Trí thức luôn sẵn sàng đóng góp

Trí thức luôn sẵn sàng đóng góp
TP - Nhân 64 năm quốc khánh 2/9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Tiến sĩ Chu Hảo - Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Tri Thức, dành cho Tiền Phong cuộc trò chuyện.
Trí thức luôn sẵn sàng đóng góp ảnh 1
Tiến sĩ Chu Hảo

Chủ đề xoay quanh là thế hệ trí thức đi theo chính phủ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vấn đề của trí thức đương thời cũng như câu chuyện giới trẻ với Internet.

Tiến sĩ Chu Hảo nhận định: Thế hệ  trí thức đi theo chính phủ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng là tầng lớp trí thức tiêu biểu của nước ta. Họ được hình thành từ đầu thế kỷ đến giữa thế kỷ trước trong nền giáo dục của chế độ thực dân Pháp.

Ngoài ý muốn của những người cầm quyền, nền giáo dục ấy mang nặng dấu ấn của nền giáo dục tiên tiến tại Pháp hồi đó, đào tạo những người có nhân cách văn hóa và có khả năng tư duy độc lập. Chính nhân cách văn hóa và khả năng tư duy độc lập là đặc điểm nổi bật của giới trí thức ngày ấy.

Sản phẩm trí thức của thời kỳ ấy vẫn còn đây. Đến năm 1945, GS Nguyên Văn Chiển (mới từ trần tháng trước) vừa học xong bậc đại học, GS Hoàng Tụy mới hết tú tài, còn nhà văn Nguyên Ngọc thì chưa hết tú tài...

Sau đấy, họ hoàn  toàn tự học và tự trau dồi nhân cách của mình, từ cái nền vững chắc có được từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, để trở thành những trí thức rất đáng kính trọng như chúng ta thấy.

Từ sau những năm 1950 đến giờ ở nước ta có tồn tại một tầng lớp xã hội được gọi là trí thức thực thụ hay không, theo tôi vẫn là một vấn đề cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Theo ông, trí thức Việt Nam có những đặc điểm gì?

Chúng ta thường nghe nói: Trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc, đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã. Vậy trí thức Việt Nam có đặc điểm gì?

Tôi từng nghe nói đến tính cách “phò chính thống”; “quan văn”, tựu trung là tính cách “thích được chính quyền sử dụng”. Có người nói là tính cách tùy thời, nghe có vẻ dễ chịu hơn chữ “cơ hội” mà một số bạn đồng nghiệp của chúng ta không ngần ngại sử dụng.

Như thế có xứng đáng là trí thức? Nhiều ý kiến cho rằng, bi kịch của trí thức Việt Nam chính là chỗ này. Nhưng có lẽ chưa được công bằng cho lắm.

Một thực tế khác cần xem xét là tính cách uyển chuyển, kết hợp giữa “hành” và “tàng” của sỹ phu - trí thức nước nhà. Điều kiện cho phép thì bung ra hoạt động; lúc khó khăn thì tạm ẩn dật chờ thời, có khi tàng với tâm trạng “cấp lưu, dũng thoái”( trước dòng nước xiết can đảm thoái lui).

Thế nhưng, ranh giới giữa thái độ đúng đắn này với sự hèn nhát thật mong manh; chỉ “tự mình, mình biết cho mình”, chứ khó lòng phán xét từ bên ngoài.

Ông từng đề cập đến một câu của Karl Marx viết về trí thức: “Phê phán không nhân nhượng những gì đang hiện hữu...”. Soi chiếu vào trí thức Việt Nam, ông thấy thế nào?

Khi tôi viết về câu nói này của Marx  nghe nói có độc giả viết bài phê phán quy chụp tôi có vấn đề về tư tưởng hay cái gì đó tương tự. Nhưng đó là câu của Marx chứ đâu phải của tôi. Marx đã nói và làm đúng như vậy trong thời của Marx.

Cần phải hiểu rằng, trí thức chỉ phê phán những cái sai đang hiện hữu chứ không chỉ trích cái đúng. Và phản biện không phải chỉ là phê phán, chỉ trích. Quan trọng hơn phân tích một cách khoa học và trung thực những bất cập trên tinh thần xây dựng và thiện chí.

Thẳng thắn, khẳng khái đã khó; có sức thuyết phục và đề xuất được phương án khắc phục hiện trạng bất cập còn khó hơn nhiều.

Theo ông, trí thức sẽ đóng góp được gì cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam tới đây?

Những người tự coi mình là trí thức luôn sẵn sàng đóng góp cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chỉ cần Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho họ được nói một cách trung thực, thẳng thắn; và sẵn sàng lắng nghe, đặc biệt là đối với những ý kiến trái chiều xuất phát từ ý thức xây dựng.

Hiện nay vẫn còn có những ý kiến e ngại, thậm chí phủ nhận  vai trò của phản biện xã hội, làm cho không khí thảo luận công khai và dân chủ, như chủ trương của Đảng và Nhà nước trong quá trình đổi mới, như chùng hẳn xuống. Điều đó không có lợi cho sự phát triển.

Ông và những trí thức khác có phản biện hay kiến nghị nào bị chìm vào im lặng chưa?

