Tạp chí Sông Trà, làm một số, nghỉ... 15 năm!

Tạp chí Sông Trà, làm một số, nghỉ... 15 năm!
TP - Hội Văn nghệ Quảng Ngãi kỷ niệm 20 năm thành lập. Cũng là một kỷ niệm đáng nhớ, ít nhất cho những người làm văn nghệ hay có “dính” vào văn nghệ ở cái tỉnh rất khó đoán định “chất văn nghệ” này.
Tạp chí Sông Trà, làm một số, nghỉ... 15 năm! ảnh 1
Nhà thơ Thanh Thảo (phải) và cựu phi công Mỹ Coburn tại khu chứng tích Sơn Mỹ

Tôi quê Quảng Ngãi, nhưng xa quê từ năm lên 8 tuổi. Sau giải phóng, từ Sài Gòn đi lang thang qua nhiều tỉnh thành rồi tôi cũng về được quê mình vào tháng 6/1975. Sau khi tách tỉnh, Ngãi về Ngãi năm 1989, tôi mới được về định cư ở chính mảnh đất quê hương mình.

Những tháng ngày đầu tiên về thị xã Quảng Ngãi, tôi phải ăn nhờ ở đậu tại báo Quảng Ngãi, còn trước đó, vợ tôi làm ở báo Quảng Ngãi lại phải ăn nhờ ở đậu tại nhà bác Nguyễn Trung Hiếu khi báo chưa có cả một cơ sở tạm.

Ngay trong những ngày ấy, Hội Văn nghệ Quảng Ngãi được thành lập. Tôi còn nhớ, người ký quyết định thành lập Hội Văn nghệ Quảng Ngãi và Ban Thường trực Hội là ông Võ Trọng Nguyễn, bấy giờ là Phó Bí thư trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Tôi vẫn còn giữ cái giấy quyết định ấy, để làm kỷ niệm. Trong quyết định có viết: “Điều 1: Nay thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi và chỉ định Ban Thư ký lâm thời gồm các đồng chí có tên sau đây:

1) Thanh Thảo, nhà thơ, Tổng thư ký

2) Nguyễn Thế Kỷ, nhà viết kịch, Phó Tổng thư ký

3) Nguyễn Trung Hiếu, nhà thơ, ủy viên thường trực”

Thấy cũng…oai ra phết, tự nhiên, chẳng có đại hội hay bầu bán gì, mình cũng được làm Tổng Thư ký (bây giờ gọi là Chủ tịch đấy).

Công việc đầu tiên mà chúng tôi quyết làm là ra tạp chí của Hội. Trong một dịp đi Hà Nội, tôi đưa ý định xin ra tạp chí bàn với bạn bè văn nghệ ở Hà Nội, ai cũng tán thành và ủng hộ. Nhưng khi hỏi làm sao ra tạp chí nhỉ, thì chỉ một ông bạn trả lời được: phải có giấy phép của Cục Xuất bản Bộ Văn hóa.

May quá, lúc đó trong túi tôi có sẵn mỗi một tờ giấy khống chỉ có đóng dấu của Hội Quảng Ngãi, tôi phải viết nháp cái đơn xin xuất bản tạp chí gửi Cục Xuất bản, rồi cậy bạn vàng Nguyễn Trung Đức đem đến Viện Văn học nhờ đánh máy thẳng vào tờ giấy khống chỉ. Có đơn xin rồi, phải gặp người mình gửi đơn nhờ giúp chứ! Lại may, tôi có quen anh Lưu Văn Hân, lúc ấy hình như là Cục trưởng hay Cục phó gì đó của Cục cấp giấy phép xuất bản.

Anh Hân tuy là quan chức nhưng hay chơi với anh em văn nghệ chúng tôi. Thế rồi, chỉ một thoáng giấy phép đã có, Cục cho in một tháng/số luôn, nhưng chúng tôi nói khả năng và tiền bạc không cho phép nên chỉ dám in hai tháng/số. Ngờ đâu, mới ra được số 1, xong là... toi.

