Giảng viên Việt Nam đầu tiên ở Đại học Oxford

Giảng viên Việt Nam đầu tiên ở Đại học Oxford
TP - Tốt nghiệp thủ khoa khoa CNTT tại Trường Đại học Bristol (Anh), 26 tuổi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ tại đại học Oxford, sau đó được giữ lại nghiên cứu và giảng dạy, Nguyễn Hoàng Long trở thành giảng viên Việt Nam đầu tiên tại trường đại học danh tiếng thế giới.

Sinh năm 1983 tại Hà Nội, là anh cả trong gia đình, ngay từ bé Nguyễn Hoàng Long đã thể hiện tính độc lập cao trong suy nghĩ và học tập. Suốt những năm tháng học trò, Long mơ ước được đi du học.

Ngoài lý do nối tiếp truyền thống gia đình, Long đặc biệt thích Oxford, nơi 46 nhà khoa học đoạt giải Nobel, 25 thủ tướng Anh, sáu vị vua, nhiều nhà chính trị, nhiều nhà văn, nhà thơ, toán học, kinh tế, trong đó có Thủ tướng Anh Tony Blair, Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, và nhiều nhân vật nổi tiếng khác từng theo học.

Chàng học sinh chuyên toán của Hà Nội nung nấu tham vọng một ngày nào đó, mình sẽ đến học tập tại đây.

Năm 2001, Long thi đỗ vào Đại học Bách khoa (lớp kỹ sư tài năng) và Đại học Xây dựng. Nhưng Long chọn đại học Bristol. Long thú nhận, hồi đó thích Oxford nhưng không có điều kiện nên không dám mơ. Anh coi Bristol như một thử thách cần vượt qua.

Long chia sẻ: “Có một cơ hội được học tập trong một môi trường mới, tiếp thu nền giáo dục mới sẽ rất quan trọng để rèn luyện bản thân. Đối với tôi, học đại học ở Việt Nam và học đại học ở nước ngoài chỉ khác nhau ở chỗ tạo ra những thử thách khác nhau. Tôi muốn xem khả năng của mình đến đâu”.

Bước ngoặt trong cuộc đời Nguyễn Hoàng Long là khi anh giành được giải thưởng nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Nuffield (Anh) vào năm học thứ hai tại đại học Bristol.

 “Đó là động lực rất lớn để tôi cố gắng nhiều hơn nữa cho ngành học bảo mật mà tôi theo đuổi. Điều quan trọng hơn là chứng minh sự lựa chọn của tôi không sai lầm. Tôi đã học và thành công với ngành học mà mình thích” - Anh tâm sự.

Giảng viên Việt Nam đầu tiên ở Đại học Oxford ảnh 1
TS Nguyễn Hoàng Long (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng thầy giáo

Sau đó không lâu, Long tiếp tục giành giải thưởng từ hai công ty máy tính Logica và Inforenz cho những sáng kiến của mình về bảo mật. “Đó là do tôi may mắn”, Long cười.

Năm học thứ hai và thứ ba tại đại học Bristol, Long đạt kết quả học tập xuất sắc nhất toàn khoa. Luận văn tốt nghiệp của Long đoạt giải thưởng dành cho luận văn nghiên cứu xuất sắc nhất.

Tổng kết khóa học, anh ghi thêm tên mình vào danh sách những thủ khoa của đại học Bristol.

Chưa nhận bằng tốt nghiệp, Long được công ty máy tính lớn nhất thế giới IBM và ngân hàng SHBC nhận vào làm việc. Đó là một vinh dự lớn nhưng anh đã từ chối.

“Đó là một quyết định khó khăn. Đôi khi người ta mắc sai lầm và phải hối hận trong những quyết định như thế. Nhưng tôi đã từng mơ ước được học ở Oxford và đây chính là lúc tôi có thể thực hiện. Tôi biết rằng sẽ còn rất nhiều cơ hội ở phía trước”.

Tiến sỹ tuổi 26

Long nộp hồ sơ xin học tiếp vào đại học Oxford và được chấp nhận. Phải nói thêm rằng, để được nhận học tiếp tại đại học Oxford – ngôi trường danh tiếng và cổ nhất nước Anh, những hồ sơ xin học phải trải qua quá trình tuyển chọn rất khắt khe.

