Người dân vùng tâm bão nói về dự báo

Người dân vùng tâm bão nói về dự báo
TP - Tâm bão đã quét gọn gần 700 nhà dân  khu vực vịnh Dung Quất và làng Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Người dân khi được hỏi về chuyện đón thông tin dự báo bão ra sao, tại sao không di dời, chúng tôi đều nghe trả lời : Dự báo sai chứ sao!

>> Về chỉ trích dự báo bão sai: Bộ TN&MT phản ứng

Người dân vùng tâm bão nói về dự báo ảnh 1
Bão đánh tan thuyền của ngư dân Quảng Ngãi - Ảnh: Xuân Thống

Chị Nguyễn Thị Lệ (thôn Phước Thiện) vẫn chưa hết hoảng hốt:

“Ngày 28/9 cả làng xôn xao khi nghe tin bão vào. Đến chiều, UBND xã thông báo bà con chuẩn bị đồ đạc, khi nào có lệnh thì lập tức di dời. Trong thời gian này cấm mọi người ra khỏi nhà để tránh nguy hiểm. Cả làng đều trong tinh thần di dời. Đến sáng sớm 29/8 vẫn không thấy thông báo gì, lúc đó gió lớn quá cả làng kéo nhau di tản”.

Ông Trần Hùng Kiệt, bức xúc: Cả ngày 28/9, làng chúng tôi theo dõi dự báo thời tiết đều thấy nói bão đi qua Đà Nẵng, Quảng Trị còn ở đây chỉ bị ảnh hưởng. Nhưng cuối cùng nó quét vào ngay cái vịnh Dung Quất này, làm sao chạy kịp?”.

Trong cái ngày bão gió, bà con nơi đây chỉ kịp tay không chạy bão. Sau bão, tất cả đều tay trắng.

Ông Nguyễn Văn Thiện, chủ tịch xã, nói : “Trước khi bão vào, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ phương án di dân. Chiều 28, trước 15 giờ, có tin là theo hướng Tây -Tây Bắc, nằm ở hơn 16 vĩ độ Bắc. Đến tối, huyện điện xuống thông báo bão có thể vào Quảng Ngãi, theo hướng Tây - Tây Nam.

Tối mò, làm sao mà di chuyển dân, chúng tôi quyết định sáng mai sẽ di dời. Mưa gió dữ dội không ra ngoài được. 8 giờ tối, anh em xuống thì bà con đã tự di dời, khoảng 7 ngàn người, đến các điểm an toàn. Thiệt hại là quá lớn. Tất cả là do dự báo sai và quá chậm.

Tối 28, chúng tôi còn điện hỏi trong Phú Yên, họ cũng bảo bão đang ở khoảng 16 độ. Đến 9 giờ sáng ngày 29, Đài PTTH tỉnh mới nói là bão còn cách Quảng Ngãi 40km. Dân than phiền chúng tôi sao không thông báo cho họ di dời, tụi tôi cũng bó tay thôi”.

Người dân vùng tâm bão nói về dự báo ảnh 2
Tất cả chỉ còn lại là đống ngổn ngang...

Tại xã Bình Đông, tình hình cũng không khác. Ông Huỳnh Tấn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông, nói: “Sáng 28, chúng tôi thông báo cho dân chuẩn bị di dời, bà con nói bão ở xa lắm. Dân ở đây họ theo dõi diễn biến thời tiết qua các bản tin trên đài, tivi, nói thế nào họ tin thế ấy. Đài báo tâm bão ở Huế - Quảng Trị, Quảng Ngãi chỉ bị ảnh hưởng nên dù địa phương có ra lệnh hay thuyết phục họ cũng không nghe, không chịu di dời”.

“Anh biết bão đổi hướng khi nào?”, chúng tôi hỏi. “10 giờ sáng ngày 29, anh em từ huyện điện xuống. Lúc đó thì bó tay. Điện không có, điện thoại cũng đứt”.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó ban PCBL huyện Bình Sơn, nói: “Chúng tôi bị động. Tối 28, tình hình vẫn chưa có gì nghiêm trọng, bởi thông tin vẫn là bão vào giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

Đến 4 giờ sáng 29, huyện nhận được thông tin từ tỉnh là bão đã chuyển hướng Tây- Tây Nam. 7 giờ sáng, đài truyền thanh huyện phát thông báo bão vào, nhưng lúc đó ai nghe được nữa vì gió quá dữ”.

