Nghệ An: Lúa mất mùa, giáo dục hệ lụy

Nghệ An: Lúa mất mùa, giáo dục hệ lụy
TP - Mất mùa trên diện rộng, nhiều gia đình nông dân ở Nghệ An nước mắt kêu trời khi con em họ bước vào năm học mới phải đóng góp nhiều khoản lệ phí.

Không ít trường hợp học sinh, sinh viên con em nông thôn có nguy cơ phải nghỉ học, vì hoàn cảnh gia đình không thể chu cấp nổi.

Nghệ An: Lúa mất mùa, giáo dục hệ lụy ảnh 1
Nông dân mất mùa lúa, ảnh hưởng đến việc học của con cái

Trong căn nhà xiêu vẹo, chị Hương, người xóm Phúc Thọ, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An than thở: Nhà có ba mẹ con, từ trước tới nay chị Hương chỉ có ba sào ruộng khoán, tần tảo nuôi hai đứa con  suốt mười hai năm trời ăn học, với chị thế là một nghị lực ghê gớm lắm.

Vừa qua cháu Loan, con gái thứ hai của chị còn thi đậu vào trường ĐH Thương mại. Chạy vạy khắp nơi vẫn chưa mượn nổi hai triệu đồng để cho con gái ra Hà Nội nhập học. Thương con, chị chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Khi con gái đi cũng  là lúc quê nhà bước vào mùa gặt mới. Nhưng khổ nỗi, ba sào ruộng khoán của chị Hương năm nay xem như mất trắng. Mấy mùa trước còn thu về được hơn tấn lúa, vụ hè thu này vớt vát chỉ được vài ba tạ.

Ngày 24/9, thông tin từ ngành nông nghiệp Nghệ An cho biết, Bộ Tài chính đã đồng ý hỗ trợ Nghệ An 4 triệu đồng/ha lúa bị dịch bệnh, tổng số  tiền là 14 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ tỉnh 8 tấn thuốc bảo vệ thực vật.

Rồi đây không biết lấy gì để chu cấp cho con gái đang nuôi giấc mơ đại học suốt bốn năm trời ở giữa đất Thủ đô. Chị Hương nghẹn nghào: “Kiểu này con gái tui phải bỏ học giữa chừng mất thôi”. 

Anh Chu Văn Nghiêm, trú tại xóm 12 B, xã Phúc Thành, Yên Thành còn có hoàn cảnh bi đát hơn: Hai vợ chồng chỉ biết bám đồng, bám ruộng để nuôi ba đứa con ăn học. Trong khi đó chị Phan Thị Lan vợ anh bị bệnh tim triền miên  hai mươi năm nay.

Chỉ vì hoàn cảnh gia đình mà cậu con trai thứ hai Chu Mạnh Sơn từng đỗ ba trường ĐH (ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Y khoa Huế, ĐH Thủy sản Nha Trang) nhưng học giữa chừng phải bỏ về quê theo học trường Cao đẳng Y tại tỉnh nhà.

Khó khăn chồng chất  khó khăn. Ngoài Sơn, anh Nghiêm còn phải chu cấp cho cô con gái đầu Chu Thị Oanh hiện đang học một trường dạy nghề ở miền Nam và Chu Mạnh Tuấn, con trai út đang học nghề ở quê.

Mỗi tháng ít nhất cũng mất hơn ba triệu đồng cho các con ăn học. Điều đáng nói, ngoài năm sào ruộng khoán, anh Nghiêm không còn biết bấu víu vào đâu  để kiếm sống và nuôi các con đi học. Nhưng  vụ mùa năm nay, diện tích lúa của anh Nghiêm cũng như bà con trong vùng bị sâu hại gây mất mùa nặng.

Không ít giáo viên trên vùng quê lúa Yên Thành than thở, mất mùa lúa trên diện rộng không những gây khó khăn đối với cuộc sống bà con nông dân, mà tình trạng này còn hệ lụy đến cả giáo dục.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thọ, trường THCS Mã Thành, Yên Thành cho biết: Đúng thời điểm này, như mọi năm các khoản phí đóng góp đầu năm các em học sinh ở đây đã hoàn thành đầy đủ, nhưng năm nay do, vụ mùa thất bát nên việc thu phí hết sức khó khăn. Trong khi đó, tổng các khoản thu đầu năm học mỗi em là 400.000 đồng là khá cao so với nhiều năm trước.

Loạn phí đóng góp

Theo tìm  hiểu của phóng  viên Tiền  Phong, bước vào đầu năm học này  một số trường học ở Nghệ An có tình trạng loạn các khoản thu đối với học sinh.

Một số phụ huynh học sinh trường THPT Tân Kỳ 1 bức xúc, chưa năm nào ở  ngôi trường  này  lại có nhiều khoản thu đối với học sinh như thế.

Có ít nhất 13 khoản đóng góp bao gồm: xã hội hóa giáo dục 200.000 đồng, bảo hiểm y tế 157.000đ, y tế học đường 35.000đ, bảo hiểm thân thể  30.000đ, mua quần áo đồng phục 180.000đ, hội phí 25.000đ, quỹ đoàn 25.000đ, gửi xe đạp 40.000 đồng, quỹ khuyến học 10.000 đồng, bảo vệ, điện nước, vệ sinh 30.000 đ, Hội khỏe Phù đổng các ấp 10.000đ, tiền học thêm nếu lớp chuyên 630.000đ, lớp thường 540.000đ, học phí đối với khu vực thị trấn 322.000đ, khu vực một 237.000đ, khu vực hai 142.000đ.

Tổng số tiền các em học sinh phải đóng góp từ 1.469.000đ đến 1.692.000đ.

MỚI - NÓNG