Long được đặc cách làm tiến sỹ không qua văn bằng thạc sỹ. Lúc đó Long 22 tuổi. Anh trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận làm luận văn tiến sỹ tại khoa CNTT của Trường ĐH Oxford và được đích thân Giáo sư Bill Rosce, Trưởng khoa CNTT Đại học Oxford, trực tiếp hướng dẫn.

Trong thời gian làm luận án, anh được mời giảng dạy sáu môn học khác nhau cho sinh viên đại học, thạc sỹ tại đây.

Tiếng lành đồn xa, anh tiếp tục được 19 trường đại học hàng đầu của 10 nước khác nhau trên khắp thế giới mời đi giảng bài và thuyết trình, trong đó có những trường danh tiếng như ĐH Stanford của Mỹ, Cambridge, UCL ở Anh, ETH Zurich ở châu Âu, Thanh Hoa ở Trung Quốc…

Một thành công nữa lại đến khi kết quả nghiên cứu về giao dịch tiền tệ qua mạng của Long được làm ba bản quyền quốc tế, làm tiêu chuẩn hóa ISO và được nhiều tạp chí đầu ngành của Mỹ, châu Âu và thế giới công bố, đặt tại những vị trí trang trọng.

Trong các hội nghị khoa học do Microsoft tổ chức, Nguyễn Hoàng Long được nhắc đến với nhiều lời ngợi khen.

Năm 2007, đại học Oxford trao cho Long giải thưởng dành cho sinh viên có kết quả nghiên cứu xuất sắc nhất và đến nay được giữ lại trường để nghiên cứu và giảng dạy. Nguyễn Hoàng Long trở thành người Việt Nam đầu tiên làm giảng viên tại đại học Oxford.

Cha, mẹ chắp cánh ước mơ

Thành công của Nguyễn Hoàng Long là tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có dấu ấn rất lớn của mẹ. Long cho biết, mẹ anh sang tận nơi chăm sóc và động viên suốt những năm Long học ở Bristol và Oxford.

Bà Nghiêm Kim Bình tự hào: “Ngay từ bé Long luôn thể hiện sự độc lập không bao giờ để bố mẹ nhắc nhở về chuyện học hành. Gia đình tôi luôn đặt việc học của các con lên hàng đầu. Em trai Long - Nguyễn Hoàng Giang đang học tại đại học Tổng hợp London nên tôi sang Anh có điều kiện chăm sóc các con của mình, cả Long và em trai. Những thành tích Long đạt được không làm tôi ngạc nhiên, nhưng đó là món quà vô giá Long dành cho tôi”.

Bố Long – ông Nguyễn Quốc Hoàng cũng dành tất cả cho việc học tập của con. Vò võ một mình trong nước, ông cặm cụi làm ăn lo kinh phí để vợ chăm con ăn học nơi xứ người. 

Nguyễn Hoàng Long tự nhận mình không phải là mọt sách. Ngoài thời gian học tập, nghiên cứu, Long tham gia vào môn thể thao đua thuyền của trường Oxford.

Anh còn tích cực hoạt động trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Oxford (gọi tắt là VOX). Cùng với VOX giúp đỡ sinh viên Việt Nam nộp đơn đăng ký nhập học vào ĐH Oxford, tư vấn cho các ứng viên về kinh nghiệm lựa chọn trường, cách xin học bổng, hay kêu gọi đóng góp đồng bào bị thiên tai, bão lụt, giúp các trẻ em nghèo và khuyết tật.

Ngoài nghiên cứu, giảng dạy và đi thuyết trình, Long còn được mời tham gia vào dự án Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO.

Được hỏi về dự định, anh hào hứng: “ Tôi sẽ ở lại Anh trong 3-4 năm tới để theo đuổi và phát triển thêm những cái đã làm, tạo thêm mối quan hệ, sau đó tôi sẽ về Việt Nam. Tôi mong muốn những kiến thức mình học được sẽ giúp được phần nào cho ngành bảo mật vốn còn non trẻ ở Việt Nam.

Tôi cũng mong muốn được giảng dạy trong một trường đại học nào đó để trao cho sinh viên Việt Nam niềm đam mê và tạo cơ hội cho họ gặp gỡ những nhà khoa học, những giáo sư đầu ngành trên thế giới từ những mối quan hệ mà tôi đã tạo dựng được”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.