Ông Đặng Đình Kỳ, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn chua chát: “Dân biển mà, lênh đênh trên biển, dựa vào thời tiết để kiếm cơm. Mà làm gì biết đến họp hành, báo chí, ngày nào cũng chỉ nghe đài thôi, nghe để biết có đi biển được không. Mà dự báo càng xa thực tế thì dân biển càng chết”.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối:

“Hỏi dân là chính xác nhất!”

Việc dự báo cơn bão số 9 vào Quảng Ngãi vừa rồi, theo tôi là không chính xác.

Ngay từ 3 giờ 30 sáng 29/9, bão tại Quảng Ngãi đã lớn khủng khiếp. Lúc này tại tâm điểm bão ở Bình Sơn và nhiều nơi cơ bản đã bị bão tàn phá nặng nề. Nhưng dự báo lúc này vẫn báo đến chiều 29 bão mới vào bờ.

Đến 8 giờ ngày 29/9, lại dự báo từ 13 - 14 giờ tâm bão sẽ ở Quảng Ngãi, nhưng nói thực mãi đến 5 giờ chiều, chúng tôi vẫn còn trong tâm trạng “đợi bão” !

Hay như hướng bão, dự báo Tây Tây – Bắc lại đột ngột hướng về Tây Tây - Nam là không chính xác rồi. Ngoài ra, Công điện ngày 28/9 của Chính phủ cũng chỉ chỉ đạo các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam phải hoàn thành di dời nhân dân trước 24 giờ ngày 28/9 và cho học sinh nghỉ học các ngày 29, 30...

Tôi cho rằng chế độ thông tin là một chế độ đặc biệt. Việc dự báo thiếu chính xác khiến công tác phòng chống của địa phương cũng có một bước bị động, kể cả nhận thức của dân.

Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm nghiêm túc tất cả các ngành các cấp, và địa phương chứ không riêng ở ngành khí tượng thuỷ văn.

Tôi cũng không muốn tranh luận nhiều về việc này. Theo tôi, không cần nghe ông bí thư tỉnh uỷ, mà cứ về dân thì sẽ rõ, là chính xác nhất. Người dân vùng tâm bão đi qua họ sẽ nói hết những gì họ đã trải qua...  

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi:

“Đài tỉnh chúng tôi dự báo chính xác hơn nhiều”

Ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: “Quảng Ngãi là nơi bão đánh thẳng vào, gây hậu quả nghiêm trọng nhất”. Nếu tỉnh không chủ động chỉ đạo người dân khẩn trương đối phó, chèn chống nhà cửa, di dời từ trước ngày 29/9 thì hậu quả sẽ khốc liệt hơn rất nhiều.

“Trên thực tế chúng tôi theo dõi các bản tin của Đài tỉnh (tức Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Quảng Ngãi – PV) để chỉ đạo người dân. Nói thẳng ra là đài tỉnh chúng tôi dự báo chính xác hơn Đài KTTV Trung ương nhiều” – Ông Nhi khẳng định.

Cũng chiều qua, ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, trong cơn bão số 9 hay nhiều cơn bão khác, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên tham khảo thêm các dự báo của nước ngoài chứ không chỉ tập trung vào dự báo của Đài KTTV Trung ương.

Theo đó, Quảng Ngãi đã chỉ đạo người dân lo di dời, chèn chống nhà cửa từ ngày 26/9, khi cơn bão còn ở tận Philippines, chứ không bị động ngồi chờ thông báo của trên.

“Hậu quả nặng nề, bây giờ chúng tôi lo khắc phục bão lụt nên mọi chuyện tranh cãi ai đúng ai sai tạm gác lại” – Ông Huế nói.

Đến chiều qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa nhận được công văn chính thức nào của Đài KTTV hay Bộ TN&MT nên UBND tỉnh vẫn chưa thể phản hồi.

Được biết, Quảng Ngãi là tỉnh gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản do bão số 9 gây ra. Tính đến ngày 4/10, toàn tỉnh có 34 người chết, 112 người bị thương, 4 người mất tích, 860 nhà bị sập đổ, 23.850 nhà bị tốc mái, 68 tàu thuyền bị chìm... Tổng thiệt hại ước tính hơn 4.500 tỷ đồng.  

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.