Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục

Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục
TP - Tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội, hầu hết các đại biểu tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, nhằm tăng phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.
Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục ảnh 1
Khai giảng năm học mới tại trường THCS Láng Hạ (Hà Nội)  Ảnh: Công Đạt

Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ) diễn ra tại Đà Nẵng hôm 8/9.

Kiểm tra từng trường: Ba năm mới xong

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục là một yêu cầu cần thiết và khách quan trước đòi hỏi của nền giáo dục nước nhà hiện nay.

Theo phân tích của Bộ trưởng, năm 1987, cả nước có hơn 100 trường ĐH, CĐ, đến nay lên 376 trường, số sinh viên từ 133.000 tăng lên 1,7 triệu. Như vậy, số trường tăng 2,7 lần, số sinh viên tăng 13 lần... chưa kể việc nhớ tên các trường, công tác kiểm tra từng trường một phải mất hơn ba năm mới hoàn thành. Do đó, nếu không phân cấp cho tỉnh, địa phương tham gia thì một mình Bộ không thể gánh nổi.

Bên cạnh đó, cần phân định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ngành hữu quan và địa phương, cơ sở theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho các địa phương, cơ sở giáo dục nhiều hơn, nhất là các trường đại học.

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, khẳng định, cần phân cấp để Bộ GD & ĐT tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển; hoàn thiện môi trường pháp lý; tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục...

Chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục tại địa phương; quy hoạch đất đai, xây dựng trường sở; đào tạo, bồi dưỡng tuyển chọn, sử dụng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng các chính sách quyết định mức thu học phí tại địa phương phù hợp với quy định chung của Chính phủ.

Theo ông Thi, các trường đại học cần được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính kế hoạch, tổ chức nhân sự và hợp tác quốc tế.

Song song với việc trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Luật sẽ tăng cường bổ sung các quy định về tiêu chí và cơ chế quản lý, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học.

Hoàn trả học phí

Các đại biểu tán thành việc dự thảo thay chính sách miễn học phí bằng hưởng tín dụng ưu đãi đối với sinh viên sư phạm, người theo học các khoa đào tạo nghiệp vụ sư phạm.

Theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành, “học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí...”.

Dự án Luật đề xuất sửa đổi bằng chính sách hưởng tín dụng ưu đãi cho các đối tượng này “khi ra trường nếu làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục quy định tại điều 25, 30, 36, 42, 46, 49, 69 và Mục 3, chương III của Luật Giáo dục hoặc làm công tác giáo dục trong các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân đủ thời hạn quy định thì không phải hoàn trả tín dụng đã sử dụng để chi trả học phí.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thu Hà (Đồng Tháp): Số lượng giáo viên hiện nay tương đối bão hoà, thậm chí đang rơi vào khủng hoảng thừa. Ngành giáo dục chưa có khả năng phân công cho các sinh viên sư phạm ra trường hoạt động giáo dục. Do đó, không ít sinh viên sư phạm sẽ bị hoàn trả khoản vay tín dụng oan.

Vấn đề là bộ, ngành chức năng phải xây dựng được quy hoạch quy mô phát triển của nền giáo dục để phù hợp với quy định của Luật. Một số đại biểu khác cho rằng nên khoanh vùng vào đối tượng sinh viên sư phạm ra trường được phân công nhưng không hoạt động lĩnh vực giáo dục phải chịu hoàn trả khoản vay tín dụng.

Dự thảo Luật sửa đổi về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học theo hướng giao thẩm quyền trên cho Bộ trưởng Bộ GD & ĐT thay cho quy định tại Luật hiện hành là Thủ tướng quyết định.

Tuy nhiên, theo Ủy ban VHGDTNTN&NĐ việc thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia, là chủ trương xây dựng một số trường đại học trọng điểm... nên thẩm quyền này vẫn phải do Thủ tướng là người quyết định.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dẫn ra: Chỉ từ năm 2005 đến gần hết năm 2008, cả nước đã có thêm hơn 230 trường ĐH, CĐ, trong đó có hơn 80 trường CĐ nghề.

Việc phát triển ồ ạt các trường ĐH, CĐ không hội đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo khiến dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu phân cấp mà không quy định rõ, chặt chẽ các điều kiện thành lập trường và cơ chế kiểm tra giám sát, e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.