Nhà văn trẻ quên quê mình?

Nhà văn trẻ quên quê mình?
TP- Để hiểu rõ hơn vì sao các nhà văn trẻ hôm nay ít viết về nông thôn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với 4 nhà văn.

Đó là Nguyễn Văn Học (Tác phẩm: Người đàn bà đứng khóc, Gái điếm), Trần Thị Hồng Hạnh (Quái vật, Tổ ấm của những người lạ), Nguyễn Thị Thu Thủy (Bút danh: Thủy Anna - Lạc giới, Thoát y dưới trăng), Hà Thanh Phúc (48h yêu nhau, Người đàn bà điên tầng chín, Vẫy vùng) xung quanh vấn đề này. 

Có khi nào anh/chị có ý định viết về đề tài nông thôn?

Trần Thị Hồng Hạnh: Tuy không viết, tôi vẫn đọc về đề tài này và tôi nghĩ rằng… khó có thể nói trước điều gì. Biết đâu được, có lúc tôi sẽ viết một quyển chăng? Nói không mặn mà thì không chính xác lắm. Viết, trước hết, là một quá trình tích lũy văn hóa. Tôi đang tích lũy một vài điều về nông thôn và nông dân… Những gì tôi viết, là những gì tôi đã bị ám ảnh, và đồng thời, tôi phải hiểu về điều tôi viết.

Nguyễn Thị Thu Thủy: Tôi nghĩ sẽ có ngày tôi viết về nơi tôi sinh ra. Quê tôi thuộc vùng Kinh Bắc trù phú và xinh đẹp. Cả một ngôi làng được bao bọc bởi một hồ cá yên lành, người dân sống rất chăm chỉ và hiền hòa. Thực ra dữ liệu và kí ức trong tôi luôn tràn đầy nhưng tôi còn thiếu cảm xúc, khi cảm xúc chưa thực sự sẵn sàng nên tôi còn đắn đo chưa viết.

Hà Thanh Phúc: Thực ra thì chẳng quan trọng là mình phải viết nông thôn hay thị thành. Nếu có dịp về nông thôn, có cảm xúc thì viết thôi. Quan trọng là nuôi dưỡng cảm xúc đó được dài lâu hay không.

Nguyễn Văn Học: Tôi không cần phải chuyển ngòi bút của mình, vì vốn dĩ tôi vẫn viết về nông thôn, nông dân. Còn chất lượng ra sao phải chờ bạn đọc phán quyết.

Ý kiến của anh/chị về nông thôn cũng như văn học về nông thôn hiện nay?

Nhà văn trẻ quên quê mình? ảnh 1
Hà Thanh Phúc

Hà Thanh Phúc: Phải thừa nhận là văn học về nông thôn hiện nay rất ít ỏi so với mặt bằng chung.

Nếu như kể tên một nhà văn nổi tiếng viết về nông thôn hiện nay thì theo tôi chỉ có Nguyễn Ngọc Tư.

Trần Thị Hồng Hạnh: Tôi nghĩ rằng giữa nông thôn thời xưa với bây giờ vẫn có một điểm chung là người nông dân vẫn luôn phải đối mặt với vấn đề mưu sinh trên cánh đồng và vẫn là đối tượng thiệt thòi nhất trong xã hội.

Tôi nghĩ rằng, có rất nhiều đề tài về nông dân và nông thôn hiện nay đang cần được lên tiếng, được chia sẻ qua các trang viết.

Nhà văn trẻ quên quê mình? ảnh 2
Nguyễn Văn Học

Nguyễn Văn Học:  Rất dễ nhận thấy sự thay đổi của nông thôn bây giờ so với 5 năm trước đây, 10 năm lại càng rõ rệt hơn.

Nông thôn bây giờ bị cày xới bởi máy móc, bởi sự du nhập của văn hóa ngoại lai. Nhưng cái “chất” bên trong thì vẫn không thay đổi. Đó chính là căn tính nông dân, tôi nghĩ thậm chí phải trăm năm sau mới có thể có chút cải biến.

Về văn học nông thôn, tôi thấy hiện nay rất ít tác phẩm hay. Rất nhiều cây bút khác có viết về nông thôn nhưng không “tới”, nên nó cứ chìm nghỉm.

Còn các nhà văn trẻ, tôi thấy họ chẳng viết về nông thôn, thành thị hay về quân đội, công an gì cả. Như tôi từng có lần đã viết: Nhà văn trẻ trốn đề tài khó.

Khoảng 5 năm trở lại đây, họ chủ yếu đi sâu vào vấn đề xung quanh mình, để thể hiện cái tôi, cái ẩn ức, những chuyện chăn gối, phòng the… Văn học về nông dân, nông thôn đang rất thiếu.

