Dân tố bị lừa bán đất

Dân tố bị lừa bán đất
TP - Hơn ba năm nay, 66 khẩu thuộc 21 hộ dân ở thôn 2, xã Lạc Sơn (Đô Lương, Nghệ An) không có ruộng để canh tác và liên tục kêu rằng xã, huyện dựng kịch bản dụ dân bán hết đất nông nghiệp cho một cá nhân để rồi huyện cho cá nhân này chia lô, bán thửa.
Dân tố bị lừa bán đất ảnh 1

Khu đất nông nghiệp mà người dân xã Lạc Sơn cho rằng đã bị chia lô, bán thửa - Ảnh: Phong Cầm

Anh Nguyễn Duy Minh, đại diện cho 21 hộ dân ở thôn 2 cho biết, vì thiếu hiểu biết pháp luật nên đã bị xã, huyện khai khống hồ sơ bán đất cho tư nhân mà không hề hay biết.

Mọi chuyện vỡ lở khi dân vô tình biết được số diện tích đất nông nghiệp (hơn 74 nghìn m2) họ chuyển nhượng để nuôi trồng thủy sản đã bị huyện cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho cá nhân để chia ô, bán thửa và xây dựng trung tâm thương mại.

Ông Phạm Đình Tứ - Bí thư  Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 cho biết, khu Bàu Kịnh thuộc thôn 2 có diện tích 74.400 m2 là đất nông nghiệp, trồng hai vụ lúa. Các hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1995.

Theo ông Tứ, tháng 8/2006, ông Hoàng Đình Dũng - Chủ tịch UBND Xã, về họp với dân, bàn việc chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất nói trên trong thời gian tám năm cho ông Nguyễn Cảnh Hà (ở TPHCM) để làm dự án nuôi trồng thủy sản, kết hợp chăn nuôi gia súc, nuôi giun đỏ để xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho con em 21 hộ dân nói trên.

Nhưng hơn ba năm nay, ông không thấy ông Hà triển khai dự án. “Khu đất trên hiện đã được huyện cho phép chuyển sang mục đích san lấp để chia lô, bán thửa” - ông Tứ cho biết.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, chủ tịch xã về họp bàn với dân dự án nuôi trồng thủy sản, nuôi giun đỏ xuất khẩu có thể cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Lại được chủ đầu tư hứa tạo công ăn việc làm nên 21 hộ dân đồng ý chuyển nhượng (trong thời gian tám năm) với số tiền 1.000 đồng/m2. Tổng số tiền chủ đầu tư thực chi để đền bù cho các hộ dân là 568 triệu đồng.

Sau khi có chữ ký của dân, lãnh đạo xã đã chỉ đạo cán bộ địa chính ghi khống vào hợp đồng chuyển nhượng (trong hợp đồng chuyển nhượng, trang đầu và cuối là chữ của dân, các trang giữa là chữ của cán bộ xã) rồi chuyển lên huyện. Huyện đã nhanh chóng thẩm định và phê duyệt.

Biết thì đã muộn

Theo Nghị định 181 ngày 29/10/2004, thi hành Luật Đất đai 2003, khu đất trên là đất nông nghiệp nên dân được phép sử dụng trong thời hạn 50 năm (khoản 2, điều 68).

Việc chuyển nhượng đất của các hộ dân (tháng 11/2006) cho ông Nguyễn Cảnh Hà diễn ra khi Nghị định 181 đã có hiệu lực, nhưng cán bộ xã - huyện vẫn áp dụng Nghị định 64 (đã hết hiệu lực thi hành) cho rằng khu đất trên, dân chỉ được phép sử dụng trong 20 năm (nội dung này được ghi khống vào hợp đồng chuyển nhượng giữa dân và ông Nguyễn Cảnh Hà).

Trong khi đó, theo hợp đồng chuyển nhượng, đến năm 2014, ông Nguyễn Cảnh Hà phải trả lại đất cho dân.

Đại diện Thường vụ Đảng ủy xã Lạc Sơn cho biết, việc làm thủ tục cho dân chuyển nhượng đất là do UBND xã làm. Thường vụ Đảng ủy Xã có được ông Hoàng Đình Dũng - Chủ tịch Xã thông báo là việc chuyển nhượng đất chỉ diễn ra trong thời gian tám năm để làm dự án nuôi trồng thuỷ sản, nuôi giun đỏ xuất khẩu; còn việc huyện thu hồi để chia lô, bán thửa thì chưa hề được nghe.

“Nếu có việc thu hồi khu đất của 21 hộ dân nói trên để chia ô, bán thửa chắc chắn Thường vụ Đảng ủy Xã sẽ không đồng ý” - ông Đinh Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy Xã An Lạc khẳng định. Ông Kiên thừa nhận, đã có sự thiếu sót trong việc chỉ đạo, giám sát.

Ông Võ Văn Ngọc - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường Huyện Đô Lương khẳng định Hội đồng Nhân dân Xã Lạc Sơn có nghị quyết đồng ý để triển khai dự án khu đô thị mới Thiên Lý. Tuy nhiên nghị quyết này ban hành sau thời điểm dân chuyển nhượng đất.

Khi được hỏi nhiều vấn đề về hồ sơ chuyển nhượng do xã làm có dấu hiệu sai phạm, quy trình thu hồi đất của dân sai so với quy định của pháp luật mà huyện vẫn xác nhận, ông Ngọc nói: “Đã tám năm nay, anh làm về đất đai cũng khổ lắm các chú ạ!”.

Liên lạc và đặt lịch làm việc với ông Trương Hồng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương nhưng chúng tôi liên tục bị từ chối với lý do “bận họp”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.