qua cũng được dân Port Moresby đọc. Trong khi trên báo ta, khó tìm tin nào về cái xứ New Guinea này.

Trước khi đi PNG, tôi dò hỏi dân Honiara về nơi sắp tới. Họ đều nói là dân Melansia ở đâu cũng hiền. Những gì tận mắt thấy ở Port Morsby cũng yên ả, nhìn từ trên cao, xe hơi đỗ rất có hàng lối và trật tự. Hàng quán, cửa hiệu, người mua kẻ bán tấp nập. Tuy nhiên, trên phố thấy nhiều người lang thang, mặt mũi dữ tợn, nhai trầu bỏm bẻm, miệng đỏ loẹt. Không dám dừng lại hỏi chuyện như ở Honiara nên không thể biết mấy bác đen nhẻm, râu tóc tua tủa kia có hiền thật không.

Papua New Guinea – từ thổ dân đến nền văn minh ảnh 5
Thổ dân nay đã thành người thủ đô. Ảnh : Hiệu Minh

PNG được thiên nhiên ưu đãi, rừng nguyên sinh có từ chục thế kỷ, bãi biển đẹp như trong tiểu thuyết, nước trong xanh, cá nhiều vô kể, thiên đường du lịch. Với hàng vạn km bờ biển, nơi xảy ra chiến tranh ác liệt thời chiến tranh thế giới thứ 2, nhiều xác tầu chìm đang là nơi trú ẩn của sinh vật biển vào loại phong phú nhất thế giới. Một cái kính lặn và ống thở (snorkel) du khách có thể  xem những thủy cung đẹp mê hồn. Sau một tiếng đi xuồng máy ra biển, anh bạn đồng nghiệp dễ dàng câu được cá thu (tuna) nặng tới 30kg, 15 phút tại cửa vịnh Moresby có thể bắt vài chục ký cá ngừ.

Giàu tài nguyên nhưng vẫn đói nghèo

Một người làm du lịch của PNG đi cùng chuyến bay với tôi rất tự hào về công nghiệp không khói giúp môi trường trong sạch, vốn văn hóa lâu đời được bảo tồn. Trong khi đó, khai khoáng phải phá hoại thiên nhiên may ra mới có lãi. Anh chỉ cho tôi phía dưới là đồi trọc, rừng bị tàn phá và rất lo về sự phát triển không bền vững, xóa nghèo đôi khi xóa luôn cả một nền văn hóa mấy nghìn năm của xứ Papua.

Papua New Guinea – từ thổ dân đến nền văn minh ảnh 6
Đồi núi trọc ở Port Moresby, PNG. Ảnh : Hiệu Minh

Giầu có tài nguyên do thiên nhiên ưu đãi, người ta gọi PNG là đảo vàng bơi trong biển dầu hỏa. Không thể tin, một đất nước 6 triệu dân, mỗi năm thu về hàng chục tỷ đô la do xuất khẩu vàng, dầu hỏa hay tài nguyên quí mà 1/3 dân số có thu nhập dưới 1,25$/người với 80% dân thất nghiệp.  Xuất khẩu tài nguyên chiếm tới 66% GDP không giúp PNG thoát khỏi bế tắc.

Du khách tự hỏi, tại sao PNG trở thành một trong những nơi nhiều tội phạm nhất thế giới. Vài người ta giải thích rằng, nước ngoài tới đây khai thác tài nguyên bừa bãi, chiếm dụng đất đai, giá bất động sản trong thành phố tăng vọt, người bản xứ bị đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn.

Thổ dân không học hành đổ về thành phố kiếm việc làm trong khi chính phủ quản lý kém, kẻ có quyền lộng hành, hối lộ, tham nhũng tràn lan. Nhà đầu tư nước ngoài nghiêm túc nhìn cảnh đó chỉ biết kêu trời, trừ những kẻ cơ hội, kiếm chác thật nhanh rồi chuồn.

