Phát hiện mới của người đi tìm chứng tích Hoàng Sa

Phát hiện mới của người đi tìm chứng tích Hoàng Sa
TP - PGS-TS Lê Trọng (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Quốc tế học) sinh ra lớn lên ở đảo Lý Sơn. Trong chuyến về thăm quê, ông đã tìm kiếm được nhiều chứng tích quan trọng về chủ quyền  hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Những chứng tích về Hoàng  Sa của dòng họ Nguyễn Quang

Phát hiện mới của người đi tìm chứng tích Hoàng Sa ảnh 1
Cụ Nguyễn Sướng kể về chứng tích Hoàng Sa cho PGS Lê Trọng

Vừa từ đảo Lý Sơn trở về Hà Nội, trong căn phòng đầy sách vở, tài liệu, ông Trọng kể cho tôi nghe câu chuyện về chuyến thăm quê ấy bằng chất giọng Quảng Ngãi đặc sệt.

Hôm ấy, ông đến thăm cụ Nguyễn Sướng, 79 tuổi và ông  Nguyễn Hoàng Trọng  70 tuổi (ở thôn Tây, An Vĩnh) - họ là những hậu duệ của chiến sĩ Hoàng Sa Nguyễn Quang Tám.

Hai người đưa ông Trọng đến xứ mả Gò Việt ở thôn Tây, viếng mộ phần Hoàng Sa. Đến nơi, ông Trọng  nhìn thấy tấm bia mộ đã phai, trở màu vàng nhạt, nhưng những dòng chữ này vẫn còn rõ nét: "Đại - Nam mộ phần Hoàng Sa Hiến Cao Tổ Trần Lưu Quận Nguyễn Quang Tám Chí Ghi Thần Linh Mộ". Sau khi viếng mộ, câu chuyện mà cụ Sướng kể về chiến sĩ Hoàng Sa Nguyễn Quang Tám khiến ông Trọng mừng như bắt được vàng.

Nguyễn Quang Tám quê ở thôn Tất, xã An Hải,  huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ Tám là một chàng trai trẻ, khỏe mạnh, bơi lặn giỏi, chưa có gia đình. Theo lệnh Gia Long đệ nhị, mỗi chi phái của mỗi dòng họ lớn phải tuyển một người đi canh giữ quần đảo Hoàng Sa. Chàng trai Nguyễn Quang Tám được tuyển đi và đã hy sinh ở đó. Mộ Nguyễn Quang Tám ở thôn Tây là mộ chiêu hồn (mộ gió) - tạo hình người bằng đất sét. Chi phái họ Nguyễn luôn bảo vệ phụng thờ ngôi mộ gió này, hàng năm giỗ vào mồng 8 tháng Giêng (âm lịch).

PGS- TS Lê Trọng lấy ra một tập tài liệu bằng chữ Nho, đưa cho tôi xem và bảo: "Nhưng đây mới là chứng cứ đặc biệt có giá trị mà dòng họ Nguyễn Quang đã cung cấp cho tôi. Giấy này có nội dung bán đất của xã An Vĩnh để lấy tiền lo cho những người sung nhập vào Đội Hoàng Sa".

Phát hiện mới của người đi tìm chứng tích Hoàng Sa ảnh 2

Văn tự bán đất lấy tiền lo kinh phí  cho những người đi giữ đảo Hoàng Sa

Tôi nhìn kỹ tập tài liệu chữ Nho. Thời gian đã làm cho nét mực mờ đi, nhưng nhà giáo Dương Quỳnh nổi tiếng uyên thâm chữ Hán trên đảo Lý Sơn đã dịch nghĩa và tóm tắt nội dung như sau: "Giấy bán đoạn mai (bán đứt) đất của xã An Vĩnh.

Viên chức, hương chức họp tại đình làng đồng ưng làm văn khế bán đoạn đất của bổn xã cho vợ chồng Cai Hiệp (dòng họ Nguyễn Quang, xã An Hải) để lấy tiền lo sở phí cho những người dân sung nhập vào đội Hoàng Sa để đi ra giữ đảo.

Giá bán: Một trăm năm mươi quan theo thời giá. Giấy làm: Ngày 12, tháng 3 năm thứ 5. Viên chức, các chức đồng ký (có danh sách liệt kê).

Lá thư của huyện đảo Hoàng Sa

Trở về, PGS-TS Lê Trọng đem những tài liệu về chủ quyền Hoàng Sa mới phát hiện trao lại cho Ủy ban biên giới Chính phủ thuộc Bộ Ngoại giao. Thật đáng tiếc, đây chỉ là những bản photo vì khi PGS -TS Lê Trọng ra đảo Lý Sơn thì  bản gốc đã không còn. Dù vậy, Ủy ban Biên giới vẫn trân trọng đón nhận và lập biên bản bàn giao.

Ông Trọng còn viết thư cung cấp những thông tin về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cho Chủ tịch huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ và UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ngay sau đó, ông nhận được thư  phúc đáp của Chủ tịch huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ.

Phát hiện mới của người đi tìm chứng tích Hoàng Sa ảnh 3
PGS-TS Lê Trọng đọc thơ về Trường Sa

Thư viết: "UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng rất cảm kích và xin chân thành cảm ơn tấm lòng của ông đã hướng về Hoàng Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Như ông đã biết, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, nơi mà ông cha ta đã xây đắp nên, mọi công dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm gìn giữ cho hôm nay và mai sau. Thay mặt UBND huyện Hoàng Sa, tôi xin gửi lời cảm ơn ông đã cung cấp những thông tin quý báu về Hoàng Sa...".

