Doanh nghiệp và lao động lên sàn: 'Đỏ mắt' tìm nhau

Doanh nghiệp và lao động lên sàn: 'Đỏ mắt' tìm nhau
TP - Trong phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hà Nội diễn ra ngày 10/9, hàng loạt doanh nghiệp đăng bảng quảng cáo tuyển dụng lao động phổ thông, nhưng kết cục ra về gần như tay trắng...

Ở Đồng Nai, Bình Dương, tình trạng khan hiếm lao động cũng trở nên phổ biến, căng thẳng. 

Doanh nghiệp và lao động lên sàn: 'Đỏ mắt' tìm nhau ảnh 1
Các bàn tuyển dụng lao động phổ thông vắng bóng ứng viên tìm việc

Hà Nội: Cần 500, được tám hồ sơ

Tại phiên giao dịch, để thu hút lao động các Cty, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều mức lương khởi điểm khá hấp dẫn.

Cty phụ tùng xe máy Goshi - Thăng Long cần tuyển 500 lao động phổ thông nam, tuổi từ 18 đến 40, lương khởi điểm 1.300.000đồng/ tháng. Cùng với các chế độ đãi ngộ như: trợ cấp ăn trưa 10.000 đồng/ bữa, trợ cấp chuyên cần 200.000 đồng/tháng, nâng lương một lần/ năm, thưởng ba lần/ năm. Nhưng kết thúc phiên giao dịch họ cũng chỉ nhận được tám hồ sơ đăng ký, thiếu 492 chỉ tiêu.

Chị Phạm Thị Hà, cán bộ phòng nhân sự - hành chính của công ty này dự tính, trong tám bộ hồ sơ này chưa chắc họ đã quay lại phỏng vấn đầy đủ.

Cũng chung cảnh ngộ như vậy, Cty liên doanh TNHH KFC Việt Nam cần tuyển 60 lao động phổ thông. Đến 11 giờ trưa, sau ba tiếng diễn ra phiên giao dịch, Cty chỉ nhận được 10 bộ hồ sơ đăng ký.

Còn Cty CP dịch vụ Sudico cần tuyển 50 nhân viên bảo vệ với tiêu chuẩn rất đơn giản, chỉ cần có sức khỏe tốt, tốt nghiệp PTTH trở lên, mức lương khởi điểm 1.700.000 đồng/tháng nhưng cũng tìm không đủ.

Với lao động phổ thông thì đây là số tiền không nhỏ, ngoài ra họ còn nhận được những chế độ đãi ngộ của Cty như cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, được đào tạo các khóa học nghề miễn phí, được tăng lương, đóng bảo hiểm…Thế nhưng, xem ra doanh nghiệp vẫn mỏi mắt tìm lao động.

Bà Vũ Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay Trung tâm chỉ tuyển được bốn phần trăm lao động phổ thông so với nhu cầu của các doanh nghiệp.

Đồng Nai: Tuyển không ra lao động

Đến sàn giao dịch lao động tháng Chín tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh Đồng Nai, hầu hết các Cty đều trương bảng tuyển lao động phổ thông.

Qua tám phiên tổ chức sàn giao dịch việc làm Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh Đồng Nai ghi nhận có 129 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp ở các sàn với tổng nhu cầu là 12.369 lao động (85,07 phần trăm là lao động phổ thông) thu hút trên 14.000 lượt người đến sàn, nhưng chỉ có 2.344 hồ sơ được nhận.

Mặc dù nhu cầu về lao động phổ thông rất lớn, nhưng đến sàn phần lớn lại là người lao động vừa tốt nghiệp các trường TCCN, dạy nghề, cao đẳng hay đại học.

Cty điện tử Việt Tường liên tiếp nhiều tháng có mặt tại sàn giao dịch việc làm, nhưng con số cần tuyển dụng tuyển 300 lao động phổ thông vẫn thường trực trên bàn tuyển dụng.

Cty TNHH Scancom đến từ tỉnh Bình Dương tham gia sàn giao dịch với lực lượng nhân viên hùng hậu bố trí tới ba bàn tuyển dụng chỉ với mục tiêu tuyển 260 lao động...

Ban tổ chức sàn giao dịch giới thiệu việc làm ghi nhận có trên 1.600 người đến sàn. Tuy nhiên, kết quả khá khiêm tốn, chỉ có trên 300 hồ sơ được các doanh nghiệp tuyển dụng.

Ông Nguyễn Quang, phụ trách nhân sự, Cty TNHH Scancom, cho biết: “Cty đã đến 11 tỉnh miền Tây Nam Bộ mà không tuyển được lao động. Tại sàn giao dịch tháng Tám, Cty tuyển được 70 lao động, ở đợt tuyển dụng này Cty đã nhận được 30 hồ sơ, như vậy là đã quá đạt yêu cầu”.

Ông Nguyễn Trung Việt, phụ trách tuyển dụng – nghiệp vụ của Cty Cổ phần may Đồng Nai, cho biết, Cty có nhiều đơn hàng đảm bảo việc làm cho từ nay tới cuối năm.

