Body art ở Lễ hội đền Lảnh Giang: Đặt không đúng chỗ?

Body art ở Lễ hội đền Lảnh Giang: Đặt không đúng chỗ?
TP - Body art và video art trong lễ hội này đã tạo ra tranh cãi trong giới nghiên cứu văn hóa về vai trò của nghệ thuật đương đại. Liệu sự hiện diện của chúng ở đây đã thực sự có ý nghĩa và thích hợp?

Xin giới thiệu một ý kiến của nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền (Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội).

Có lẽ chưa bao giờ một lễ hội truyền thống lại được sự quan tâm sâu sắc đến vậy của các nghệ sĩ đương đại. Họ tham gia khá đông với Phương Vũ Mạnh, Nguyễn Hồng Phương,  Lê Nguyên Mạnh... và một số nghệ sĩ thư pháp tiền vệ.

Từ nhiều hôm trước, họ đã tất bật chuẩn bị những tác phẩm body art cho một màn trình diễn lớn. Có lẽ điều này đã thực sự thu hút sự tò mò của không ít người dân, lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt các nghệ sĩ phô diễn tài năng của mình không phải là lên toan mà chính thân thể của những trai làng tráng kiện, được cắt cử phục vụ đám rước bát bửu, lỗ bộ đứng hai bên sân khấu khi buổi hầu đồng diễn ra.

Hình như đã có một sự cộng cảm thật sự giữa nghệ sĩ và những thanh niên chưa bao giờ có khái niệm về nghệ thuật, chứ chưa nói đến nghệ thuật đương đại.

Nhưng vấn đề ở đây không phải nghệ thuật đương đại có bộ mặt như thế nào hay các nghệ sĩ đã vẽ lên thân thể những thanh niên trai tráng kia cái gì, mà nghệ thuật đương đại đã được sử dụng như thế nào trong các hoạt động mang tính chất tâm linh của một lễ hội truyền thống.

Sau sự hào hứng, thì nhiều người thất vọng bởi dường như những nhân vật được hóa hình một cách cầu kỳ đến như vậy lại không có một động thái nào khác ngoài việc đi lại một cách vô nghĩa trên sân khấu nổi. Phải chăng họ tượng trưng cho những nhân vật thuộc hạ của ba ông rắn được thờ ở đền, chầu rìa hai bên sân khấu diễn ra sự nhập đồng của những nhân vật này vào các giá đồng?

Nhiều người cũng băn khoăn khi TS Bùi Quang Thắng (Tổng đạo diễn chương trình) đã lý giải về thử nghiệm này là cần "phải có sự bổ sung, sáng tạo thêm" bằng cách đưa cả những lối trang trí nghệ thuật kiểu thổ dân Úc, Phi để theo kịp những "xu hướng mới của các nước phát triển trên thế giới trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá" .

 Hay trước thềm của việc xin công nhận di sản UNESCO, người ta cần phải chứng minh là hầu đồng đang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các giá trị nghệ thuật đương đại?

Vậy thì kiểu bảo tồn và sáng tạo như thế này có thực sự cần thiết? Văn hóa là sự tự vận động và tiếp biến. Cho dù việc hiện đại hóa những lễ hội truyền thống là điều không tránh khỏi trong xã hội đa diện như hiện nay, nhưng có nên chủ động áp đặt một văn hóa đương đại lên nền tảng văn hóa truyền thống không có xuất phát điểm từ chính cộng đồng sáng tạo và hưởng thụ nó?

Mặc dầu tục vẽ mình hình giao long đã từng được các thư tịch cổ ghi nhận nhưng chắc chắn sẽ không theo lối phi qui tắc như kiểu body-art được trình diễn ở lễ hội lần này.

