<FONT face=Tahoma>&gt;&gt; <A href="http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=169385&amp;ChannelID=13" resizable="yes" toolbar="yes" titlebar="yes" scrollbars="yes" menubar="yes" statusbar="yes" location="yes">Kỳ 3</A></FONT>

Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên - Kỳ 4

Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên - Kỳ 4
TP - Việc đi tìm thủ cấp của người chú ruột là nguyện vọng tha thiết mà họ tộc, đặc biệt là người cháu Nguyễn Văn Việt ấp ủ từ lâu.
Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên - Kỳ 4 ảnh 1
Cất bốc những gì nhóm tìm kiếm tìm thấy ngày 7 - 8/5/2008

Ngay từ những năm 70, hàng năm, tranh thủ thời gian nghỉ phép, ông Việt lại khoác ba lô, một mình lên Bắc Cạn, la cà khắp các ngõ ngách, hỏi han dân chúng trong địa bàn mà ngày xưa chú Vỹ đã chiến đấu và hy sinh, nhưng đều không thu lượm được kết quả gì.

Quả thực, công việc này chả khác gì, thậm chí còn khó hơn cả mò kim đáy bể. Dẫu vậy, xuất phát từ lòng trân trọng và biết ơn, nhất là sau khi có ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một đoàn đi tìm thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên hình thành gồm:

Đại tá Nguyễn Huyên (Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Đại tá Nguyễn Huy Văn, tức Kim Sơn (Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng Quân do Trưởng ban, Thượng tướng Phùng Thế Tài ủy nhiệm), Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Nguyễn Văn Quang (đại diện họ tộc). Ngoài ra, còn có Đậu Xuân Đồng (phó đoàn luật sư Hà Tĩnh) cùng một số nhà báo.

Trước khi lên đường, đoàn đã nghiên cứu kỹ lưỡng một số tài liệu liên quan, gặp gỡ một số bậc lão thành cách mạng, giáo sư sử học Phan Huy Lê; đồng thời cử người tham khảo ý kiến và kinh nghiệm tìm hài cốt của một số chuyên gia và cả nhà ngoại cảm.

Cuối buổi chiều 19/4/2008, Đại tá Nguyễn Huy Văn, anh Võ Điện Biên và Thạc sĩ Phan Thị Bích Hằng đã đến thắp hương trên mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên tại Nghĩa trang Mai Dịch.

Chủ nhật, ngày 20/4/2008, đoàn xuất phát từ Thủ đô, tới Bắc Cạn, đoàn được Bí thư Tỉnh ủy Mai Thế Dương, phó Bí thư Thường trực - Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Đình Hân, thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Ngân Sơn thịnh tình tiếp đón.

Đoàn rất vui mừng khi được nghe đồng chí Dương Đình Hân tâm sự đại ý rằng: "Những năm qua, địa phương cũng đã tổ chức một số đợt tìm kiếm và khai thác thông tin liên quan đến phần đầu còn lại của bác Phùng Chí Kiên nhưng thực sự rất khó khăn, những người cùng thời với bác Kiên hầu như mất cả.

Hôm nay, đoàn lên đây, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, làm hết sức mình, tạo điều kiện một cách tốt nhất để Đoàn hoàn thành việc xác định thủ cấp bác Phùng Chí Kiên".

Bí thư huyện ủy Ngân Sơn Nông Văn Chí cũng xác định: "Coi đây là một nhiệm vụ của cơ sở địa phương cho nên huyện đã thông tin rộng rãi, tìm một số bác lão thành biết được thông tin lịch sử có liên quan. Huyện sẽ làm hết sức mình vì công việc chung, vì tấm lòng đối với bác Phùng Chí Kiên".

Tối 20/4/2008, tại phòng họp giao ban Tỉnh ủy Bắc Cạn, trong buổi trao đổi ý kiến, anh Võ Điện Biên cũng báo cáo với đồng chí Dương Đình Hân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND Tỉnh, và Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn Nông Văn Chí về những thông tin mà đoàn nắm được.

Sáng hôm sau, đoàn đến làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Ngân Sơn, thống nhất phương pháp tìm kiếm, khoanh vùng, định vị khu vực, sau đó, đoàn chia làm hai nhóm, một bộ phận đi thực địa tìm kiếm, bộ phận còn lại thì đi tìm gặp các nhân chứng.

Các đồng chí ở huyện cho biết, trước đây, huyện cũng từng tổ chức đợt tìm kiếm thủ cấp của bác Phùng Chí Kiên một cách khá quy mô bao gồm bộ đội, dân quân tự vệ, học sinh các trường trên địa bàn thị trấn và các địa phương lân cận cùng nhiều đồng bào dân tộc.

