Gặp người đưa robot lên Hỏa tinh

Gặp người đưa robot lên Hỏa tinh
TP - Cao lớn, điểm thêm mái tóc đuôi ngựa kiểu danh thủ Roberto Baggio, trông GS Anthony Lattanze (Đại học Carnegie Mellon – Mỹ) giống tài tử Hollywood hơn là vị giáo sư danh tiếng từng đưa robot lên Hỏa tinh cách đây năm năm.
Gặp người đưa robot lên Hỏa tinh ảnh 1
GS A.Lattanze chụp ảnh cùng sinh viên Việt Nam

GS Anthony Lattanze được cả thế giới biết đến như là một vị GS thành công vang dội trong chương trình Mars Rover, đưa robot lên Hỏa tinh đầu tiên của loài người.

Cuối năm 2003, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) gây sốc trên toàn thế giới với tuyên bố sẽ thám hiểm sự sống trên Hỏa tinh bằng robot tự hành. Vào ngày  3/1/2004, robot tự hành nổi tiếng Spirit được thả xuống Hỏa tinh, tự chui ra từ một túi khí.

Với dự định của các nhà khoa học, Spirit chỉ làm việc trên Hỏa tinh nhiều nhất  ba tuần. Nhưng đến nay, nửa thập kỷ trôi qua, hàng trăm tấm hình mà Spirit chụp gửi về Trái Đất cho phép con người hình dung về sự sống trên Hỏa tinh.

Vào thời điểm đó, đưa được robot lên Hỏa tinh là một bước ngoặt lịch sử của nền thiên văn học cũng như quân sự không gian không chỉ riêng nước Mỹ mà là cả nhân loại.

A.Lattanze là GS tại Viện Nghiên cứu quốc tế phần mềm (ISRI) thuộc ĐH CMU (Mỹ), ông tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc phần mềm.

Ông đã thành công trong việc đưa ứng dụng phần mềm vào các lĩnh vực như ô tô, hàng không, quân đội, ngân hàng – bệnh viện và đặc biệt là ngành vũ trụ qua dự án Mars Rover, đưa robot lên Hỏa tinh.

GS Anthony Lattanze lúc đó là nhóm trưởng nhóm kỹ sư tích hợp các phần mềm của các chuyên gia tại ĐH CMU cùng những nhà khoa học khắp nơi trên nước Mỹ cho ra đời một phần mềm điều khiển hoàn chỉnh robot tự động thám hiểm Hỏa tinh (Mars Rover).

GS Lattanze kể, Mars Rover là nơi tập trung trí tuệ và tinh thần của nhiều nhà khoa học, ông chỉ là người tối ưu hóa những phần mềm, giúp phát triển Mars Rover có thể chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt trên Hỏa tinh.

“Phát triển robot trong điều kiện bình thường trên Trái Đất với việc tự định vị, điều khiển cũng như dò tìm đã khó, còn việc cho ra đời hệ thống tự điều khiển Mars Rover càng khó gấp bội”.

Không muốn tiết lộ thêm những chi tiết tỉ mỉ trong quá trình phát triển Mars Rover, GS Lattanze chỉ bày tỏ: “Việc đưa Mars Rover lên Hỏa tinh có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó giúp chúng ta mở cánh cửa bí ẩn của vũ trụ. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng có hẳn một đội quân robot trên Hỏa tinh. Và nếu có thể tìm thấy sự sống, tại sao lúc đó không phải là con người?”.

Theo GS Lattanze, ý tưởng về một đội tinh binh robot trên Hỏa tinh có từ lâu, dự định sẽ phát triển từ đầu năm 2008, nhưng do nhiều điều kiện đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Càng có nhiều robot trên Hỏa tinh thì cơ hội đưa con người lên thám hiểm trên đó càng cao. Hy vọng tương lai không xa, ý tưởng này sẽ trở thành hiện thực”.

Gặp người đưa robot lên Hỏa tinh ảnh 2
GS A.Lattanze hướng dẫn SV điều khiển robot tại ĐH Duy Tân – Đà Nẵng

Cần phải đưa robot ra ứng dụng

Trong những ngày lưu lại Việt Nam dự Festival Tin học Đà Nẵng 2009 diễn ra trung tuần tháng Tám, điều mà GS Lattanze quan tâm nhất là trình độ và khả năng về CNTT của SV Việt Nam.

GS là đại diện của ĐH CMU qua kiểm tra trình độ cũng như thuyết trình về các dự án robot mà ông và các đồng nghiệp tại Viện Kỹ thuật Ứng dụng Phần mềm và Viện Nghiên cứu Quốc tế Phần mềm của ĐH CMU đã sản xuất.

GS Lattanze cho rằng, SV Việt Nam đã đạt được những thành tích nhất định trong việc chế tạo và điều khiển robot qua các cuộc thi. Nhưng nhược điểm lớn nhất của SV Việt Nam là chưa hình dung hết dự án robot cũng như ứng dụng thực tiễn của nó. “Không thể lập trình robot tràn lan rồi để đó, cần phải đưa nó ra ứng dụng” – GS Lattanze nói.

MỚI - NÓNG