Tạp chí lấy tên “Sông Trà” - con sông mang hồn vía của đất và người Quảng Ngãi. Số 1 lại là số kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ (năm 1990), trùng dịp UNESCO chọn kỷ niệm  “Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa thế giới”. Bài vở trong Sông Trà số 1 dành đậm cho chủ đề lớn này, với nhiều bài viết rất hay, cả những tư liệu mới.

Những bài vở khác cũng rất tốt, ấy là theo tôi và anh em trong ban biên tập nhận xét. Chúng tôi xin được kinh phí in ấn, và huy động anh em, cả hội viên và chưa hội viên, chạy... quảng cáo. Được kha khá, dù tiền quảng cáo hồi ấy rất ít, chúng tôi tính tiền nhuận bút số này không hẻo. Quả thật như thế. Trừ một điều, chẳng ai ngờ, chẳng ai dự đoán, nhưng đã xảy ra...

Để có bài vở, tôi nhờ anh Nguyễn Thụy Kha và anh Nguyễn Trung Đức làm đại diện (không phụ cấp) cho Sông Trà tại Hà Nội. Anh Kha có trách nhiệm liên lạc để “xin chữ” của bác Phạm Văn Đồng. Qua anh Năng là thư ký riêng của bác Đồng, anh Kha đã được bác Đồng tiếp tại Thủ tướng phủ. Nhà thơ Việt Phương đã rất nhiệt tình thảo bức thư bác Đồng gửi văn nghệ sĩ Quảng Ngãi và tạp chí Sông Trà với nhiều lời căn dặn và chúc mừng tốt đẹp nhất. Bức thư đã được đăng trang trọng trên trang nhất tạp chí Sông Trà.

Phần tôi, vốn rất hâm mộ giáo sư - nhà vật lý Nguyễn Hoàng Phương, và có quen ông từ hồi còn học sơ tán tận Đại Từ (Thái Nguyên), lại biết ông đang nghiên cứu sâu về trường sinh học, tôi tìm đến nhà ông để chuyện trò và làm bài phỏng vấn. Cứ ngỡ, với thành tâm thiện ý như thế, với bức thư tâm huyết của bác Phạm Văn Đồng như thế, tạp chí Sông Trà sẽ được sự ủng hộ từ nhiều phía. Tạp chí Sông Trà số 1 in ở TPHCM, khổ nhỏ, chỉ hơn trăm trang, nhưng do hồi đó kỹ thuật in còn lạc hậu nên tiêu tốn khá nhiều thời gian.

Cuối cùng thì cũng xong. Nhưng làm sao đưa tạp chí về Quảng Ngãi để phát hành trước ngày sinh nhật Bác Hồ? Tôi và Kha đang loay hoay thì tình cờ được gặp một người bạn giang hồ cùng quê tình nguyện lái xe con (tay lái nghịch) đưa chúng tôi và 1.000 bản tạp chí Sông Trà về Quảng Ngãi. Tạp chí Sông Trà được phát hành trọn vẹn, được rất nhiều lời ngợi khen, nhuận bút trả rất khá so với mặt bằng nhuận bút hồi ấy…

Nhưng rồi… Mấy hôm sau, tôi nhận được giấy mời dự một cuộc họp do Ban Tuyên huấn tỉnh chủ trì về những nội dung trong tạp chí Sông Trà. Tôi ngạc nhiên, không rõ “những nội dung trong tạp chí” là những nội dung nào? Nhưng chấp hành nghiêm chỉnh lệnh cấp trên, tôi đến dự họp. Anh em khuyên tôi nên mang theo máy ghi âm, đề phòng có chuyện đôi co. May quá, tôi có nhiều bạn bè làm báo nên mượn hẳn... hai máy ghi âm luôn, cho chắc! Cuộc họp mà trước đó tôi không thể hình dung, hóa ra gay cấn thật. Nó kéo dài nguyên một ngày, với khách mời tham dự tới vài chục người. Bên “bị đơn” lại chỉ có mình tôi, vừa Tổng thư ký Hội, vừa chịu trách nhiệm xuất bản tạp chí.