Rất tiếc là có, chẳng hạn như những kiến nghị về giáo dục. Tôi nhận thức một cách sâu sắc rằng cải cách giáo dục là một yêu cầu cấp thiết. Vì thế tôi tham gia nhóm nghiên cứu của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về giáo dục. Nhóm đi đến kết luận phải làm một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, triệt để.

TS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguyên Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và hiện là Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tri Thức.

TS Chu Hảo được biết đến như một trong những  người đưa Internet về Việt Nam, là quan chức trong lĩnh vực về khoa học công nghệ đầu tiên của Việt Nam tiếp xúc với Bill Gates.

TS Chu Hảo được trao tặng Huân chương Quân công của Pháp.

Tôi cũng tham gia nhóm nghiên cứu của giáo sư Hoàng Tụy và nhóm cũng đưa ra những kiến nghị quyết liệt về cải cách giáo dục. Các kiến nghị ấy đã được gửi tới các cơ quan nhà nước có trách nhiệm nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Theo ông, nền khoa học công nghệ nước ta có đủ sức giúp đất nước giải quyết nhiều vấn đề nóng bỏng mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu hay thiếu hụt năng lượng?

Nền khoa học công nghệ của nước ta còn non yếu, ngay cả so với nhiều nước trong khu vực, theo bất kể tiêu chí nào. Tuy vậy, vẫn có thể giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra nếu biết tổ chức, quản lý và, quan trọng hơn, tạo điều kiện bình đẳng cho mọi tiềm năng được giải phóng.

Ông thành lập NXB Tri Thức chắc cũng không ngoài mong muốn truyền bá tri thức và như thế cũng là một cách góp phần vào việc xây dựng đội ngũ trí thức?

Sách chủ yếu của NXB (kể cả sách liên kết) là sách dịch từ tiếng nước ngoài. Có thể, chỗ này chỗ khác các quan điểm của tác giả không phù hợp với quan điểm chính thống của ta hiện nay. Tuy nhiên, cùng với quá trình đổi mới thì phạm vi của vùng nhạy cảm ngày càng được thu hẹp.

Muốn đổi mới tư duy thì phải tham khảo những chính kiến khác với chính thống, khác với truyền thống. Muốn hội nhập quốc tế thì phải biết thế giới quanh ta nghĩ gì.

Cái thế giới người ta nghĩ có thể không giống ta, nhưng cái khác ta không phải đương nhiên là cái xấu, cái phải loại trừ. Cần phải chấp nhận sự đa dạng văn hóa.

Cuốn sách nào trong bộ sách “Tinh hoa tri thức thế giới” đã xuất bản mà ông thích nhất?

Khó mà chọn ra được một cuốn sách thích nhất với tư cách Giám đốc một NXB. Với NXB Tri Thức thì dòng sách chủ đạo là sách kinh điển - tinh hoa. Những cuốn như Emile hay về giáo dục của J.J Rousseau (1762), Nền dân trị Mỹ của A. Tocqueville (1835,1840), Bàn về tự do của J.S.Mill (1859), hay Thế giới như tôi thấy của Einstein, v.v... là những cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ trí thức ưu tú của nhân loại.

Ông là quan chức Việt Nam đầu tiên đối thoại trực tiếp với Bill Gates vào năm 1999. Và Bill Gates nhờ ông nhắn gửi một vài thông điệp  tới giới  trẻ Việt Nam. Đến bây giờ ông có còn nhớ những thông điệp ấy?

Đến giờ, dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng những thông điệp gửi giới trẻ đó tôi vẫn mang theo mình. Tôi vẫn nhớ, ấy là để tiếp tục thôi thúc tinh thần lập nghiệp của giới trẻ, cổ vũ giới trẻ, khơi lên trong thế hệ trẻ khát khao làm giàu chính đáng bằng tài năng và sự nỗ lực của bản thân và đồng nghiệp.

Thật bất ngờ, Good relax (Thư giãn cho tốt) là điều đầu tiên Bill Gates nhắn nhủ giới trẻ Việt Nam, tiếp đó là Use computer and connect Internet (Hãy sử dụng máy tính kết nối Internet), Pursue something you enjoy doing (Hãy theo đuổi đến cùng công việc bạn thích) và Reading is a critical skill (Đọc là kỹ năng quyết định).

Ông có hy vọng Việt nam có một Bill Gates không ?

Một số em cứ tưởng không cần học đại học cũng làm nên việc lớn. Bill Gates không nghĩ như vậy. Ông ấy nghĩ học là quan trọng nhưng ông lại nghỉ học là để chớp thời cơ để làm nốt cái công việc nếu mình cố lên một tý là làm được .Thực ra ông ấy là người học suốt đời. 

Một thế giới online đã hình thành trên Internet. Theo ông giới trẻ nên ứng xử thế nào với thế giới này?

Thế giới mạng là cơ hội vừa là cạm bẫy đối với các bạn trẻ. Là cơ hội cho những ai ham học hỏi, thích sáng tạo và có bản lĩnh. Là cạm bẫy đối với những bạn ham chơi, tham lam và nhẹ dạ.

Cảm ơn ông.

 Phùng Nguyên thực hiện

MỚI - NÓNG