Trả sắc phong cho làng xã VN: Châu về Hợp Phố

Trả sắc phong cho làng xã VN: Châu về Hợp Phố
TP - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (VN) tiếp nhận 10 sắc phong từ du khách Mỹ, và trao trả cho làng xã VN trong năm nay. Tiền Phong trò chuyện cùng nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử về sự kiện này.
Trả sắc phong cho làng xã VN: Châu về Hợp Phố ảnh 1
Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Được biết, số sắc phong mà Hội sẽ trả lại làng xã VN đến từ nước ngoài. Ông có thể nói rõ về con đường trở về của chúng?

Sắc phong có ý nghĩa trong làng xã cổ truyền. Làng xã cổ truyền là tế bào của xã hội VN cổ truyền, nơi tập trung rất đậm đặc giá trị văn hóa của một dân tộc. Mối quan hệ giữa nhà nước trung ương với làng xã chủ yếu thông qua mặt tinh thần.

Và việc sắc phong công nhận thành hoàng làng của các triều đại được coi như cách thể hiện quyền lực của nhà nước đối với làng xã. Cho nên, sắc phong đối với nhân dân như một chứng chỉ, như một liên hệ tinh thần. Bảo quản giữ gìn sắc phong là công việc quan trọng của làng xã.

Giấy làm sắc phong chưa có thứ giấy hiện đại nào có thể thay thế được. Trang trí cũng rất đẹp. Trải qua nhiều biến động chính trị, sắc phong mai một dần, trong đó một thời kỳ chúng ta đã ngộ nhận - sự ngộ nhận dẫn tới mất mát. Và mất mát ấy tạo ra một thị trường buôn bán sắc phong, hương ước. Cái đó càng kích thích sự mất mát tiếp theo.

Một cơ hội ngẫu nhiên, họa sỹ Trịnh Bách thấy bán nhiều sắc phong ở Mỹ. Số sắc phong này do du khách Mỹ mua tại VN và mang về Mỹ, vì thấy đẹp quá.

Khi được giảng giải nguồn gốc xuất xứ, họ đồng ý trả lại ngay. Anh Trịnh Bách là người tiếp nhận số sắc phong trên, rồi chuyển cho tôi.

Tôi nghĩ sự trở về của số sắc phong này góp phần trực tiếp vào việc sưu tập lại và trả lại cho chủ nhân, nhưng quan trọng hơn là tạo ra cho người Việt chúng ta nếp nghĩ tôn trọng những cổ vật không phải của mình.

Liệu chúng có về đúng chủ cũ hay không khi nhiều làng tách ra nhập vào, thậm chí hai - ba làng có thể sẽ cùng nhận sắc phong là của mình?

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đang xúc tiến thành lập thư viện tại các nhà tù trên cả nước. Hội đã đề đạt với Cục Trại giam V26 - Bộ Công an, và nhận được sự đồng tình hoan nghênh từ V26.

Ông Quốc cho biết, đây là sự chia sẻ trách nhiệm xã hội, và sẽ làm đúng nghĩa thư viện chứ không phải là một phòng đọc sách.

Thư viện cho nhà tù sẽ đầy đủ sách, báo để cập nhật thông tin mọi mặt của đời sống, tạo hoạt động giải trí cho tù nhân, và trang bị kiến thức cho họ để con đường hoàn lương trở nên thuận lợi hơn.

Chúng tôi đã làm đủ mọi quy trình, nhờ nhà chuyên môn giám định thật - giả, làm hồ sơ về nội dung trong đó xác định sắc phong của thời nào, phong cho ai, vị thành hoàng nào, ở địa phương nào và chủ nhân là ai, sau đó đi tìm chủ nhân để trả lại.

Đương nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra bởi đến nay, có rất nhiều đảo lộn về hành chính, và sự mất mát của đình thờ thành hoàng trước kia. Cái khó nhất của chúng tôi hiện nay là tìm chính xác địa chỉ làng xã để đưa “châu về Hợp Phố”, hay nói như phương Tây, cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar.

Theo ông, 10 sắc phong này là của những triều đại nào?

Phần lớn là triều Nguyễn. Đứng về phía người chơi đồ cổ, nó không nhiều giá trị, nhưng giá trị nguyên gốc của nó thì lớn.

Theo tôi, chúng ta hãy bắt đầu từ những việc đơn giản hơn, và hy vọng tạo nên chuyển biến trong nhận thức và hành động của những người chơi đồ cổ đang nắm giữ sắc phong trong tay mình.

Còn hương ước thì sao?

Hương ước không mang tính trang trọng. Đó là những quy định, định lệ của làng để dân làng làm theo. Thật may là, những năm 1940, Trường Viễn Đông Bác Cổ làm một điều tra khá cơ bản. Bên cạnh tài liệu họ thu thập sao chép được, các địa phương đều có bản khai. Hiện, kho hương ước khá phong phú ở Viện Hán Nôm tiếp nhận từ Viễn Đông Bác Cổ.

Ông đánh giá thế nào về việc một số địa phương đã văn bản hóa sắc phong dưới sự hỗ trợ của Quỹ Thụy Điển thời gian gần đây?

Họ điều tra và ghi lại thành văn bản. Điều đó cũng tốt cho việc bảo tồn, nhưng không gì bằng văn bản gốc. Như tôi đã nói, quan trọng nhất là ý thức của xã hội về sắc phong, nhân dân phải giữ được nó, khắc phục những nhìn nhận ấu trĩ.

Theo ông, các nhà sưu tập đồ cổ trong nước đang nắm giữ bao nhiêu sắc phong?

Tôi có anh bạn chơi đồ cổ đang nắm giữ hàng trăm sắc phong, và anh ta có ý thức kìm giữ không cho sắc phong tuồn ra nước ngoài. Anh ấy nói, nếu làm tốt, anh sẵn sàng trao trả.

Tôi cũng nhận được một số đề nghị xin trả lại sắc phong của các nhà sưu tập. Nhưng tất nhiên mình không thể tiếp nhận vội vã khi chưa chuẩn bị.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG