Tàu bị Trung Quốc bắt khi tránh bão từng phải nộp phạt

Tàu bị Trung Quốc bắt khi tránh bão từng phải nộp phạt
TP - Tàu cá chở 13 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ trong lúc đang tìm nơi tránh bão ở tọa độ được xác định là thuộc chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa trước đó đã bị bắt và chủ tàu phải nộp 250 triệu đồng để được trả tự do.

Bộ Ngoại giao Việt Nam : yêu cầu  Trung Quốc thả ngay 13 ngư dân

Ngày 4/8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 1/8/2009, Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá QNg 95031 TS và 13 ngư dân Việt Nam trong khi đang di chuyển tránh áp thấp nhiệt đới tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói:

“Ngay sau khi được tin về vụ việc, ngày 3/8/2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay 13 ngư dân và tàu cá QNg 95031 TS, đồng thời nhanh chóng thông báo cho phía Việt Nam về tình hình của các ngư dân”.

TTXVN

Ngày 1/8, tàu cá mang số hiệu QNg-95031 TS - công suất 105 CV của ông Nguyễn Tấn Lự (52 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 12 ngư dân trong lúc đang tìm nơi tránh bão đã bị Trung Quốc bắt giữ đưa về đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa).

Mấy ngày rồi, chị Đỗ Thị Vấn (SN 1970), vợ chủ tàu, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Lự vẫn chưa hết bàng hoàng khi hay tin chồng bị bắt giữ. Ngày nào chị cũng cùng các con ngồi thơ thẩn ngóng chừng điện thoại chờ tin chồng.

Cả gia đình mất ăn mất ngủ, hai đứa con trai, đứa lớp 9, đứa lớp 2 đang chuẩn bị cho năm học mới cũng không còn muốn tiếp tục đi học khi hay tin cha bị bắt giữ.

Chị Vấn nghẹn ngào: “Hôm 1/8, anh điện thoại về báo là nghe tin thời tiết xấu, anh cho tàu chạy đi tìm nơi trú ẩn. Khi gần tới đảo Phú Lâm thì bị Trung Quốc bắt giữ, giờ họ đang đưa về đảo. Anh chỉ kịp nói vậy rồi không nghe tín hiệu gì nữa. Từ hôm đó tới giờ cũng bặt tin”.

Theo chị Vấn, đây là lần thứ hai tàu bị bắt. Lần trước khoảng đầu tháng 2/2009, cũng đang trên đường đi đánh bắt tại khu vực này thì bị Trung Quốc bắt giữ. Lúc đó gia đình hoảng sợ lo chạy vay gần 250 triệu để nộp.

Nợ nần chồng chất phải lo làm để trả nợ. Nào ngờ lần này lại tiếp tục bị bắt, bị giam giữ ngoài đảo biết làm sao ? Nợ cũ còn chưa trả, lấy tiền đâu mà chuộc chồng, chuộc tàu.

Tàu bị Trung Quốc bắt khi tránh bão từng phải nộp phạt ảnh 1Họ (phía Trung Quốc – PV) đang muốn chứng tỏ uy quyền ở biển Đông. Phạt tiền chỉ là cái cớ, cơ bản là họ bắt ngư dân mình nộp phạt để khẳng định chủ quyền của họ trên vùng biển nàyTàu bị Trung Quốc bắt khi tránh bão từng phải nộp phạt ảnh 2

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết, từ ngày 1/8, khi tàu của ông Nguyễn Tấn Lự bị bắt và có điện thoại liên lạc về gia đình một lần duy nhất để báo tin, đến hôm nay vẫn chưa có thông tin gì, phía Trung Quốc cũng chưa thấy có yêu cầu gì.

Theo ông Hùng, trước mắt, các cơ quan đoàn thể xã thường xuyên tiếp cận thân nhân, gia đình các ngư dân bị bắt để động viên, đồng thời nắm bắt thông tin báo cáo cho các cơ quan chức năng. Những gia đình gặp khó khăn chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ.

Hiện nay chính quyền địa phương đang kiến nghị các cấp có trách nhiệm can thiệp, bảo vệ bằng con đường ngoại giao để ngư dân sớm được trở về. Theo ông Hùng, nếu buộc các ngư dân nộp tiền chuộc thì chắc chắn họ không có đủ tiền vì phần lớn các ngư dân đều vay mượn để mua tàu thuyền ra khơi, và trả nợ dần dần sau mỗi chuyến đi.

Chứng minh uy quyền

Tàu bị Trung Quốc bắt khi tránh bão từng phải nộp phạt ảnh 3
Chị Vấn - vợ thuyền trưởng Nguyễn Tấn Lư

Chiều 4/8, ông Trương Ngọc Nhi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, sáng cùng ngày, tỉnh Quảng Ngãi đã gửi công văn cho Bộ Ngoại giao về vụ việc 13 ngư dân trên tàu QNg 95031 của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) trên đường tránh bão đã bị phía Trung Quốc bắt giữ ở tọa độ  16030 phút vĩ Bắc - 112043 phút kinh Đông và đề nghị Bộ Ngoại giao cùng các cấp ngành đấu tranh yêu cầu phía Trung Quốc thả người, tàu vô điều kiện.

Trao đổi với Tiền Phong, Đại tá Bùi Phụ Phú – Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, vẫn không liên lạc được với chủ tàu QNg  95031 cùng các thuyền viên.

“Họ (phía Trung Quốc – PV) đang muốn chứng tỏ uy quyền ở biển Đông. Phạt tiền chỉ là cái cớ, cơ bản là họ bắt ngư dân mình nộp phạt để khẳng định chủ quyền của họ trên vùng biển này”.

BCH BĐBP Tỉnh Quảng Ngãi đang gấp rút hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến những vụ việc phía Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam từ trước đến nay, tham mưu để lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi làm các văn bản tiếp theo đề nghị Bộ ngoại giao cũng như các cấp trung ương có tác động để phía Trung Quốc thả người, tàu.

Liên quan đến vụ bắt giữ 12 ngư dân Lý Sơn trước đó, hôm qua, 4/8, anh Nguyễn Văn Thiết – em trai chủ tàu QNg 6517 Nguyễn Chí Thạnh (một trong 12 ngư dân Lý Sơn bị giữ ở Hoàng Sa từ ngày 16/6) cho hay, sau một thời gian dài mất liên lạc, trưa 3/8, nhiều người nhà của ngư dân đã được nói chuyện với viên thông ngôn phía Trung Quốc.

“Họ tiếp tục đòi ngư dân nộp tiền và không cho chúng tôi gặp người nhà. Sau một hồi thương lượng, họ đã hạ tiền chuộc từ  50 ngàn NDT xuống còn 20 ngàn NDT mỗi tàu. Với chừng này, ngư dân có thể vay mượn được nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết không nộp” – Ông Nguyễn Chí Thanh - Chánh VP UBND xã An Hải (Lý Sơn), người trực tiếp cuộc điện đàm trên, cho biết.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.