Việt Nam luôn thua trên thị trường gạo quốc tế:

Trăm tỷ đồng vẫn không có giống quốc gia

Trăm tỷ đồng vẫn không có giống quốc gia
TP - Gạo Việt Nam luôn thua thiệt trên thị trường quốc tế. Giá xuất khẩu trong nhiều năm qua luôn thấp hơn gạo Thái Lan và, đáng báo động, khoảng cách này ngày càng lớn.
Trăm tỷ đồng vẫn không có giống quốc gia ảnh 1
Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long

Trao đổi với Tiền Phong, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, cho rằng, Bộ NN&PTNT đã đầu tư cả trăm tỷ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học nhưng không ra được những giống lúa quốc gia, khiến chất lượng gạo Việt Nam thua kém Thái Lan, đồng nghĩa giá gạo xuất khẩu luôn thấp.    

Vậy theo Giáo sư, chúng ta không có giống lúa quốc gia là do đâu?

Muốn có gạo chất lượng, việc đầu tiên là phải chọn tạo giống mới. Yếu tố giống là quyết định. Thái Lan xuất khẩu gạo đi khắp thế giới chỉ bằng hai giống lúa là Khao- đắc- mali và Jasmin. Các nhà khoa học Thái Lan chỉ tập trung nghiên cứu, cải tiến hai giống này để có chất lượng gạo tốt nhất. Do vậy, gạo xuất khẩu của họ giá luôn ở mức cao.

Trong khi đó, các nhà khoa học Việt Nam có rất nhiều đề tài, hàng chục bộ giống ra đời nhưng không giống nào đạt tầm quốc gia.

Những năm gần đây, chúng ta chủ yếu đi khai thác công nghệ. Tiến hành nghiên cứu thì giống lúa của Việt Nam không ra được đồng ruộng trên diện rộng. Nguyên nhân do chúng ta sai ngay từ cách đặt đề tài, rồi đến cách tổ chức thực hiện.

Phần lớn đề tài do các nhà khoa học tự đề xuất, hội đồng khoa học xét duyệt rồi làm. Do không xuất phát từ nhu cầu của thị trường nên các đề tài này manh mún, chỉ đơn thuần là ý tưởng đơn lẻ.

Tiền đề tài được chia đều cho mỗi đơn vị 1- 2 tỷ đồng. Việc đặt hàng không tập trung và không ai chịu trách nhiệm. Các viện nói, được đầu tư 1- 2 tỷ đồng thì chỉ ra được những giống thế thôi.

Như vậy là viện nào cũng nhận đề tài về lúa, mà không có đầu tư trọng điểm, thưa Giáo sư?

Viện nào cũng có cán bộ làm lúa, từ Viện Di truyền, Viện Nông hóa Thổ nhưỡng đến Viện Bảo vệ Thực vật. Dẫn đến, không tập trung được nguồn nhân lực.

Phòng thí nghiệm trọng điểm về Công nghệ sinh học nằm ở Viện Di truyền, thiết bị hiện đại nhưng không phát huy hiệu quả. Các viện khác cũng đầu tư phòng thí nghiệm nhưng không được tận dụng. Thể chế tài chính thì cứng nhắc, chủ nhiệm đề tài không được chủ động trong chi tiêu.

Tiền tỷ rơi vãi

Đó phải chăng là nguyên nhân dẫn đến chương trình giống cây trồng đầu tư hàng trăm tỷ đồng mà Việt Nam vẫn không có những giống lúa quốc gia.         

Việc tổng kết, đánh giá lại Chương trình Giống cây trồng, vật nuôi của Bộ NN&PTNT chưa khách quan, chưa công khai, khoa học. Thời gian đầu, Hội Giống cây trồng có tham gia đánh giá, một số nhà khoa học được mời phản biện. Nhưng sau này việc tổng kết không rõ, thậm chí, mời họp họ cũng không mời.

Nguyên tắc khi tổng kết một chương trình lớn như vậy, phải có phản biện độc lập từ cơ quan ngoài nhà nước. Chứ hiện nay bản thân mấy anh cán bộ nhà nước ngồi đánh giá nhau. Cục, vụ xuống đánh giá kết quả của viện thì khác nào mình khen mình hay. Chính vì hạn chế này mà tiền nhà nước mất, mà tật vẫn còn.

Hàng năm, Bộ NN&PTNT đầu tư mấy chục tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu giống mới nhưng cứ vụn vặt, cái gì cũng làm nhưng cuối cùng không có sản phẩm quốc gia. Vụ KH,CN&MT quản lý các đề tài. Còn Cục Trồng trọt thì ra quyết định công nhận giống. Trong khi, vai trò phản biện của các Hiệp hội trong việc công nhận giống hầu như không được nhắc tới.

Thái Lan chỉ có hai loại giống mà vẫn sản xuất rất tốt để xuất khẩu. Việt Nam thì có hàng chục bộ giống nhưng không bằng họ?

Chính do chúng ta đặt hàng sản phẩm quốc gia không rõ ràng. Khi công bố một giống mới, anh nào cũng nói của mình tốt, có thể thay thế Khang Dân, Q.5. Nhưng thực tế chưa đạt được tầm đó. Thái Lan đầu tư theo chiều sâu chứ không chạy theo đề tài như ở ta. Thật lạ là, không ai kiểm tra xem các viện nghiên cứu ở Việt Nam đang làm gì.

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) hình thành bởi 12 viện con gộp lại với hơn 2.000 nhà khoa học. Tiền lương trả hàng tháng cho đội ngũ này bao nhiêu? Cái chính là nhà nước không đặt hàng và yêu cầu những nhà khoa học này phải có những giống tầm quốc gia. Các viện chạy theo đề tài cũng rất khổ sở nhưng sản phẩm lại không ra.   

Vậy nếu nhà nước đặt hàng 10- 15 tỷ đồng cho một giống lúa có chất lượng gạo ngang bằng Thái Lan, liệu các nhà khoa học Việt Nam có dũng cảm nhận không, thưa Giáo sư?

Theo tôi thì sẽ có nhóm nhà khoa học đứng ra nhận làm. Nhưng vấn đề là phải có thể chế tiền tươi. Điều này được hiểu là chủ nhiệm đề tài được tự chủ hoàn toàn trong hoạt động tài chính.

Nhà nước đặt hàng sản phẩm và chỉ quan tâm đến cuối cùng có được giống lúa quốc gia không. Ví như, nhà nước đầu tư 2 triệu USD và yêu cầu có được một giống lúa, còn anh tiêu tiền thế nào là tùy anh. Còn ở ta, tiền đề tài đi từ trên xuống dưới bị rơi vãi dần, đến cán bộ nghiên cứu thực tế thì rất ít.

Chúng ta nói có thể thuê chuyên gia nước ngoài để làm đề tài nghiên cứu. VAAS đã thuê một chuyên gia Việt kiều Úc nhưng không có cơ chế để trả lương, nên thuê một thời gian rồi thôi. Nói rất dễ nhưng đi vào triển khai cụ thể là vướng hết.

Cám ơn Giáo sư.

Hà Nhân
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.