Mở rộng KCN để bò gặm cỏ

Bài 2: Trong đón đầu có găm đất?

Bài 2: Trong đón đầu có găm đất?
TP - Mặc dù hoạt động của các KCN tại Đồng Nai đang rất chợ chiều nhưng những nhà chức trách nơi này vẫn tiếp tục thực hiện việc mở rộng diện tích các KCN. Theo nhiều chuyên gia về bất động sản, việc đầu tư mở rộng các KCN tái diễn thực chất là nhằm giữ đất.

>> Bài 1: Như Chùa Bà Đanh

Bài 2: Trong đón đầu có găm đất? ảnh 1

Đồng Nai đang dùng quỹ đất nông nghiệp để triển khai nhiều dự án KCN - Ảnh:  Hữu Vinh - Đức Minh

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) 29, quy định về thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với KCN, khu chế xuất (KCX) trong đó quy định KCN chỉ được mở rộng nếu tổng diện tích đất công nghiệp của KCN này được cho thuê ít nhất là 60 phần trăm. Ở Đồng Nai, được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, lãnh đạo các KCN đang cho tăng diện tích KCN hiện hữu.

Nghìn người bán, trăm người mua

Thực tế cho thấy, chỉ có vài KCN của tỉnh Đồng Nai hoạt động có hiệu quả như Amata, Biên Hòa 1, Biên Hòa 2… Những KCN còn lại đều vắng bóng nhà đầu tư và diện tích đất cho thuê tại những nơi này đều không vượt con số 60 phần trăm mà NĐ 29 quy định.

Theo báo cáo của BQL các KCN tỉnh Đồng Nai, chín tháng đầu năm 2009, các KCN trên địa bàn tỉnh cho thuê tổng cộng 22,9 ha đất, chủ yếu tập trung tại ba KCN: Amata, Tam Phước, Nhơn Trạch III.

Thực tế, số KCN không đạt được mức trên 60 phần trăm đất không chỉ dừng ở ba KCN Tân Phú (Cty TNHH một thành viên Tín Nghĩa làm chủ đầu tư), Xuân Lộc, Định Quán mà chúng tôi đã nêu trong bài trước. Thực tế này không diễn ra ở vùng núi, vùng sâu vùng xa mà còn diễn ra ở cả những địa bàn ngay cạnh trung tâm thành phố Biên Hòa.

Cụ thể, KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) có diện tích 177 ha nhưng chỉ cho thuê được 48 phần trăm; còn hai KCN Long Đức (huyện Long Thành) có diện tích 283 ha được xây dựng năm 2007 và KCN An Phước, Dầu Giây, Nhơn Trạch VI, Long Khánh, Giang Điền… đều trong giai đoạn san lấp mặt bằng, chưa có dự án đầu tư…

KCN nhiều nhưng nhà đầu tư vắng khiến tình hình hoạt động các KCN tại tỉnh Đồng Nai như cảnh chợ chiều với nghìn người bán nhưng chỉ có trăm người mua.

Lý giải điều này với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Văn (Phó ban QLKCN Đồng Nai) cho rằng, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch UBND huyện Tân Phú thì giải thích: “Bất lợi đầu tiên là KCN Tân Phú quá xa cảng biển với tuyến đường vận chuyển trên 100km, tuyến quốc lộ 20 chất lượng kém và phải tốn phí đường, vì vậy dù vào KCN Tân Phú sẽ hưởng ưu đãi nhưng các doanh nghiệp vẫn lựa chọn đầu tư vào các KCN ở Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch”.

UBND tỉnh Đồng Nai đã có quy định ưu đãi cho các nhà đầu tư vào các KCN miền núi, trong đó có KCN Định Quán. Nghĩa là, nhà đầu tư ngoài việc miễn tiền thuê đất thô trong suốt thời gian thuê lại đất mà còn miễn phí sử dụng hạ tầng năm năm kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì điều này mà các Cty đăng ký vào KCN Định Quán vẫn đủng đỉnh giữ chỗ.

găm đất?

Mặc dù tình hình hoạt động của các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang rất chợ chiều nhưng những nhà chức trách nơi này vẫn chưa thực hiện quy định của NĐ 29 mà tiếp tục thực hiện việc mở rộng diện tích các KCN. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, định hướng đến 2020, có thêm diện tích đất đến 675 ha phục vụ cho mục đích mở rộng này.

Điều đáng nói, trong đó có bốn KCN không đủ điều kiện quy định trong NĐ 29 là KCN An Phước (mở rộng thêm 71ha), Xuân Lộc (200 ha), Tân Phú (76 ha), Long Đức (130 ha). Ấy là chưa kể, hàng loạt KCN khác được mở mới trong năm 2008 – 2009, gồm:  KCN Dầu Giây (331 ha),  KCN Long Khánh (264 ha), KCN Giang Điền (529 ha),  KCN Ông Kèo (823ha).

Một số KCN chưa lấp đầy nhưng được lập thủ tục triển khai đầu tư giai đoạn 2, như KCN Hố Nai (mở rộng 271 ha), KCN Sông Mây (224 ha), KCN Định Quán (114 ha)…

Việc tăng diện tích đất này khiến quỹ đất dành cho nông nghiệp bị thu hẹp dần và đẩy những người nông dân vào tình trạng khó khăn.

Bởi một số nơi theo ghi nhận của Tiền Phong, diện tích đất mà họ được đền bù bị đánh đồng ba hạng và mức đền bù một mét vuông đất chưa bằng giá nửa tô phở (4.000 đồng/m2), hoặc áp giá bồi thường từ năm 2006 nhưng đến năm 2008 các hộ dân mới nhận được tiền. Khi ấy, sự trượt giá của đồng tiền đã khiến những hộ dân không đủ tiền mua đất dựng nhà.

Theo nhiều chuyên gia về bất động sản, việc đầu tư mở rộng các KCN tái diễn thực chất là nhằm giữ đất.

Bởi mới đây, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công  và đoạn đường này đang đi qua nhiều KCN ở Đồng Nai, do đó việc đón đầu của các chủ đầu tư trong vấn đề thu hút các nhà đầu tư FDI là hợp lý. Nhưng cũng không loại trừ hành động tiêu cực nhằm găm đất, rồi sau đó chuyển đổi công năng hoạt động.

MỚI - NÓNG