Cả ngày tôi bị “gõ” tới số luôn! Dường như, bài nào trong tạp chí Sông Trà số 1 cũng bị đưa ra phân tích, và bài nào cũng “có vấn đề”. Tôi kiên nhẫn giải thích, giải trình, kể cả “bình văn” “bình thơ” luôn giữa cuộc họp để chứng minh những tác phẩm in trong Sông Trà không có gì sai quấy, chỉ vì văn học thường hay ẩn nghĩa hay đôi khi đa nghĩa nên dễ bị hiểu nhầm thôi! Nhưng vị Trưởng ban Tuyên huấn lại nói: Đa nghĩa phải chăng là... biểu tượng hai mặt ? Là... nhân văn giai phẩm...” gì gì đó. “Điều đó thật nguy hại!”, vị Trưởng ban kết luận nghiêm khắc. Tôi lễ phép thưa lại: “Tôi không nghĩ bài thơ của tôi hay của anh Nguyễn Thụy Kha (có tên “Hà Nội ngũ hành”) là biểu tượng hai mặt. Nếu có biểu tượng, nó phải là biểu tượng... sáu mặt (sặc máu, nói lái theo giọng Quảng Ngãi) kia! Cả hội nghị cười ầm, không khí tự nhiên dịu xuống.

Nhưng không thể dùng giọng hài hước bông đùa trong một cuộc họp nghiêm trọng như thế này mà “qua truông” được đâu! Tôi vốn dễ cười, và cũng rất hay chọc cười, nhưng với “cuộc họp một ngày” này thì quả thật, cười hết nổi. Buổi trưa tạm nghỉ ăn cơm, tôi vừa ra khỏi Tỉnh ủy thì đã thấy mấy chú em làm báo đứng lớ ngớ ngoài cổng chờ, trên tay một chú còn có... bó hoa (?). Tặng tôi? Đúng rồi, tặng anh! Thật mát cả lòng cả ruột! Những lúc thế này mới thấy tình cảm anh em chí thiết là quí biết bao.

Buổi chiều, vị Trưởng ban tuyên đọc bức thư (thứ hai) của bác Phạm Văn Đồng. Tôi nghe, và hiểu bức thư này không phải do nhà thơ Việt Phương, một người tôi rất quí mến và ông cũng rất quí mến tôi, thảo ra.

Vì bức thư này khác hẳn so với bức thư thứ nhất đã được in trang trọng trên tạp chí Sông Trà. Bức thư với giọng phê phán khá nghiêm khắc tạp chí Sông Trà (vừa mới in xong, mới phát hành chỉ ở địa phương Quảng Ngãi) khiến tôi không thể hiểu vì sao bác Đồng có ngay được tạp chí này? Nhưng may mắn, bức thư cũng chỉ nói chung, không đi vào sai phạm của bất cứ tác phẩm cụ thể nào trong tạp chí, nên được hội nghị coi như một lời cảnh báo của lãnh đạo cao cấp.

Tôi hân hoan chấp hành, và lễ phép thưa lại để hội nghị thông cảm, do trình độ có hạn nên tạp chí mới in số đầu có một vài sơ sót, nhưng nói chung là rất tốt. Một số ý kiến đại biểu dự cuộc họp cũng đồng tình với tôi, rằng tạp chí hay thì thật là hay, nhưng xem ra cũng sai sót đắng cay thế nào.

Tôi chấp nhận, xin hội nghị một chữ đại xá để in tiếp Sông Trà số 2. Chủ tọa nói ý kiến của tôi sẽ được nghiên cứu xem xét sau. Tôi phấn khởi ra về. Ngờ đâu, tạp chí Sông Trà, như con sông mà nó mang tên, mãi mãi dừng ở số... 1.

Sau đúng ... 15 năm (1990-2005), bằng thời gian lưu lạc của cô Kiều, tạp chí Sông Trà mới được “tái xuất giang hồ” ra mắt lại bạn đọc trong tỉnh Quảng Ngãi. Lần này, tạp chí vẫn đi từ số...1, nhưng đã kéo được tới số 25 mới bị trục trặc. Nay sắp ra tiếp số 26. Cuối cùng, phúc vẫn “lai”!

Quảng Ngãi,  11/09/2009

MỚI - NÓNG