Anh/chị viết về nông thôn như thế nào, nếu ít viết thì vì sao anh/ chị không “mặn mà” với đề tài này?

Nguyễn Thị Thu Thủy: Tôi có tới 20 năm sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn thực sự. Nhưng 8 năm sống và làm việc ở Hà Nội, mỗi khi trở về quê tôi lại thấy cuộc sống ở quê mình thay đổi nhiều quá. Cảm nhận và viết về nông thôn cần sự chín muồi mà có lẽ tôi chưa đủ. Khi trong tôi đủ chín muồi tôi sẽ viết.

Nhà văn trẻ quên quê mình? ảnh 3
Trần Thị Hồng Hạnh

Hà Thanh Phúc: Tôi không muốn gò mình cố cho ra một tác phẩm về nông thôn rồi bị độc giả bảo là viết truyện về thành thị chưa xong mà bày đặt viết về nơi mình không sống ở đó. Muốn viết về nông thôn hay, trước tiên mình phải am hiểu về nó.

Tôi sinh ra không ở một vùng quê ruộng đồng xanh mát, cò bay thẳng cánh, chỉ được chứng kiến trong những dịp lễ tết về quê bạn bè. Những cảm xúc và vốn sống thực tế về nông thôn đó quá ít ỏi khiến tôi không đủ viết nhiều để xuất bản thành tập truyện ngắn chẳng hạn.

Nguyễn Văn Học: Đề tài nông thôn vẫn là thế mạnh của tôi. Tôi dành hơn nửa dung lượng những trang viết cho đề tài nông thôn, và ở nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết tôi viết về người ở một vùng quê lên phố. Một số người không mặn mà với đề tài này, đơn giản vì viết khó hay và sách khó bán. Viết về những đề tài nóng bỏng, chạy theo thị trường thì sách in ra sẽ dễ có người tìm mua.

Trần Thị Hồng Hạnh: Tôi là một thị dân thực sự: từ 3 tuổi đã sống ở một thị xã nhỏ và đến nay, hàng ngày va chạm, hít thở bầu không khí của một đô thị lớn. Chỉ cha mẹ tôi là nông dân thôi, tôi chưa tin là mình có thể viết được đề tài này trong thời điểm hiện tại.

Vậy, để khuyến khích những cây viết trẻ tham gia tích cực vào đề tài nông thôn, chúng ta nên có những chính sách gì?

Nhà văn trẻ quên quê mình? ảnh 4
Nguyễn Thị Thu Thủy

Nguyễn Thị Thu Thủy: Nói là chính sách thì rất khó. Người viết văn là người sáng tạo. Liệu có thể ép phải có những sáng tác như thế này thế nọ được không? Nhưng ai đó hãy thử gióng một hồi chuông, biết đâu sẽ đánh thức những điều tiềm ẩn trong tâm tư một cây viết trẻ cũng nên.

Hà Thanh Phúc: Tôi nghĩ thà không viết thì thôi, chứ viết mà toàn là ngồi tưởng tượng ra thì không nên. Vì vậy, nếu muốn có nhiều truyện về nông thôn, thì phải tổ chức cho nhà văn đi chứ sao! Và vận động cả các cây bút sống ở nông thôn nữa.

Trần Thị Hồng Hạnh: Tôi không nghĩ rằng những chính sách sẽ tác động đến chất lượng của các sáng tác về nông thôn của những người viết trẻ. Có chăng là chỉ có tác động đến số lượng mà thôi.

Đi thực tế dăm ngày vài tháng chỉ cho mình cái nhìn theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Muốn có tác phẩm thực sự, đích đáng, tôi nghĩ cần sự quan tâm đích thực của người viết.

Nguyễn Văn Học: Chuyện khuyến khích, có lẽ là hơi khó. Một cơ quan nào đó, mỗi năm tổ chức một cuộc thi truyện ngắn và tiểu thuyết về đề tài nông nghiệp nông thôn dành cho tuổi trẻ, trao giải cao. Đó là “chính sách” hữu hiệu nhất.

Tác phẩm của nhà văn ta vẫn được coi là “rẻ như bèo”. Cứ mang kinh tế ra khuyến khích, động viên, người viết trẻ cảm thấy mình đầu tư viết về đề tài nông thôn rất đáng đồng tiền bát gạo, họ sẽ dấn thân viết.

Xin trân trọng cảm ơn các anh chị tham gia cuộc trao đổi này.

Hồ Huy Sơn
(Thực hiện)

MỚI - NÓNG