Nghé, đứa bé hai lần bị bỏ rơi

Nghé, đứa bé hai lần bị bỏ rơi
TP - Căn phòng trọ hầm hập nóng, mẹ bế con, mắt chan chứa yêu thương. Đứa bé nhoẻn miệng cười. Nhìn vào, chẳng ai biết họ là người dưng và gặp nhau sau những bão táp của số phận.
Nghé, đứa bé hai lần bị bỏ rơi ảnh 1
Chị Dương Thị Lạc và Nghé trong căn nhà trọ

Cách đấy hơn một tuần, đứa bé 3 tháng tuổi  này hai lần bị bỏ chơ vơ trên một chiếc bàn trong bệnh viện. Còn người phụ nữ kia thì cuộc đời tưởng như cô độc mãi mãi khi không còn khả năng sinh con nữa...

Một ngày tháng Ba, các bác sỹ bắt gặp một đứa trẻ  ba tháng tuổi bị bỏ rơi trong khuôn viên của Bệnh viện Hải Phòng. Các bác sĩ gọi theo địa chỉ của người đưa đứa bé đến bệnh viện mang tên “Nguyễn Thị Bảnh” nhưng không có tin tức gì. Chẳng ai biết lai lịch của đứa bé.

Sau khi đăng tin trên báo Hải Phòng hơn một tháng mà không ai đến nhận, các bác sỹ quyết định cưu mang đứa bé ngay cả cái tên cũng chưa có này. Bé bị bệnh đục thủy tinh thể, mắt gần như không nhìn thấy gì.  Mới 3 tháng tuổi mà bé đã hai lần bị bỏ rơi. Người mẹ mang tên Nguyễn Thị Bảnh cũng chỉ là mẹ nuôi và đã bỏ bé lại bệnh viện. 

Câu chuyện này được đưa lên mạng “Chiasetinhthuong.org” và ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của nhiều thành viên. Các chị, các mẹ ở Hải Phòng hàng ngày vào thăm bé. Đứa bé dường như ý thức được thân phận của mình, cả ngày nằm trên bàn làm việc của bác sỹ  chơi một mình, khi đói chỉ dám oe oe vài tiếng để được uống sữa.

Đêm đến, bé ngủ  cùng bác sỹ trực ca. Các bác sỹ đều rất bận rộn nên ít khi bé được bế bồng. Có lẽ vì thế mà đầu bé bẹp dúm.

Các chị, các mẹ vào thăm, vẫn gọi  bé  theo hồ  sơ: “Con chị Bảnh”. Nhưng sau đó, họ đặt cho “con chị Bảnh” cái tên là “Nghé” (vì sinh năm Sửu).

Nhiều thành viên ở diễn đàn “Chiasetinhthuong.org” tìm hiểu về bệnh đục thủy tinh thể và đã liên hệ  với Bệnh viện Mắt T.Ư để mổ mắt cho Nghé. Bác sỹ ở  BV Mắt T.Ư cho hay, nếu mổ kịp thời, Nghé có thể nhìn thấy được. Nghé được đưa lên BV Mắt T.Ư và được bác sỹ Ngọc, bác sỹ Tịnh  mổ miễn phí. Ca mổ với sự tận tình của các bác sỹ đã thành công.

Trong thời gian nằm ở BV Mắt T.Ư, Nghé như được sống trong một ngôi nhà đầy ắp tình thương khi các chị các mẹ đến thăm nom, chăm sóc ngày đêm.

Trước khi lên bàn mổ, Nghé được làm giấy khai sinh với các tên  Nguyễn Văn Dư (nghĩa là đứa trẻ thừa ra) - mục cha mẹ để trống. Sau khi phẫu thuật, Nghé đã nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nhìn đứa bé đang chơi đùa trong bệnh viện, nhiều người bỗng chạnh lòng “Rồi đây Nghé sẽ về đâu?”.

Mẹ và con

Nghé nhoẻn miệng cười với mẹ, chưa biết mình mới ba tháng tuổi mà  đã có tới bốn cái tên.

