Người Việt ở lục địa đen

Người Việt ở lục địa đen
TP - Người Việt ở các quốc gia châu Phi chưa đầy 10.000 người, đông nhất là ở Angola, nhưng có những đóng góp đáng kể vào xã hội nước bạn với đủ các ngành nghề như kinh doanh may mặc, dịch vụ xuất nhập khẩu và sản xuất bánh mỳ, kem, nước đá.
Người Việt ở lục địa đen ảnh 1
Chị Nghiêm Nhật Mai (giữa), Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Angola cùng các chị em chuẩn bị một bữa tiệc chiêu đãi đoàn cán bộ Việt Nam sang thăm Angola

Lực lượng cán bộ, chuyên gia y tế và giáo dục người Việt có lẽ là những người đầu tiên đặt chân tới các quốc gia lục địa đen xa xôi này từ năm 80 của thế kỷ trước. Số chuyên gia ở lại đến giờ còn khoảng 300 người.

Hướng về đất nước

Ngoài lực lượng chuyên gia, hiện nay những người Việt  ở Angola tham gia mọi ngành nghề trong xã hội như kinh doanh may mặc, mở hiệu ảnh, làm các dịch vụ nhập khẩu, làm bánh mì, làm kem, nước đá...

Cộng đồng Việt Nam có mặt ở một số nước của châu Phi như Mozambic, Nam Phi, Namibia, Algeria, nhưng nhiều nhất vẫn là ở Angola.

Ước tính người Việt có mặt tại 18 tỉnh của Angola với khoảng 5.000 người.

Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, các quốc gia châu Phi cũng không tránh khỏi khó khăn. Tuy vậy, cộng đồng người Việt tại Angola vẫn luôn thể hiện là một cộng đồng có tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau lúc khó khăn.

Angola là một quốc gia có những điểm mạnh về tiềm năng tài nguyên như dầu mỏ và kim cương, nhưng còn lạc hậu về nhiều mặt như y tế, giáo dục, môi trường. Các bệnh nguy hiểm như sốt rét, tả, lao phổi, AIDS đã cướp đi sinh mạng của nhiều người... Tính từ đầu năm 2009 đã có bốn người Việt tử vong vì bệnh sốt rét.

Chị Nghiêm Nhật Mai, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Angola tâm sự: “Đối mặt với nhiều khó khăn về suy thoái kinh tế và sự nguy hiểm của bệnh tật nhưng toàn thể cộng đồng vẫn luôn nêu cao truyền thống yêu nước, hướng về đất nước.

Người Việt ở lục địa đen ảnh 2
Bà con người Việt tại Angola đón Tết Nguyên đán

Điều này được thể hiện qua các cuộc vận động gần đây nhất là đóng góp cho quỹ thanh niên xung phong 3.840 USD, quỹ “Mái ấm tình thương” của Hội LH Phụ nữ VN 2.000 USD. Dù ở xa Tổ quốc, nhưng các ngày lễ tết của dân tộc như Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2/9, Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân VN 22/12 v.v… đều được hội tổ chức chu đáo”.

Từ sau khi đại sứ quán hoạt động trở lại sau một thời gian gián đoạn, việc tập hợp nhau lại để luôn không có cảm giác xa Tổ quốc đã được tổ chức tốt thông qua Ban Chấp hành Hội Người VN  tại đây. Phần lớn bà con thấy được Hội là tổ chức quần chúng có thể tập hợp mọi người và cùng nhau chia sẻ những khó khăn.

Gần đây, tình trạng đưa người Việt sang lao động ở các nước châu Phi thông qua các công ty môi giới ngày càng nhiều. Các công ty môi giới thu tiền của người lao động khá cao, nhưng khi người lao động gặp tai nạn, hay tử vong thì không thấy công ty đó đâu.

Trước tình cảnh nhiều người lao động bơ vơ, không nơi nương tựa, nhiều anh em trong hội dù bận rộn với công việc mưu sinh nhưng đã xúm vào giúp đỡ.

Cảnh báo tình trạng lừa xuất khẩu lao động

Làn sóng  lao động nước ngoài vào Angola ngày càng  đông nên Cục Xuất cảnh của Angola rất gắt gao trong việc tìm kiếm, bắt giữ những người nhập cư trái phép hoặc giấy tờ không hợp lệ.

“Tại Angola, đất nước nói tiếng Bồ Đào Nha, toàn bộ cán bộ đại sứ quán không có ai biết tiếng Bồ Đào Nha”, Chị Nghiêm Nhật Mai, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Angola, cho hay. 

Thời gian tới, ngoài việc gấp rút chuẩn bị cho giải bóng đá của một số quốc gia của châu Phi  CAN 2010  diễn ra vào tháng 1/2010  và chuẩn bị bầu cử tổng thống, tình hình an ninh của Angola càng được siết chặt hơn. Ngay tại sân bay, những người Việt Nam có thị thực nhập cảnh trong hộ chiếu  nhưng phía biên phòng Angola vẫn tạm giữ để trục xuất khi có chuyến máy bay trở về VN.

Chị Mai cho biết, hiện tại có rất nhiều công ty môi giới lao động đưa người VN đi xuất khẩu lao động thu phí dịch vụ rất cao (chỉ là tiền mua vé máy bay và làm thị thực nhập cảnh). Cụ thể, người lao động VN vào Angola thông qua công ty môi giới phải nộp từ 7.000  đến 8.000 USD cho việc mua vé hai chiều từ HN - Angola và ngược lại (trong khi đó, giá vé khoảng 2.600 USD+ thị thực du lịch 800 USD). Hàng trăm người tới Angola đã phải ra về. 

Đau lòng hơn là một số lao động VN ra đi từ những vùng khó khăn của đất nước, nghề nghiệp không thạo, chủ yếu làm thợ xây cho  những công trình nhỏ của người bản xứ cũng như không hiểu biết về sự nguy hiểm của bệnh tật nơi xứ lạ, đã có nhiều trường hợp tử vong do sốt rét ác tính.

Chị Mai kiến nghị, cần phải quản lý chặt chẽ các công ty môi giới cũng như thông tin đầy đủ tới những người lao động để họ không rơi vào cảnh khốn cùng như vậy.

MỚI - NÓNG