Giữ hồn cho Tây Nguyên

Giữ hồn cho Tây Nguyên
TP - Xưởng nghề truyền thống thu mình giữa ngôi làng Chuet II (phường Thắng lợi - Gia Lai), và những nghệ nhân của xưởng nghề vẫn miệt mài với những ống trúc, ống nứa, con thoi để làm nên các sản phẩm truyền thống.
Giữ hồn cho Tây Nguyên ảnh 1
Các sản phẩm truyền thống - Ảnh: Hoài Văn

Chủ xưởng là hai anh Ksor Juan và C`romtih, hai thanh niên trẻ trong làng, “có sẵn máu văn nghệ của người Tây Nguyên và ao ước muốn làm được điều gì đó cho quê hương mình” - Juan tâm sự.

Tìm về bản sắc

Juan kể: Trước kia, mơ ước của anh là trở thành một nhiếp ảnh gia nên đã đăng kí học lớp nhiếp ảnh được hai năm. Nhưng ước mơ bị cắt ngang giữa chừng, khi khát khao cống hiến của người con đất đỏ vẫn day dứt.

Một lần, trong lễ cưới của người chị họ, anh gặp lại người bạn làng bên hiện sở hữu một xưởng nghề, anh bạn say sưa nói về các sản phẩm của mình.

Sau cuộc trò chuyện, Ksor Juan mãi ám ảnh bởi hình ảnh nghề truyền thống của làng mình đang dần bị mai một. Những nghệ nhân vẫn còn, nhưng chẳng mấy ai thiết tha mặn mà với ngón nghề mình có. Anh quyết định dồn vốn, dốc tâm khơi dậy niềm tự hào người con Tây Nguyên.

Ban đầu, anh tập hợp những chị em trong làng biết thêu dệt thổ cẩm. Anh bỏ vốn mua len, trả tiền công dệt, thậm chí bao cả tiền học cho các chị em mới vào học nghề.

Nhưng ý định của anh thất bại, đồng vốn cứ thâm hụt dần. Người làm dù được trả tiền công vẫn không thể hết lòng vì còn lo việc rẫy, việc nhà, chăm con.

Hai lần thất bại vì đầu tư cho hàng dệt thổ cẩm, Juan dốc hết vốn còn lại cùng bạn C`romtih mở xưởng nghề truyền thống, kêu gọi các nghệ nhân sản xuất đàn T`Rưng, chuông gió và các sản phẩm thủ công.

Trời không phụ lòng người. Đúng hơn là các nghệ nhân trong làng đã cảm khái tấm lòng của ông chủ xưởng trẻ dốc tâm cho nghề. Mới biết, không phải các nghệ nhân không còn thiết tha với ngón nghề, mà họ còn thiếu điều kiện để trổ tài, hay vì miếng cơm manh áo chật vật mà đành chôn chặt nỗi niềm.

Các sản phẩm của xưởng ngay khi được làm ra đã chào bán rất nhanh, và nhận nhiều đơn đặt hàng. C`romtih tâm sự: Ban đầu hai anh em đi hết các cửa hàng lưu niệm, các công ty du lịch ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Không ngờ, mọi người lại rất chuộng các sản phẩm của xưởng, nên hăm hở về lo kiếm cách mở rộng quy mô, kêu thêm các nghệ nhân kể cả các làng bên cạnh.

Ngoài ra, anh còn mở lớp dạy thêm cho những ai yêu thích nghề. Kết quả là chỉ trong một tháng, có tới 40 người tham gia lớp học nghề.

Ánh mắt anh sáng lên khi nói về các sản phẩm của xưởng: Nhìn vào hoa văn là biết những sản phẩm được làm từ xưởng mình. Ba mầu sắc đặc trưng của dân tộc Gia Rai là đen, đỏ, trắng được phối hợp một cách tinh tế, thanh thoát mà rắn rỏi là những yếu tố đầu tiên để nhận diện.

Ngoài ra, nguyên liệu để tạo nên các sản phẩm đều từ rừng. Joan liên hệ với dân bản lên núi chặt trúc để mua lại. Trúc được chặt trên núi Sesan 3,4 là đẹp nhất. Trúc phải đảm bảo hai yêu cầu vừa đẹp lại không quá già, cũng không quá non mới tạo tiếng kêu trong, hay được.