Một phụ nữ có nick name “Hà TN” trên diễn đàn “Chiasetinhthuong.org”  đến thăm Nghé mỗi ngày. Đêm đêm chị trằn trọc mãi với ý nghĩ: “Nhận bé Nguyễn Văn Dư về làm con”.  Với chị, Dư chẳng bao giờ là thừa cả. Cả quãng đời đầy nước mắt của chị, đau khổ cũng chỉ vì không sinh được một đứa con.

Chị là Dương Thị Lạc, quê ở Thái Nguyên, năm 20 tuổi đã lấy chồng. Sau năm lần bị sảy thai, rồi phải cắt dạ con, chị bị chồng bỏ.  Chị rời khỏi làng, học thêm nghề kế toán, rồi đi lao động ở Đài Loan. 

Năm ngoái chị lên mạng tìm hiểu về thủ tục xin con nuôi. Biết hoàn cảnh của chị, một cô gái có bầu đã tìm đến với đề nghị chị cưu mang cô đến khi sinh, đứa con sẽ là của chị. Cô gái cho biết mình bị người yêu bỏ và không có điều kiện nuôi con.

Chị Lạc mừng lắm, đưa cô gái về nhà trọ chăm sóc. Chị sắm sửa quần áo sơ sinh, đưa cô gái đi khám thai và hồi hộp như thể chính mình đang sắp đến ngày lâm bồn. Nhưng một ngày, người yêu cô gái xuất hiện, yêu cầu chị cho một cái xe máy. 

Chị cảm giác như mình bị tống tiền và bỗng nghĩ: “Sau này mình nuôi con họ, thỉnh thoảng họ lại đến đòi tiền thì làm sao?”.  Chị khuyên đôi bạn trẻ kia hãy yêu thương nhau và giữ lấy đứa con. Chị nằm khóc một mình giữa đống quần áo trẻ sơ sinh còn thơm mùi vải.

Những ngày Nghé nằm mổ mắt ở Hà Nội, nhiều đêm chị Lạc vào ngủ cùng. Chị ôm ấp, bế bồng, có lúc thức gần như trắng đêm cùng Nghé. Rồi tự nhiên một cái gì đó như tình mẫu tử cứ nhân lên trong lòng chị. Và đến ngày Nghé sắp ra viện, chị biết chắc rằng mình không thể sống thiếu đứa bé bị khuyết tật này.

Sau nhiều đêm mất ngủ, chị quyết định xuống Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, làm các hồ sơ  giấy tờ theo đúng thủ tục để nhận Nghé về làm con nuôi. Chị khấp khởi lẫn lo lắng, chẳng biết cơ  hội làm mẹ có bị tuột một lần nữa không.

Hôm ấy Hà Nội, Hải Phòng đều mưa tầm tã. Trên chiếc BMW X5 của một nhà hảo tâm cho diễn đàn mượn để đón Nghé. Cảm giác được làm mẹ khiến chị Lạc lặng đi.

Căn phòng  của chị Lạc giống như  phòng trọ của sinh viên, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, dăm ba cái nồi, bát đũa, chiếc bếp nhỏ.  Giờ đây căn phòng bé nhỏ lại có thêm chiếc võng, hộp sữa, bình sữa trẻ em…

Một bà lão quê Thái Nguyên đón xuống giúp việc trông nom Nghé lúc chị Lạc đi làm.  Một cuộc sống mới bắt đầu. Làm kế toán cho một công ty tư nhân, mỗi tháng chị Lạc nhận hai triệu tiền lương, riêng tiền nhà đã gần một triệu.  Số còn lại làm sao đủ  trang trải tiền sữa, quần áo cho Nghé, tiền cho người giúp việc.

May thay, ngay cả những ngày Hà Nội mưa lũ, nhiều thành viên của diễn đàn “Chia sẻ tình thương” đã tìm đến tận nơi để thăm mẹ con Nghé. Họ  biếu Nghé sữa, giúp đỡ chị Lạc một ít tiền. Nick name “Tâm Subachiu” còn lặn lội mang từ Hải Phòng lên một chiếc máy điều hòa nhiệt độ cũ để lắp vào căn phòng trọ lợp fibro xi măng lúc nào cũng hầm hập nóng.

Chị Lạc tâm sự với tôi: “ Nghé về đây có hơn một tuần mà tăng bốn lạng rồi nhé”.

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.