Ông Trọng đọc  kỹ lá thư,  dòng chữ đỏ trên con dấu in hình Quốc huy "UBND huyện Hoàng Sa -TP Đà Nẵng" đã khiến cho nhà khoa học ở độ tuổi xưa nay hiếm này rưng rưng nước mắt.

Thay mặt cho UBND tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Nguyễn Hoàng Sơn cũng đã viết thư cho PGS- TS Lê Trọng trong đó: "Hoan nghênh và cảm ơn PGS-TS Lê Trọng. UBND tỉnh đã trao cho Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch nghiên cứu tư liệu này để góp phần củng cố thêm bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa".

Những chứng tích phi vật thể

Ông Trọng  đọc bài thơ viết trong những phút hoài niệm về quê hương Lý Sơn, về những mâm cỗ cúng vong linh binh lính Hoàng Sa, Trường Sa: "Lúc bé con nghe Cha cung thỉnh: Vong linh các binh lính Hoàng Sa; Hãy về hưởng huệ quê nhà Lý Sơn; Lớn lên học sử đơn sử kép; Đã dạy con khuôn phép nước nhà; Hoàng Sa của Tổ quốc ta; Cháu con phải giữ đừng sa nước người".

Ông Lê Trọng năm nay đã vào  tuổi 83 - cái tuổi dễ lẫn nhưng những ký ức  của người sinh ra lớn lên ở đảo Lý Sơn này vẫn không hề phai mờ theo năm tháng. Chất giọng Quảng Ngãi của ông có chút gì run rẩy khi hồi tưởng lại những gì liên quan đến mấy tiếng Hoàng Sa - Trường Sa.

"Theo truyền thống trên hòn Cù Lao Ré - quê tôi, nay là đảo Lý Sơn, khi tôi còn ở tuổi niên thiếu, cứ đến ngày rằm ngày Tết, ngày kỵ lạp, cha tôi đặt trên bàn ngoài sân xây ra hướng đông nam và hướng nam của biển Đông ngay trước nhà hai mâm cỗ rất thịnh soạn và khấn. Tôi chắp tay đứng sau lưng cha để lắng nghe lời khấn và bái lạy rất nghiêm chỉnh. "...Cung thỉnh vong linh binh lính Hoàng Sa, Trường Sa trong nhiều thế kỷ, vâng lệnh vua đi canh giữ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã vì nước bỏ mình về tọa hưởng lễ vật với tất cả lòng thành của gia đình chúng tôi".

Mỗi lần nghe cúng như vậy tôi lại nảy sinh vài thắc mắc, hỏi lại cha: Vong linh binh lính là  ai? Hoàng Sa và Trường Sa ở đâu, sao con không nhìn thấy? Các chú lính đi bằng cách nào? Đi bao nhiêu ngày thì đến? Đến ở đâu? Ăn uống bằng gì? Mỗi lần hỏi, cha tôi lại giảng giải từng ý nhỏ. Khi tôi đến tuổi đi học lớp đồng ấu, lớp dự bị, cha tôi lại  vừa đọc vừa giải thích và bảo tôi viết, học thuộc các câu ca : "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn; Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây".

Tôi lại hỏi: "Thưa cha, tại sao ở Hoàng Sa lại có chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây". Cha tôi diễn giải: Đó là của người thân ở đảo Lý Sơn sắm cho các chú binh lính mang theo người để sống thì nằm, chết thì bó chôn. Rồi cha tôi đọc tiếp: "Hoàng Sa đi có về không. Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi". Họ ra đi thì hầu hết là bỏ mạng! Vì đói, lạnh rồi bệnh mà chết, tội lắm con ơi. "Trường Sa trời biển mênh mông; Người đi thì có mà không thấy về; Trường Sa mây nước bốn bề; Tháng hai khao lề tế lính Trường Sa".  

Ông nói với tôi mà như đang độc thoại: "Nhớ xưa mà ngẫm đến nay. Từ thuở lên 5 lên 7, tôi đã nghe cha khấn, cha kể qua những mâm cúng vong lính Hoàng Sa, Trường Sa. Đến nay tôi đã 75 tuổi, nhưng vẫn in đậm trong trí nhớ và mãi mãi thuộc các câu ca về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là những chứng tích  - phi vật thể về chủ quyền của Tổ quốc ta đối với Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu".

Tài liệu về Hoàng Sa bị lừa lấy đi?

Trong lần gặp cụ Nguyễn Sướng trên đảo Lý Sơn, PGS-TS Lê Trọng được biết chuyện về những kẻ xấu đến đảo Lý Sơn lừa đảo chiếm đoạt các tài liệu quý.

Ông Trọng bức xúc: "Một số người ra đảo Lý Sơn nhiều lần mượn 25 tập giấy tờ (chữ Hán - Nôm) của dòng họ Nguyễn Quang, 23 tập tài liệu của dòng họ Trần Dự rồi lừa lấy hết, không trả lại. Đây là những văn bản vô giá của các triều đại phong kiến cấp cho thủy quân trên đảo Lý Sơn đã có công đi quản lý, canh giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc. Tôi đề nghị lập đoàn công tác đặc biệt ra Lý Sơn, đến các nhà thờ tộc các họ để làm rõ  tội trạng của số người xấu này".

Câu chuyện này thực hư thế nào? Nếu có thật, thì ai đã lừa để chiếm đoạt tài liệu về Hoàng Sa của các dòng họ? Lấy để làm gì? Tài liệu về Hoàng Sa đang ở đâu? Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để trả lời những câu hỏi này.

MỚI - NÓNG