Có thể TS Bùi Quang Thắng, người chịu trách nhiệm chính cho kịch bản của đêm tái hiện lễ hội có mong muốn xã hội hóa nghệ thuật đương đại trong một bối cảnh lễ hội truyền thống, nơi con người ta có thể dễ dàng cộng cảm với nhau. Hoặc nhóm đạo diễn của Viện Văn hóa nghệ thuật muốn tạo ra một mắt xích liên hệ giữa diễn xướng đương đại hòa với cùng với diễn xướng truyền thống để tạo ra sự đồng cảm.

Được xem là một lễ hội hoành tráng nhất từ trước đến nay, Lễ hội đền Lảnh Giang năm nay diễn ra vào ngày 23/7 vừa qua cũng lần đầu tiên việc hầu đồng được công khai hóa như một hình thức diễn xướng tâm linh để khởi đầu cho các hoạt động đề cử UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên nghệ thuật đương đại được đưa vào một lễ hội mang tính chất truyền thống khiến cho đông đảo du khách thập phương háo hức kéo về.

Cho dù, trong văn hóa truyền thống Việt sẵn có những nhân tố trình diễn hay sắp đặt, nhưng lối cắt ghép kiểu này đã thể hiện ra sự thiếu hiểu biết ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Điều đó dẫn đến kịch bản lễ hội có một độ vênh rất lớn giữa cái được coi là truyền thống và cái được xem là các giá trị đương đại và tạo ra những cái hiểu sai lạc cả về lễ hội truyền thống lẫn những dòng nghệ thuật mới.

Hình thức body-art được nhìn thấy ở đây chỉ đơn thuần thể hiện ra trong tính hình thức, còn giá trị thực sự của nó là gì thì dường như không ai hiểu được. Kể cả những người nông dân lần đầu tiên biết đến một khái niệm mới về dòng nghệ thuật này có lẽ cũng chỉ biết nó là kiểu tô vẽ lên người thay cho toan vải, mà không thực sự hiểu được nguồn gốc cũng như mục đích hay giá trị đương đại của loại hình nghệ thuật khá phổ biến này hiện nay trên thế giới.

Ngoài body-art thì video-art ở đây cũng được vận dụng sai mục đích. Một màn hình lớn được dựng trước sân khấu, ngay phía trên bàn thờ tế thần, được chiếu đi chiếu lại những hình ảnh của 3 nhân vật được tô vẽ đầy mình múa may ở trên đê, dưới sông lúc ẩn lúc hiện, như thể minh họa lại thần tích của ba vị thần rắn.

Cái màn hình này đã tạo tâm điểm chú ý  cho mọi con mắt dồn vào, làm loãng đi tính chất linh thiêng của lễ tế và hầu đồng ở ngay phía dưới. Có thể nói chính những hình ảnh video art ở đây đã khiến cho lễ tế thần cảm giác như bị giải thiêng, bởi lẽ các vị thần linh là vô hình, họ nhập đồng để trở nên hữu hình, để linh chứng cho tấm lòng thành của những người dân, thì nay lại ỷ vào kỹ thuật hiện đại để tái hiện.

Vậy thì sự tái hiện này có ý nghĩa gì? công chúng xem hầu đồng hay xem video art? Có thể tác phẩm video của họa sĩ Phương Vũ Mạnh là một tác phẩm hay, nhưng tiếc thay tác phẩm này đã được đặt không đúng chỗ để tạo nên những hiệu quả thị giác cần thiết.

Bản thân những nghệ sĩ khi tham gia vào lễ hội này cũng không ý thức hết được vai trò của mình. Họ là nhân vật chính hay nhân vật phụ trong đám diễn? Sáng tác của họ là cho nghệ thuật video-art, body-art, hay cho lễ hội?

Yếu tố thiêng là một vấn đề quan trọng nhất của một lễ hội ở đây có thể nói đã bị lối tư duy minh họa như vậy giải thiêng. Việc thiếu sự gắn kết giữa trình diễn và tác phẩm, khiến cho những nhân vật được vẽ mình ở đây trở nên vô duyên. Đây là điều không nên có trong một lễ hội truyền thống với những phục dựng theo kiểu minh họa.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.