Lực lượng đông đảo này đã tập trung đào bới ven núi, đồi cây và tất cả những nơi nghi vấn nhưng đều không tìm thấy vết tích gì. Khi kiểm tra lại phương hướng những địa điểm đã tìm thì được biết tất cả đều nằm ở phía nam thị trấn Ngân Sơn.

Tìm hiểu sơ đồ, biết được những địa điểm ấy đều nằm quanh đồn Pháp đóng, nên khó có khả năng ai đó đem chôn hoặc cất giấu gần đấy khi mà thời điểm đó ngày đêm có lính canh gác, đi tuần nghiêm ngặt.

Bộ phận đi tìm nhân chứng đã gặp khá nhiều bô lão trên 80 tuổi là thổ dân ở vùng này, nhất là quanh khu vực cầu Ngân Sơn, như các cụ Lý Coỏng Sáng, Lý Ả Mạn, Nông Quốc Hưng, Bàn Kim Thành.

Các cụ đều kể rằng, dạo ấy, tháng 8/1941, các cụ nhà đều gần khu vực cầu Ngân Sơn, vào một buổi sáng mùa thu, nghe tin một người cộng sản bị giặc giết chết, sau đó chúng chặt đầu cắm vào chiếc cọc tre cao chừng ba mét rồi đem bêu trên cầu Ngân Sơn. Các cụ đều nhìn thấy cái đầu đó, được mấy hôm thì biến mất, không biết vì sao.

Cả ngày đi tìm, hỏi han khắp mọi nơi, gặp hàng mấy chục nhân chứng nhưng cả hai bộ phận vẫn không phát hiện được bất kỳ một mẩu tin tức nào khả dĩ gợi lên một tia sáng.

Lúc đó, anh em trong đoàn mới nhớ tới lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi tìm kiếm phải chú ý đây là công việc nhạy cảm nên phải hết sức lắng nghe ý kiến của cấp ủy, chính quyền, đồng thời phải biết dựa vào dân, nhất là các vị lão thành cách mạng, đặc biệt ở đó còn có đồng chí Doanh Hằng, lão thành cách mạng, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.

Đây là địa bàn hoạt động trước đây của cụ Doanh Hằng trong nhiều năm, nên cụ rất thông thạo địa hình và hướng đi của nhóm đồng chí Phùng Chí Kiên năm đó.

85 tuổi, nhưng cụ Doanh Hằng vẫn rất nhiệt tình đưa đoàn đi gặp từng nhân chứng. Một tia hy vọng đã lóe lên khi Đoàn cùng cụ Doanh Hằng gặp được vị lão thành cách mạng Lục Thị Ninh cũng đã 83 tuổi, nhà cách đầu cầu Ngân Sơn không xa.

Cụ Ninh nhớ lại dạo ấy, cụ chừng 15 - 16 tuổi. Khi nghe đồng bào kháo nhau bọn Tây đem bêu đầu một cán bộ cách mạng trên cầu Ngân Sơn, tò mò, cụ rủ mấy người bạn cùng tuổi chạy tới xem; khi nhìn thấy cái đầu bị bêu trên cầu, cụ cùng các bạn tuy khiếp sợ nhưng trong lòng rất nể phục cộng sản nên cứ thầm thì bàn bạc nhau suốt...

Cụ còn cho biết, dân kháo nhau, sau khi chặt đầu cán bộ, bọn giặc vứt xác ra bìa rừng. Thấy cái xác bị bêu, nhiều người rất thương xót nên cứ mỗi người đi qua lại tìm cách hất đất đá lên, nên dần thành nấm mồ nổi (không ai dám chôn vì bọn lính lúc đó lùng sục, theo dõi rất gắt gao).

Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, năm 1946, phần thân đó được lập mộ ngay tại khu rừng nhưng hài cốt cũng chẳng còn được bao nhiêu. Đến năm 1964 thì được di chuyển về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Vân Tùng rồi lại quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngân Sơn.

Tuy nhiên, thông tin đáng giá nhất của cụ Lục Thị Ninh là, một vài ngày sau ra đầu cầu Ngân Sơn thì không thấy đầu đâu nữa, hỏi chuyện thì được tin là có người đã đem phần đầu đó đi chôn trong đêm tại khu đồi tòa án gần suối nước chảy, nhưng bây giờ không nhớ rõ vị trí.

Tổng hợp lại, đoàn đã phân tích, ít nhất thì phần đầu được đem đi chôn ở nơi nào đó vẫn có khả năng tìm ra. Điều quan trọng nhất là phải trả lời được câu hỏi rằng "ai đã đem phần đầu đó đi chôn?".

