Tiền tỷ 'rơi' xuống đầu nông dân - Kỳ 2: Thất nghiệp

Tiền tỷ 'rơi' xuống đầu nông dân - Kỳ 2: Thất nghiệp
TP - Hết cảnh hớn hở mặc sức mua sắm, xây nhà tậu xe – nhiều nông dân bắt đầu chuyển sang mối lo: thiếu việc làm, con cái hư hỏng, làng xóm chẳng được bình yên như trước nữa…

>> Kỳ 1: Muôn kiểu tiêu tiền

Tiền tỷ 'rơi' xuống đầu nông dân - Kỳ 2: Thất nghiệp ảnh 1

Người nông dân đứng tuổi ở xã Kỳ Phương này bắt đầu biết chơi bi - a kể từ khi có tiền đền bù - Ảnh: N.Hà

Giữa tháng 8/2009, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Hòa. Di ảnh anh Hòa phủ vải lặng lẽ trong gian nhà chính. Anh Hòa, sinh năm 1986 ở xóm Hòa Sơn (xã Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bị tai nạn xe máy trong một lần chở hai người bạn đi chơi. Cả ba đâm vào đống đá ven đường và chết tại chỗ.

Nhà anh Hòa không thuộc diện khá giả. Bố mẹ anh quanh năm quen với việc làm nông, chắt bóp nuôi năm đứa con. Hòa là con thứ ba trong gia đình. Khi có tiền đền bù, gia đình mua cho anh cái xe máy cho bằng bạn bằng bè. Ai ngờ xảy ra chuyện đau lòng ấy.

Anh Lê Văn Vỹ sinh năm 1972 cũng ở xã Kỳ Phương, sau khi đền bù cũng mua ngay chiếc xe máy mới. Anh Vỹ phóng va vào ô tô chết tại chỗ, để lại vợ và ba đứa con thơ. Cháu lớn 11 tuổi học lớp sáu, cháu bé 4 tuổi. Trước đây, vợ chồng anh chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng, nay bị thu hồi hết đất, vợ anh đang chưa biết làm gì để sinh nhai.

Ông Hoàng Xuân Huynh – Trưởng Công an xã Kỳ Phương, cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, có sáu vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết bốn người và 16 người bị thương nặng, số người chết và bị thương đều ở tuổi từ 18 đến 35 và đều bị tai nạn khi điều khiển xe máy.

Ông Huynh cho biết, cùng với một số quán nhậu mọc lên thì tình trạng thanh niên tụ tập nhậu nhẹt, gây sự đánh nhau cũng nhiều hơn trước.

Nhàn cư vi bất thiện

Cùng với khoản lớn đền bù do thu hồi đất ruộng, đợt một toàn xã Kỳ Phương (huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) có 2.554 người trong độ tuổi lao động không có việc làm được hỗ trợ đào tạo nghề với tổng tiền 12,77 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi người dân trong độ tuổi lao động được hỗ trợ năm triệu đồng để học nghề.

Hiện, xã Kỳ Phương số người trong độ tuổi 18 đến 55 toàn xã có 2.535 người, thanh niên trong độ tuổi 18 - 35 có 1.500 người đang thất nghiệp, dự án không có chỉ tiêu tuyển dụng lao động với ngành nghề cụ thể nên họ hoang mang không biết chọn ngành nào để học.

Tuy nhiên, cầm năm triệu đồng trên tay, nhiều hộ không biết xoay xở thế nào để có nghề thay cho việc làm ruộng.

Anh Nguyễn Văn Thành hiện làm bảo vệ cho một Cty ở Cảng Sơn Dương cho biết: một số thanh niên xã anh được giới thiệu đi học trung cấp ngành hàn, xì với lời hứa sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận làm việc tại Cty luyện thép ở Cảng Sơn Dương. Nhưng khi họ tốt nghiệp rồi, Cty lại trả lời là giá thép giảm, chưa cần thêm nhân công.

Sau đợt nhận tiền đền bù, nhiều thanh niên đi làm ăn xa được bố mẹ cho gọi về nên số thanh niên thất nghiệp hiện đang tập trung ở quê khá đông.

Phụ nữ làm nông, xưa nay luôn tay luôn chân công việc đồng áng, từ khi đất ruộng, đất vỡ hoang bị thu hồi, hầu hết họ chẳng biết làm gì, chỉ ngồi không.

“Tụi tui ở nhà nấu cơm sáng rồi lại nấu cơm trưa, không biết mần chi. Không có ruộng năm sau không biết lấy chi ăn" - Bà Nguyễn Thị Thương, xóm Quyết Tiến than thở.

Một số hộ sau khi nhận tiền đền bù chuyển sang buôn bán nhỏ lẻ như mở quán bia, bánh kẹo, hàng ăn… Tuy nhiên, theo cách nói của ông Lê Công Diến, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phương, thì ở địa phương này đang xảy ra tình trạng hai nhà một quán, vợ bán chồng mua.

Bài toán giải quyết việc làm cho người dân đang làm đau đầu các nhà quản lý địa phương. Ông Lương Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thịnh, cho biết: Trước khi dự án về đến dân, Sở LĐ - TB&XH tỉnh, Phòng Lao động huyện Kỳ Anh đã về tuyên truyền, định hướng cho người dân đi học nghề ở các trường trung cấp của tỉnh, với các nghề như hàn xì, điện, lạnh… số này sau khi tốt nghiệp có thể quay lại Cảng Sơn Dương phục vụ cho khu công nghiệp mới.

Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng có thể đi học nghề, vì không ít người lớn tuổi. Hơn nữa, khu công nghiệp đang trong quá trình giải tỏa, xây dựng, chưa biết họ có chỉ tiêu ngành nghề cụ thể gì, khiến người dân hoang mang không dám đầu tư cho con học, nhất là khi một số thanh niên trên địa bàn đi học nghề nhưng hiện vẫn đang thất nghiệp ở nhà.

Việc giải quyết việc làm cho dân, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phương Lê Công Diến cho rằng, chính quyền trở tay không kịp. Theo lời ông Diến, ngày 17/7/2008 xã nhận được chủ trương dự án khởi công xây dựng tại địa bàn và xã yêu cầu nông dân dừng mọi hoạt động xây dựng. Kỳ Phương lại là xã bị thu hồi nhiều đất nhất, nên đảng ủy xã vẫn chưa định hướng cho dân phải làm gì.  

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.