Mường Lát vào 'mùa' cứu đói

Mường Lát vào 'mùa' cứu đói
TP - “Người lớn của bản vào rừng kiếm que củi, cái măng và bầu mật ong bán lấy tiền đong gạo ăn rồi. Đói mà nhiều đứa không dám đến trường học cái chữ”.

Anh Lý Khải Hòa, ở bản Poom Khuông, xã Tam Chung, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), than thở. Còn chính quyền các xã, huyện Mường Lát thì bận rộn vào mùa chống đói.

Mường Lát vào 'mùa' cứu đói ảnh 1

Chị Cao Thị Dựng, bản Lát (xã Tam Chung) bên ngôi nhà của mình

Trẻ nhỏ cũng xiêu vẹo vì đói

Nhiều năm qua, có tới hàng nghìn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hoá) liên tục cần cứu trợ lương thực.

Trung bình mỗi năm, UBND huyện Mường Lát phải hai lần gửi văn bản gửi xuống UBND tỉnh báo cáo tình trạng số hộ, khẩu đói ăn, xin cứu trợ lương thực trong những tháng giáp hạt.

Gần trưa một ngày cuối tháng 8/2009, trên những sườn dốc núi ở bản Lát, xã Tam Chung, chúng tôi ít thấy khói bếp lửa từ những nếp nhà sàn. Thi thoảng, nghe vọng tiếng trẻ con khóc xé lòng và tiếng thở dài vào ra của những người già vì đói cơm.

Trong ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Ngân Văn Còn, chị Cao Thị Dựng ở bản Lát cùng đứa con nhỏ rộng chừng 10m2 trống huơ trống hoác, chỉ những bắp ngô treo trên bếp là có giá trị.

Chị Dựng nói: “Những tháng giáp hạt, nhiều nhà trong bản thiếu gạo ăn. Phụ nữ mới sinh con, người già, trẻ nhỏ đều ăn ngô và rau rừng. Cháo ngô nấu một bữa ăn cả ngày là chuyện thường”.

Cách TP Thanh Hóa gần 300 km, huyện Mường Lát có tám xã giáp biên giới Việt - Lào và là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 5/8/2009, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, ông Lương Văn Bường có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin cứu trợ lương thực khẩn cấp cho 4.508 khẩu/818 hộ đói gay gắt trên địa bàn huyện.

Trước đó, đầu năm 2009, hàng trăm tấn gạo cũng được UBND tỉnh chuyển về cứu đói cho đồng bào Mường Lát. Được biết, ngay sau khi nhận được văn bản xin cứu trợ lương thực, UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo nhanh chóng trích ngân sách dự phòng mua, cấp gạo cứu đói cho đồng bào.

Trong những ngày đầu tháng 9/2009, các hộ dân đói của huyện đã được cứu trợ gạo. Bữa ăn đã có chút gạo thay ngô, sắn.

Huyện Mường Lát có chín xã, thị trấn và có sáu dân tộc sinh sống là Thái, Mường, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú. Xã xa trung tâm huyện nhất cũng tới hơn 40km, chưa kể nhiều bản cách xa trung tâm xã thêm hàng chục kilômét nữa.

Theo UBND huyện, đợt cứu đói này xã Tam Chung có số đồng bào cần cứu đói cao nhất (284 hộ/1.398 khẩu), chiếm hơn 40 phần trăm số nhân khẩu của toàn xã. Ngoài ra, còn nhiều xã có số hộ đói cao như Tén Tằn (119 hộ/507 khẩu), Mường Chanh (80 hộ/432 khẩu), Trung Lý (70 hộ/450 khẩu), Quang Chiểu (70 hộ/450 khẩu), Mường Lý (85 hộ/591 khẩu)…

Tại bản Poom Khuông (xã Tam Chung) cũng vắng lặng khác thường. Đám trẻ con của bản đùa nghịch bên các hiên nhà xiêu vẹo, mắt ngóng về phía nương đồi trước bản chờ bố mẹ về.

Ông Lý Seo Dế là công an viên, cán bộ an ninh bản Poom Khuông cho biết: “Hiện nay, bản có hơn 50 hộ (hơn 300 nhân khẩu) thì có hơn nửa số hộ bị đói, cần sự cứu trợ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói kéo dài ở đây là do hệ thống mương thủy lợi dẫn nước từ suối Poong vào diện tích đất nông nghiệp của bản bị hư hỏng, đồng bào không gieo cấy được lúa nước…”.

Mường Lát vào 'mùa' cứu đói ảnh 2

Trẻ em bản Poom Khuông (xã Tam Chung). Ảnh: Hoàng Lam

Loay hoay tìm hướng

Đi bộ mất chừng năm giờ mới về tới trung tâm xã Tam Chung để nhận gạo cứu trợ của huyện, ông Giàng A Sào, Trưởng bản Ón (cách trung tâm xã Tam Chung gần 20 km) bùi ngùi, chia sẻ: “Nương ngô, đồi sắn chẳng nghe theo người trồng, chăm sóc. Cứ mưa lũ, nắng gắt về là chúng cháy rụi, giập nát, nếu có sống được thì củ, bắp biến dạng, không có năng suất và không có thu hoạch cán bộ à.

Đường giao thông vào bản Ón lại khó khăn, nên có vụ được mùa ngô nhưng sản phẩm này chẳng bán được cho ai để đổi gạo. Ai cũng mong có đủ gạo ăn trong năm để không cần xin cứu trợ nữa. Nhưng năm này qua năm khác, nhiều dân bản không thể không xin cứu trợ lương thực”.

Một cán bộ của Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Mường Lát cho biết, nghiện ma túy cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói, nghèo ở Mường Lát.

Tại bản Khằm I, xã Trung Lý, hàng chục người nghiện ma túy đói ăn quanh năm, như các gia đình ông Vàng A C. Vàng A Chu, Vàng A N... Có gia đình cả vợ chồng và con đều nghiện ma túy nặng.

Ông Lương Văn Bường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho hay, toàn huyện hiện chỉ có 560 ha đất nông nghiệp cấy được lúa nước. Đây cũng là vùng mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa nương vào tháng 10 và 11.

Với tổng số hơn 34.000 nhân khẩu, đất nông nghiệp lại quá ít, nên đồng bào ở Mường Lát thường xuyên bị thiếu lương thực, phải dùng thêm ngô, sắn trong bữa ăn thường ngày.

“Mường Lát rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm, đầu tư, đưa giống cây, con phù hợp với địa phương để gieo trồng và chăn nuôi một cách có hiệu quả, tiến tới phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo” – Ông Bường nói.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Bàng hoàng những trang sách tả cảnh 'giường chiếu'; Thông tin về 'hội vỡ nợ muốn làm liều'
TPHCM 24/7: Bàng hoàng những trang sách tả cảnh 'giường chiếu'; Thông tin về 'hội vỡ nợ muốn làm liều'
TPO - Xôn xao clip tố CSGT đạp xe người vi phạm; Công an TPHCM theo dõi sát 'hội vỡ nợ muốn làm liều'; Trường Quốc tế phát sách tả cảnh gợi dục cho học sinh; 16 học sinh ngộ độc đều ăn sushi trước trường, Sở Y tế TPHCM ra khuyến cáo,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.