Rồi một đầu mối quan trọng bỗng phát  lộ.

Bữa đó, anh em tập trung đi tìm theo hướng Lũng Sao, khu vực có quả đồi phía Bắc thị trấn, cạnh Quốc lộ 3. Trong đội hình hôm ấy, Huyện ủy Ngân Sơn cử đồng chí Đồng Quang Huân đi cùng.

Trên đường đi, chuyện trò được một lúc thì bỗng nhiên Đồng Quang Huân vỗ trán nhớ ra bố của anh là cán bộ lão thành cách mạng. Hồi còn sống có lần cụ kể cho anh nghe, trước đây, thi thoảng cụ ra quán ông phó cạo để cắt tóc.

Hai người có vẻ hợp chuyện nên mau chóng thân quen và tin nhau. Một hôm nhân nói chuyện quá khứ, ông cụ cắt tóc có kể cho cụ Tuân nghe rằng, cái dạo địch bêu đầu cán bộ trên cầu Ngân Sơn ấy, cụ thương lắm, tuy rất sợ giặc phát hiện, nhưng cụ vẫn canh lúc đêm hôm mưa gió, lừa khi tụi địch không để ý, đã gỡ lấy cái đầu rồi giấu vào hang đá ven suối, rồi sau đấy đưa đi chôn trong đêm.

Kể xong, cụ cắt tóc còn dặn cụ Tuân phải giữ kín chuyện... Cho đến lúc sắp qua đời thì cụ Tuân mới kể lại chuyện đó cho anh Huân nghe.

Vì không để ý tên ông cụ cắt tóc là gì và cụ cũng đã chuyển nhà đi đâu không rõ nên, đến nay, anh Huân cũng không biết ông cụ cắt tóc nhân từ ấy ở đâu, còn sống hay đã mất?

Nghe được lời kể của anh Huân, cả đoàn mừng rỡ, tỏa đi tìm dấu tích của cụ phó cạo. Chiều hôm đó, bà Hoàng Thị Thiềm ở xã Bằng Khẩu cho hay: Ngày trước có vợ chồng ông Bảo, bà Bạch, nhà ở cạnh trường mầm non thị trấn là bạn chơi với con trai ông phó cạo từ hồi nhỏ...

Chiều cùng ngày, Chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy Ngân Sơn Trương Văn Lĩnh dẫn đoàn tới gặp ông Bảo. Ông Bảo cho hay, đúng là ông có chơi với con trai cụ phó cạo. Ông cụ tên Vẹo, còn con trai tên là Vò. Nhưng ông Vò đã chuyển nhà lên thị xã Bắc Cạn (cách Ngân Sơn khoảng 60 km) đã lâu, mấy chục năm nay không gặp lại nhau nên không rõ nhà ở đâu.

Cả đoàn lên xe kéo về thị xã Bắc Cạn quần khắp thị xã cũng không tìm đâu ra được cụ Vẹo và ông Vò. Đêm đó, mệt bở hơi tai mà hầu như chẳng ai chợp mắt được. Cái kim vừa nổi lên mặt nước thì lại lặn mất tăm xuống đáy bể...

Sáng hôm sau, trong lúc đợi anh Phạm Huy Hoàng - Trưởng phòng Hành chính - quản trị Tỉnh ủy Bắc Cạn đến dẫn đường, cả đoàn đều đăm chiêu, lo lắng. Đúng lúc đó thì anh Phạm Huy Hoàng xuất hiện với nụ cười rất tươi, khoe luôn, sáng sớm nay, trước khi sang đây, anh Hoàng có báo cáo sơ qua việc đoàn hôm qua đi tìm nhà ông Vò, con trai người thợ cắt tóc, cho đồng chí phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Đình Hân.

Vừa nghe xong, đồng chí Phó Bí thư cười bảo, nếu tìm  ông Vò thì chắc cả thị xã này chẳng ai biết vì khi chuyển từ Ngân Sơn lên thị xã Bắc Cạn thì ông ấy đổi tên là Hùng, nhà ở gần bến xe, thuộc khu chợ Mới...

Cả đoàn mừng rỡ, lập tức lên xe đi đến nhà "cụ Vẹo ông Vò". Tới nơi thì Đoàn gặp được bà Phạm Thị Hoàn, vợ ông Vò. Để khách quan, Đoàn mời cụ Doanh Hằng tới nói chuyện với bà Hoàn, còn mọi người trong đoàn thì ghi chép.

Bà Hoàn kể rằng, bà về làm dâu từ năm 1974, sinh được bốn con, bố chồng tên là Vũ Công Vẹo, sinh năm 1910, có tham gia cách mạng và là Đảng viên; chồng bà hồi bé tên Vũ Công Vò sau đổi thành Vũ Công Hùng, sinh năm 1951, trước đây là cán bộ tiếp phẩm ở trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Cạn.

Cụ Vẹo sinh được hai người con, chị gái ông Hùng lấy chồng ở Lạng Sơn, Bắc Cạn. Cụ Vẹo đã mất năm 1976, còn ông Hùng cũng đã qua đời năm 2005...

Về chuyện liên quan đến phần đầu đồng chí Phùng Chí Kiên trên cầu Ngân Sơn, bà Hoàn kể lại đại ý, từ khi về làm dâu, bà và bố chồng rất hợp tính nhau nên thường hay chuyện trò, tâm sự, hai bố con hầu như không giấu nhau điều gì. Đã nhiều lần, bố chồng kể lại cho bà nghe về chuyện đem đầu đó đi chôn.

Bà còn nhớ rằng, cụ bảo tuy làm nghề cắt tóc nhưng cụ cũng có tham gia hoạt động cách mạng. Một hôm đang cắt tóc thì cụ nghe tin địch đem cái đầu người cộng sản cắm vào cọc tre bêu trên cầu Ngân Sơn, làm cho không ít người hoảng sợ không dám qua cầu. Cái đầu treo ở đó đến 2 - 3 ngày. Thấy thế cụ thương xót lắm liền nghĩ cách trèo lên lấy đầu đem chôn.

Lần đầu vừa ra gần tới nơi thì có động nên đành phải quay về. Đêm hôm sau, nhân lúc trời mưa to gió lớn, các nhà đều đóng kín cửa, bọn địch cũng chui trong đồn, cụ lẻn ra, trèo lên lấy đầu bọc vào trong cái khăn cắt tóc rồi cho vào trong một cái hộp nhỏ, và thận trọng đem giấu vào một ngách hang đá cạnh suối chờ đến gần sáng thì đem đi chôn. Bà Hoàn còn kể nhiều thông tin liên quan đến vị trí chôn cất đầu...

Tạm biệt bà Hoàn, buổi chiều, Đoàn lại tiếp tục đi gặp thêm nhiều nhân chứng, trao đổi lại với các cụ lão thành cách mạng và những người dân am hiểu địa hình.

Tổng hợp lại tất cả mọi thông tin sau gần ba ngày cật lực tìm kiếm, 11 giờ 55' ngày 23/4/2008, mọi người trong đoàn  xác định được vị trí mà có thể cụ Vũ Công Vẹo đã chôn cất thủ cấp.

Khoảng 21 giờ tối hôm đó, đoàn đã có buổi gặp gỡ và báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Mai Thế Dương về sự việc trên đồng thời xin ý kiến chỉ đạo công tác bảo vệ hiện trường và thời điểm để cất bốc thủ cấp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhất trí và định thời gian khai quật là sau ngày 5/5/2008.

Chiều 7/5/2008, đông đảo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Bắc Cạn cùng đoàn tìm kiếm thủ cấp Liệt sĩ Phùng Chí Kiên có mặt tại Tiểu khu I, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn.

Đang điều trị tại Bệnh viện Quân đội 108, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn theo sát từng bước đi tìm kiếm của đoàn. Đại tướng điện cho con trai Võ Điện Biên, sau đó, nói chuyện trực tiếp với Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn Nông Văn Chí và Đại tá Nguyễn Huyên rồi gửi lời chúc sức khỏe, cảm ơn và động viên tất cả mọi người.

Cũng trong buổi tối hôm đó, Đại tá Nguyễn Huyên đã gọi điện tới Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, để báo cáo tình hình ...

Đúng 1 giờ 30 ngày 8/5/2008, công việc khai quật được bắt đầu. Cho đến 7 giờ 40' sáng cùng ngày thì hoàn tất. Các hiện vật tìm được đã được niêm phong vào trong một bọc đỏ. Sau đó, "Biên bản đào bới, khai quật mộ liệt sĩ" được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Cạn lập, các cơ quan chức năng và đoàn thể địa phương cùng đại diện gia đình là ông Nguyễn Văn Quang ký vào biên bản.

Cùng ngày, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, thay mặt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Cạn, Trung tá Hoàng Bình Tĩnh bàn giao bọc đỏ được niêm phong cho ông Đào Tất Vinh, đại diện Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Cạn Hoàng Thị Tảo, đại diện gia đình và đoàn tìm kiếm.  

Việc tìm kiếm một phần di cốt của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên đã kết thúc ở đây chưa? mời độc giả xem tiếp trên số báo tới.

Mạnh Việt

MỚI - NÓNG