Nơi đến của lòng tri ân

Nơi đến của lòng tri ân
TP - Nguyễn Thị Như Lụa, sinh viên năm thứ ba, K57B, Khoa Giáo dục Chính trị ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, đội sinh viên tình nguyện 12 người thuộc ĐHSP sẽ làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên (Hà Nam) ba tuần.
Nơi đến của lòng tri ân ảnh 1
Lan Anh (sinh viên tình nguyện ĐHSP Kỹ thuật Nam Định) ân cần bên hai thương binh 1/4 là bác Lê Mạnh Tân (trái) quê Thanh Hóa, và bác Vũ Xuân Kiên quê Hà Nam, trong một buổi giao lưu với khách, ngày 22/7 tại Trung tâm.  Ảnh: Lê Đạt

Công việc của đội trong những ngày làm tình nguyện tại Trung tâm là cùng hộ lý nấu nướng, giặt giũ, đẩy xe lăn giúp các thương binh nặng không còn tay, chân, hỏng mắt.

Ngoài ra, các bạn còn quét dọn khuôn viên, dọn cỏ trong vườn, sinh hoạt tập thể, ca hát cùng các em nhỏ là con, cháu của thương binh. “Một việc rất thú vị nữa là nghe các bác, các chú kể chuyện về chiến tranh – Lụa bộc bạch.

Càng gần Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7) càng có nhiều đoàn khách về thăm hỏi, động viên các thương binh, tỏ lòng tri ân với những người đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do của dân tộc.

Chị Vũ Thị Dung – Kế toán trưởng Trung tâm, cho biết nhiều đoàn đến thăm còn tổ chức giao lưu văn nghệ, để lại nhiều tình cảm đẹp đối với các thương binh, cán bộ công nhân viên làm việc tại đây.

Dịp 27/7 năm ngoái, Trung tâm đón tiếp hàng trăm đoàn khách từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về thăm, tặng quà động viên thương binh.

Trung tâm đã đề nghị với doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài quân đội tiếp nhận con em thương binh vào làm việc.

Trung tâm cũng lập hồ sơ để 34 cháu là con thương binh nặng được hưởng trợ cấp ưu đãi giáo dục, làm việc với địa phương về giải quyết đất và hỗ trợ tiền làm nhà, sửa nhà, xây hai nhà mới cho những người có công với đất nước.

“Sự quan tâm này góp phần làm cho anh chị em thương binh nặng giảm đi phần nào đau đớn của vết thương, yên tâm điều dưỡng, điều trị, lạc quan yêu đời để sống vui, sống có ích cho xã hội.” - Chị Dung nói.

Hiện Trung tâm có 63 thương binh và 35 cán bộ, nhân viên. Cụ Phạm Thị Minh Thao, gần 80 tuổi, là thương binh lớn tuổi nhất từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Thương binh trẻ nhất có mặt trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc bảo vệ tổ quốc. 

MỚI - NÓNG