Vì sao số ca tử vong do cúm A/H1N1 tăng cao?

Vì sao số ca tử vong do cúm A/H1N1 tăng cao?
Chỉ trong gần một tháng qua, số người mắc cúm A/H1N1 từ trên 2.900 ca tăng lên trên 8.200 ca, thêm 11 người tử vong. Tình trạng trên khiến nhiều người lo lắng.
Vì sao số ca tử vong do cúm A/H1N1 tăng cao? ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Trinh Quân Huấn. Ảnh: Tuổi Trẻ 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trinh Quân Huấn cho biết:

- Liên quan đến công tác giám sát, Bộ Y tế đang sửa lại hướng dẫn về giám sát để phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Chúng tôi dự kiến những tỉnh thành có số ca bệnh nhiều như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai... thì chủ yếu triển khai điều trị ngay từ tuyến huyện, việc giám sát, phát hiện, xét nghiệm giảm đến mức tối đa.

Những địa phương có số mắc dưới 100 ca, giám sát tập trung vào học sinh ở các trường học, chùm ca bệnh, nơi nguy cơ cao. Còn sáu tỉnh phía Bắc chưa có người mắc mới giám sát như hiện nay.

Việc kiểm dịch ở các cửa khẩu lớn, sân bay, đường bộ vẫn được tiến hành để không chỉ phòng chống dịch cúm A/H1N1 mà còn các dịch bệnh khác như dịch hạch, dịch SARS... có nguy cơ cao xuất hiện trong mùa đông.

Ông đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng điều trị tại tuyến huyện, khi rất nhiều trường hợp tử vong trong thời gian qua một phần do được chẩn đoán rất chậm ở tuyến này?

Tuyến huyện có khả năng, nhưng phải tập huấn sâu hơn trong thời gian tới để họ có thể đáp ứng điều trị mà không phải chuyển bệnh nhân đi. Về thuốc, chúng tôi đảm bảo đủ thuốc điều trị ngay từ tuyến huyện.

Có ý kiến cho rằng, một số ca tử vong vì cúm A/H1N1 vừa qua do tuyến huyện chẩn đoán không được, nhưng tôi lại thấy đó là do chưa có tư tưởng sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân cúm A/H1N1.

Thời điểm hiện nay đối với các trường hợp có ho, sốt, viêm long đường hô hấp phải nghĩ ngay đến cúm A/H1N1. Số trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 vừa qua tăng cao do phần lớn người bệnh có mắc bệnh mãn tính kèm theo như béo phì, đái tháo đường, hội chứng Down...

Số còn lại một phần do được điều trị muộn. Có 20 - 30% người khỏe mạnh nhưng khi mắc cúm A/H1N1 chủ quan, điều trị tại nhà nhưng không đỡ mới đến bệnh viện, cũng rất nguy hiểm. Một phần nữa do tư tưởng chưa sẵn sàng điều trị cúm A/H1N1 mà tôi đã nói.

Như vậy trong mùa đông tới, khi số mắc bệnh có thể lên đến hàng chục ngàn người, ông thấy khả năng đáp ứng của ngành y tế như thế nào?

Không phải là hàng chục ngàn người mắc bệnh một lúc, mà người mắc bệnh rải rác chỗ này chỗ kia, thậm chí xuất hiện những chùm ca bệnh 100 -200 người mắc như đã xuất hiện.

Ở các tỉnh thành trọng điểm, tuyến huyện đã sẵn sàng thu dung điều trị. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thành lập bệnh viện dã chiến khi có chùm ca bệnh tại trường học, công sở.

Còn các huyện chưa “trọng điểm”, ông đánh giá khả năng thế nào nếu có người bệnh cúm A/H1N1 đến điều trị?

Chúng tôi đang soạn thảo những hướng dẫn điều trị kỹ lưỡng hơn để tuyến huyện có thể đáp ứng được. Trong tháng Mười, chúng tôi sẽ triển khai hàng loạt hoạt động...

Một vấn đề nữa là nhu cầu tiêm văcxin ngừa cúm A/H1N1. Nếu Việt Nam chưa đặt hàng ngay, nguồn văcxin cung cấp hạn chế, khả năng người dân được tiêm ngừa trong đầu năm 2010 là rất khó khăn, thưa ông?

Trong cuộc họp về phòng chống cúm vừa diễn ra ở Hong Kong, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ cho Việt Nam 5 - 6 triệu liều văcxin ngừa cúm A/H1N1. Bên cạnh đó, chúng tôi đang thúc đẩy sản xuất văcxin trong nước để sớm có văcxin ngừa cúm A/H1N1 giá rẻ.

Văcxin là để giảm thiểu tử vong

Ông NGUYỄN HUY NGA (cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế):

Hội đồng văcxin đã họp và khuyến cáo trước mắt cần có 1 triệu liều văcxin để tiêm cho đối tượng nguy cơ cao như người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ có thai. Mục đích là để giảm thiểu tử vong chứ chưa thể dự phòng dịch.