Theo thống kê năm 2009 của Tổ chức Minh bạch Thế giới (Transparency International) về chỉ số tham nhũng, quốc gia trong sạch nhất thế giới là Đan mạch, Australia nhiều ảnh hưởng đến PNG đứng thứ 9, còn bản thân PNG xếp thứ 151 trong tổng số 180 quốc gia (Việt Nam ta đứng thứ 121). Cuối bảng là Somalia, Myanmar và Iraq. Như vậy, tài nguyên giầu có như PNG không xóa được nghèo mà dường như chỉ giúp làm tăng chỉ số tham nhũng của quốc gia này.

Papua New Guinea – từ thổ dân đến nền văn minh ảnh 7
Một góc khác của thủ đô Port Moresby. Ảnh : Hiệu Minh

Báo The National (6/7/2009) đưa tin về một giáo sỹ vùng Highlands bị thổ dân ném đá cho đến chết chỉ vì họ không được đền bù khi đất cát, nhà cửa bị giải tỏa để xây đường cao tốc. Khoảng cách giầu nghèo ngày một tăng. Dân trí, quan trí và nền giáo dục không theo kịp sự phát triển. PNG có tới 57% dân mù chữ. Sự bất bình đẳng trong xã hội tăng lên. Với thổ dân không học hành, xảy ra trộm cướp là chuyện đương nhiên.

Trong chiến tranh giữa các bộ tộc, thổ dân trang bị cung tên, kiếm, gậy và không quên vẽ mặt cho giống thần linh. Đối phương nhìn thấy, sợ thần đến bắt nên thường bỏ chạy và thế là kẻ hóa trang chiếm được làng bản.

Ngày nay, thế giới văn minh  đôi khi cũng mang bộ mặt ma giáo, tới đây dưới danh nghĩa những dự án phát triển, xua đuổi thổ dân và chiếm nơi trú ngụ của họ. Không lạ khi thấy cảnh "Chí Phèo" bị đẩy đến bước đường cùng, tới ăn vạ nhà "Bá Kiến", đang xảy ra ở thủ đô PNG.

Thế giới nhìn từ trên cao

Papua New Guinea – từ thổ dân đến nền văn minh ảnh 8

Đi trên máy bay, nhìn mây trắng thấy nơi nào cũng giống nhau,  xuống mặt đất mới nhìn ra số phận của từng dân tộc khác nhau... Ảnh : Hiệu Minh

Bay qua Sydney để hưởng mấy ngày ở một thành phố đáng sống nhất thế giới, nhâm nhi ly vang đỏ shiraz chát như chính giá tiền, ngắm nhà hát con sò và cầu bắc qua vịnh lúc chiều buông. Sydney là thiên đường của thế giới hiện đại.

Một tuần ở Honiara, hưởng bãi biển thần tiên với thổ dân Melansia chân đất, ăn trầu lại biết tra internet không dây. Gọi đây là thiên đường của người nghèo dưới trần gian cũng không ngoa.

Hôm nay tôi đang ở Port Moresby, cảnh đẹp như trong mơ, sơn thủy hữu tình nhưng lại là một trong những thành phố không đáng sống nhất trái đất, thiên đường của tội phạm khi màn đêm buông xuống.

Đi trên máy bay, nhìn mây trắng thấy nơi nào cũng giống nhau, dù ở Châu Âu, châu Phi, châu Úc hay xứ Solomon. Xuống mặt đất mới nhìn ra số phận của từng dân tộc khác nhau vì cách người lãnh đạo chỉ lối đưa đường khác nhau.

Thời trước, thổ dân Australia từng bị người da trắng tàn sát và xua đuổi nhưng nay có thể hòa nhập với thế giới hiện đại, được học hành và có vị trí trong xã hội. Với Papua New Guinea, dù đất nước đẹp như tranh, giầu có tài nguyên và văn hóa ngàn năm, từ cuộc sống thổ dân sang nền văn minh xem ra vẫn còn một quãng đường dài.

Hiệu Minh
PNG 9-7-2009.

MỚI - NÓNG