Vệ sinh thực phẩm: Lắm mối, rối bời

Vệ sinh thực phẩm: Lắm mối, rối bời
TP - “Không nên phân chia việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho ba Bộ vì dẫn đến sự chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm”.
Vệ sinh thực phẩm: Lắm mối, rối bời ảnh 1
Buôn bán thực phẩm tươi sống ngay cạnh đống rác - thật khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Ông Nguyễn Nam Vinh - Chủ nhiệm Hội bảo vệ người tiêu dùng phía Nam cho biết tại Hội thảo dự luật an toàn thực phẩm diễn ra ở TPHCM ngày 25/9.

Theo ông Vinh, việc xây dựng Luật là cần thiết vì tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm đáng báo động và ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhưng để Luật đi vào đời sống cần có sự chỉ đạo, điều hành của một cơ quan chuyên trách được giao với đầy đủ quyền lực và trách nhiệm rõ ràng.

Tuy nhiên, theo ông Vinh để Luật từng bước đi vào đời sống, trước mắt Luật nên hướng vào vấn đề cụ thể như cung cấp thực phẩm tại siêu thị, các thành phố lớn, cung cấp thực phẩm ở bếp ăn tập thể, bệnh viện, trường học...

“Đây là những nơi dùng số lượng lớn thực phẩm, thường xảy ra ngộ độc do không kiểm soát được thực phẩm, vì vậy những nơi này Luật cần phải thực thi nghiêm minh”- Ông Vinh đề nghị.

Vấn đề quản lý chồng chéo giữa các Bộ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Công Khẩn- Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết hiện ba Bộ là Y tế, Bộ NN-PTNT và Công Thương quản lý nhưng vẫn còn tồn tại khoảng trống.

“Ví dụ như sữa, đồ uống, sản phẩm chế biến từ đậu nành là những thực phẩm nguy cơ cao theo Điều 14, Nghị định 163 sẽ do Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở nhưng Bộ Công Thương lại quản lý quá trình sản xuất của cơ sở nên khi cấp giấy cũng khó khăn”- đại diện Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho biết.

Trong khi thịt và sản phẩm thịt có nguy cơ cao do Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận cơ sở thì Bộ NN-PTNT quản lý quá trình sản xuất và quản lý thú y.

Ngoài chồng chéo, lỗ hổng nữa là đến nay chưa có Bộ nào quản lý cụ thể đối với cơ sở liên doanh, 100 phần trăm vốn nước ngoài, tư nhân sản xuất chế biến rượu bia...

Theo ông Khẩn, hiện không có bộ nào quản lý về kiểm dịch thực phẩm đối với các sản phẩm thực vật nhập khẩu vào Việt Nam. Có chăng chỉ có Bộ Y tế kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Theo ông Vinh, nên nghiên cứu đưa quản lý dược và thực phẩm vào một mô hình có thể cơ quan ngang Bộ do một Phó Thủ tướng đứng đầu chịu trách nhiệm điều hành.

Ngoài vấn đề quản lý thực phẩm, nhiều đại biểu cũng băn khoăn vấn đề hàng rong, quảng cáo thực phẩm, công tác thanh kiểm tra và việc nhập khẩu thực phẩm.

Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - GĐ Trung tâm Đào tạo và Phát triển sắc ký TPHCM vấn đề kiểm nghiệm thực phẩm cũng gây tranh cãi thời gian qua.

“Hiện chỉ có một số ít phòng kiểm nghiệm trong nước đạt tiêu chuẩn với đầy đủ thiết bị đặc thù cho những phân tích độc chất thực phẩm và môi trường dưới dạng vi lượng.

Vì thế, nhà nước cần nhanh chóng xã hội hóa hơn nữa công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa, tận dụng các phòng kiểm nghiệm hiện đại ngoài đơn vị chức năng, kể cả phòng kiểm nghiệm tư nhân nếu chứng minh được khả năng kiểm nghiệm tốt, đạt chuẩn”- GS Chu Phạm Ngọc Sơn đề nghị.

MỚI - NÓNG