"Gác dịch"

"Gác dịch"
TP - “A lô!... Cúm A/H1N1 là gì, lây lan thế nào? Tôi bị sốt nhẹ, ho, đau họng liệu có phải bị nhiễm cúm A/H1N1 không, phải xử lý ra sao?…”. Những ngày này, cuộc sống những người gác đường dây nóng của Bộ Y tế về cúm A/H1N1 luôn thường trực và gắn với nhiều câu chuyện cúm.

Thời điểm này, số điện thoại đường dây nóng (0989 671 115) của Bộ Y tế do Cục Y tế Dự phòng & Môi trường gác thông tin về tình hình cúm A/H1N1 dường như không ngơi nghỉ.

Bác sỹ Nguyễn Đức Khoa - Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm của Cục, cho biết, ban ngày, cứ 2-3 phút lại một cuộc điện thoại gọi đến, 1-2 giờ sáng vẫn có người gọi, 4-5 giờ sáng chuông điện thoại lại kêu. Điện thoại cứ sau ba tiếng lại sạc pin một lần.

Bác sỹ Lê Xuân Thủy - một trong những người trực đường dây nóng cho biết, số điện thoại nóng trên không phải để tư vấn về dịch mà chỉ để nhận những thông tin báo cáo dịch bệnh từ các nơi.

Còn tư vấn, đã có ở các địa phương, chứ Bộ chỉ dùng một số thế này làm sao xuể. Tuy nhiên, rất ít người biết được điều đó, và khi cần kíp thông tin về dịch, họ đều tìm về đường dây này” - Bác sỹ Thủy nói.

Rút kinh nghiệm từ những đợt dịch như tiêu chảy cấp, H5N1, sốt xuất huyết… đợt dịch cúm A/H1N1 này, trực đường dây nóng được san sẻ với khoảng 30 nhân viên các phòng, luân phiên trong tháng.

“Phòng chúng tôi chín người, nhưng gác tới 57 bệnh truyền nhiễm. Lãnh đạo Cục kiểm tra thường xuyên, nên không thể lơ là được”- một bác sỹ phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm nói.

Gác dịch

Thời điểm mới ra đời đường dây nóng này, không ít cuộc điện thoại gọi đến chỉ nháy để kiểm tra xem nó hoạt động không. Gần đây, 90 phần trăm là những cuộc điện thoại hỏi thông tin về cúm.

Trực đường dây nóng nhiều lần, bác sỹ Thủy gặp không ít những cuộc nói chuyện đáng nhớ: “Có lần hai vợ chồng khách nước ngoài đang nghỉ ở một nhà nghỉ tư nhân tận thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), nửa đêm, bà vợ bị sốt, kèm đau họng, ông chồng cuống lên hỏi nhưng chủ nhà lại không biết tiếng Anh. Không biết thế nào, ông chồng lần ra số đường dây nóng và tôi đã tư vấn trực tiếp cho anh ta đưa vợ đến ngay bệnh viện gần nhất để kiểm tra”.

“Lần khác, một người đàn ông ở TPHCM gọi đến với giọng lo lắng, hoang mang, đinh ninh mình đã mắc cúm A/H1N1 vì thấy sốt, sổ mũi, nhưng đến kiểm tra, bệnh viện lại cho về. Sau khi hỏi cụ thể yếu tố dịch tễ, tôi tư vấn, bệnh viện cho anh về là đúng, vì những yếu tố như anh nói không phải là cúm A/H1N1 và anh ta cảm thấy yên tâm hơn.

Ngay cả ở Hà Nội, một số người quản lý tòa nhà cao tầng lo lắng trước sự lây lan của dịch gọi đến để được tư vấn về cách phòng chống, xử lý khi có dịch xảy ra”.

Những người cầm điện thoại nóng, cuộc sống của họ cũng thay đổi vì cúm. “Nhà có con nhỏ, nên ban đêm tôi phải vào phòng kín để trả lời điện thoại. Bà xã lúc đầu cũng khó chịu vì lúc đi ngủ điện thoại còn réo, nhưng rồi cũng quen dần”- Bác sỹ Thủy tâm sự.

Khác với đồng nghiệp nam, chị Tô Phương Thảo khi trực đường dây nóng lại có nỗi vất vả riêng. “Khi đang ru con ngủ, điện thoại kêu, con lại bật dậy “Mẹ ơi điện thoại nữa rồi”. Thậm chí, đi vệ sinh cũng phải kèm chiếc điện thoại” - Chị Thảo kể.

Ngoài những cuộc điện thoại hỏi về dịch cúm, có không ít hỏi về các dịch bệnh khác.

Chị Thảo kể, có người mới hắt xì đã gọi điện hỏi, đau bụng, tai nạn cũng gọi hỏi. Thậm chí, có bác người miền Nam, vì bức xúc chuyện tham nhũng ở cơ sở, cũng gọi điện đến dù biết không phải nơi để trình báo! Cũng không ít người gọi đến chả để làm gì hoặc trêu chọc, nói tục, khiếm nhã.

Ngoài thông tin trên đường dây nóng, còn có thể liên lạc với Cục qua email baocaodich@gmail.com hay fax: 043 7366241.

MỚI - NÓNG