Vì vậy Cty tham gia tuyển dụng tại sàn giao dịch liên tiếp trong bốn tháng với số lượng đăng tuyển lao động phổ thông rất cao để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất và bổ trợ cho các vị trí còn thiếu tại các dây chuyền. Trong đợt tuyển dụng này Cty chỉ tuyển được khoảng gần 50 hồ sơ cho các vị trí văn phòng, bảo trì và công nhân kỹ thuật.

Doanh nghiệp và lao động lên sàn: 'Đỏ mắt' tìm nhau ảnh 2
Nhiều người đến tìm việc làm, nhưng doanh nghiệp tuyển không ra lao động

Nguyên nhân: Lương

Chị Trần Thị Lệ Thu quê ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa, cho biết ra Hà Nội từ mấy tháng nay rồi nhưng vẫn chưa tìm được việc phù hợp.

Theo chị, đối với lao động phổ thông, mức lương mà doanh nghiệp thỏa thuận so với mức sống ở quê thì quá ổn. Nhưng ở Hà Nội thì khác, mọi thứ đều đắt đỏ. Với mức lương 1.300.000 đồng - 1.500.000 đồng thì khó trụ nổi.

“Tôi đến đây hy vọng sẽ tìm được một việc làm ổn định. Dù nặng nhọc hơn cũng được, nhưng thu nhập khá hơn đủ để trang trải cuộc sống”, chị Thu cho biết.

Anh Nguyễn Văn Tơ, quê ở Mê Linh (Vĩnh Phúc) một trong những ứng viên hiếm hoi của lao động phổ thông đến tìm việc. Nhưng kết thúc phiên giao dịch anh cũng không tìm được việc vừa ý vì mức lương DN trả quá thấp.

Với lao động kỹ thuật cũng xảy ra tình trạng khan hiếm. Anh Nguyễn Văn Đức ở quận 9 - TPHCM, sau ba tháng lên sàn vẫn chưa tìm được doanh nghiệp nào vừa ý để nộp hồ sơ.

Anh Đức cho biết đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật và đang làm việc tại một Cty cơ khí nhưng muốn tìm việc mới tốt hơn. Tuy nhiên, công việc kỹ thuật đã ít, mà các doanh nghiệp đưa ra mức lương thấp.

Có mặt tại sàn giao dịch, chị Trần Ngọc Oanh ngụ tại huyện Trảng Bom đưa ra so sánh ba năm học cao đẳng tài chính, gia đình đã chu cấp hơn 100 triệu đồng, nhưng một số công ty đưa ra ở mức lương từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng là không tương xứng.

Hầu hết những người đến sàn giao dịch việc làm đều cho rằng, mức lương doanh nghiệp đưa ra là quá thấp, trong khi hầu hết người tìm việc đều có bằng nghề hoặc là có kinh nghiệm làm việc nhiều năm.

Một đại diện Cty Epic Designers giới thiệu thu nhập trung bình của lao động ở doanh nghiệp này khoảng 6 - 8 triệu đồng/người/tháng; tuy nhiên lương của một nhân viên mới tuyển dụng thì chỉ là 1,2 triệu đồng.

Anh Vũ Tiến Thanh ở TP.Biên Hoà, vừa tốt nghiệp đại học Kinh tế TPHCM `cho biết rất muốn tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành và được ở gần nhà, nhưng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phần lớn là tuyển dụng lao động phổ thông, nếu chấp nhận làm lao động phổ thông thì phải chịu nhận mức lương thấp.

Bà Vũ Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hà Nội, cho rằng các doanh nghiệp cần có những chính sách ưu đãi hợp lý, hấp dẫn hơn để thu hút lao động đến tìm việc.

Ngoài ra, doanh nghiệp và lao động cần thỏa thuận tìm tiếng nói chung. Cần có chính sách lương hấp dẫn hơn, thực hiện đầy đủ chính sách bảo hiểm xã hội để lao động yên tâm. Nếu không, tình trạng khủng hoảng thiếu lao động, nhất là lao động phổ thông sẽ còn tiếp diễn.

“Xây dựng niềm tin cho người lao động là việc làm rất cần thiết đối với các Cty, doanh nghiệp. Có như vậy may ra thị trường lao động phổ thông mới có dịp bình ổn trở lại”- Bà Thanh cho biết thêm.

Lao động nghèo đi XKLĐ được hỗ trợ 100 phần trăm phí đào tạo

Lao động các huyện nghèo sẽ được hỗ trợ 100 phần trăm phí học nghề, ngoại ngữ, tiền ăn, sinh hoạt phí là nội dung của Thông tư liên tịch số 31, hướng dẫn nguồn kinh phí thực hiện Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) vừa được Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính ban hành.

Theo đó, lao động (NLĐ) thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100 phần trăm phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức theo mức học phí được Bộ LĐ-TB&XH duyệt.

NLĐ cũng được hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học 40.000 đồng/người/ngày, tiền ở 200.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra còn có tiền trang cấp đồ dùng cá nhân, tiền tàu xe và được hỗ trợ chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các mức quy định hiện hành. 

Riêng với NLĐ thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số tốt nghiệp từ bậc tiểu học trở lên nhưng trình độ văn hoá chưa đáp ứng yêu cầu sẽ được bổ túc thêm văn hoá với thời gian học tối đa không quá 12 tháng. Học phí, tài liệu học tập, sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập được hỗ trợ toàn bộ.  

MỚI - NÓNG