Hồ lô để làm chuông gió cũng được mua từ các hộ dân trong làng, với nhiều dáng vẻ khác nhau tạo sự độc đáo. Để làm nên một chiếc chuông gió, phải trải qua rất nhiều công đoạn: Ngâm, luộc, phơi, sấy trúc... Rồi qua tay các nghệ nhân đục lỗ để trở thành những nốt nhạc thực sự theo quy chuẩn của dàn nhạc truyền thống. Cuối cùng là khâu trang trí và bảo quản sản phẩm.

C`romtih cho biết, ban đầu còn chưa biết đến công nghệ chống thối, chống mọt nên tuổi thọ của các sản phẩm còn hạn chế. Nhưng sau đã kịp thời cải tiến.

AKah là một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất của xưởng (60 tuổi), nhưng đôi tay vẫn khéo léo, cùng với đôi tai điêu luyện của một nghệ nhân đang lần lượt khoét, đục tạo ra các nốt nhạc.

Ông cho biết: “Khó nhất là khâu đục lỗ. Từ một thanh trúc phải làm sao để trở thành một nốt nhạc. Phải là người biết về âm nhạc, hiểu về nghệ thuật Tây Nguyên”.

Đàn T`Rưng có nhiều loại. Loại đàn ba gian dùng trong các buổi diễn. Ngoài ra còn có các loại cỡ trung (13 ống), cỡ đại 16 ống hay loại đàn mini là món quà lưu niệm đầy ý nghĩa cho du khách khi đến với Tây Nguyên. Gùi, chuông gió, cây Nêu của xưởng cũng có nhiều loại, nhiều kích cỡ phù hợp với mục đích khác nhau.

Các sản phẩm của xưởng cũng được gửi đi tham dự các cuộc triển lãm như đàn T`Rưng, gùi và chuông gió các loại. Riêng ông chủ thứ hai lại có niềm đam mê cồng chiêng nên chuyên tâm chế tạo và tham dự các lễ hội dành cho nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên.

Day dứt

Khó khăn lớn nhất là việc tìm những nghệ nhân trẻ, để thay thế sau này trong khi các nghệ nhân trong xưởng đều là các bậc trung, cao niên. “Giới trẻ bây giờ thờ ơ lắm”. Đó là điều mà hai ông chủ xưởng trẻ vẫn trăn trở.

Juan và C`romtih đang có dự định lớn là tìm một điểm thích hợp, yên tĩnh  mở rộng xưởng nghề và tạo không gian nghệ thuật. Theo lời anh, đó sẽ là một khoảng không gian riêng có tiếng cồng chiêng vang lên rắn rỏi, có điệu đàn T`rưng êm ái và cả tiếng chuông gió vi vu, những thiếu nữ ngồi dệt vải.

“Đó sẽ là những khoảnh khắc đáng nhớ cho du khách tới tham quan” - Ánh mắt Juan rạng rỡ.

Không ít lần, anh tìm cách thu hút lớp trẻ trong làng bằng cách đến nhà vận động, cho học nghề không lấy tiền mà còn được nhận tiền bán các sản phẩm làm ra. Nhưng xem ra cái thú chơi tự do vẫn có sức hút ghê gớm. “Chỉ được vài hôm chúng lại rủ nhau bỏ hết, nói vì ngại, không thích ngồi một chỗ” – Anh tâm sự.

Chúng tôi ra về trong day dứt vì nỗi khao khát được truyền lại kinh nghiệm, ngón nghề cho các thế hệ kế tiếp trong lời nói tâm huyết, nhiệt thành của Juan, trong ánh mắt già nua của các nghệ nhân cao tuổi khi nhìn mấy đứa trẻ lớn nhỏ xách rổ cá vừa hôi sau trời mưa.

Lại có những tốp thanh niên trai gái đang mải mê trong những câu chuyện tếu, những mầu tóc đỏ xanh hoe hoắt đương rú ga bóp còi trên nẻo đường làng. 

MỚI - NÓNG