Muốn dự phòng dịch, phải tiêm văcxin ít nhất cho 80% nhóm chưa có miễn dịch, mà giá thành mỗi liều văcxin khoảng 10 USD thì sẽ cần khoản kinh phí khổng lồ.

Tại Mỹ, số mắc cúm A/H1N1 thực tế gấp 10 - 20 lần số có xét nghiệm dương tính. Tại Việt Nam, hiện Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang nghiên cứu số mắc thực tế, còn số mắc có xét nghiệm dương tính đến 26/9 là trên 8.200 trường hợp.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 1,1 triệu viên Tamiflu do WHO và một số tổ chức quốc tế khác tài trợ. Số thuốc này có thể điều trị được cho trên 100.000 bệnh nhân.

Trong tháng Chín, Bộ Y tế đã cấp trên 800.000 viên Tamiflu cho các địa phương. Bộ Y tế cũng đang tích cực thương thảo để có thêm nguồn thuốc điều trị.

Bộ Y tế cũng đã tích cực triển khai các động thái để đặt hàng văcxin, để khi có văcxin, họ sẽ cung cấp ngay cho Việt Nam, chứ hiện nay họ cũng chưa có. Thật ra trong khu vực hiện mới có Trung Quốc triển khai tiêm ngừa chứ chưa có nước nào có văcxin tiêm ngừa.

Với những người dân bình thường muốn phòng chống dịch, ông khuyến cáo gì cho họ?

Trong điều kiện hiện nay, khi dịch đã lây lan ra cộng đồng, tôi muốn khuyến cáo người dân nên hạn chế đến nơi đông người khi không thật sự cần thiết. Hội họp, những nơi có điều kiện, nên tổ chức họp trực tuyến.

Tôi cũng muốn khuyến cáo mùa đông tới là thời điểm số mắc bệnh chắc chắn tăng cao, vì đỉnh dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam dự kiến vào khoảng tháng 11, 12 tới. Vì thế, tuân thủ những biện pháp phòng bệnh như rửa tay sạch, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, không quá hoang mang nhưng không được chủ quan cũng rất quan trọng để phòng dịch..

Thưa ông, chỉ trong chưa đầy tháng Chín, số mắc cúm A/H1N1 đã gấp đôi số mắc trong ba tháng vừa qua, số tử vong tăng cao. Ông đánh giá dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam đang ở giai đoạn nào?

Dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam hiện nay vẫn ở trong giai đoạn lan tràn ở cộng đồng có kiểm soát.

Cần 1,5 tỉ USD đối phó với đại dịch

* Tại Mexico, giới chức trách y tế cảnh báo, dịch cúm A/H1N1 đang trở lại. Những ca nhiễm mới đặc biệt cao trong tháng 9 khi có ngày số ca nhiễm mới lên đến 483 trường hợp.

Đầu tuần trước, 3.000 trường học ở Mexico phải đóng cửa vì lo sợ bệnh dịch lại lan rộng và cho đến giữa tuần vẫn còn 128 trường học đóng cửa. Tới ngày 26/9, Mexico có hơn 29.000 ca nhiễm và 226 người thiệt mạng.

* Bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 27/9, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan đã có cuộc gặp với những nhà lãnh đạo hàng đầu các nước để thảo luận về việc gây quỹ chống cúm A/H1N1.

Theo đó, Liên Hợp Quốc cần khoản ngân quỹ 1,5 tỉ USD để đối phó hiệu quả với đại dịch. Theo WHO, trên toàn thế giới đã có hơn 300.000 ca nhiễm và hơn 3.900 người thiệt mạng vì cúm A/H1N1.

* Anh trở thành quốc gia thứ hai sau Trung Quốc sử dụng văcxin ngừa cúm A/H1N1 sau khi các nhà quản lý ở châu Âu thông qua việc sử dụng Pandemrix, một sản phẩm của Công ty GlaxoSmithKline, ở người lớn, trẻ nhỏ trên sáu tháng tuổi và phụ nữ mang thai.

Một người phát ngôn của Bộ Y tế Anh nói với tờ Independent rằng, những đợt tiêm văcxin đầu tiên sẽ bắt đầu trong tháng 10. Anh đã mua 60 triệu liều Pandemrix.

* Tại Mỹ, nhà chức trách y tế hối thúc phụ nữ mang thai đi tiêm văcxin phòng cúm, thậm chí ngay trước khi các cuộc thử nghiệm được hoàn tất do họ thuộc nhóm có nguy cơ tử vong cao khi nhiễm bệnh. Chính phủ Mỹ hi vọng 6 - 7 triệu liều văcxin đầu tiên sẽ bắt đầu được sử dụng trong tháng 10 và dự kiến sản xuất 250 triệu liều.

Theo Lan Anh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG