Ca cao cứu vườn dừa

Ca cao cứu vườn dừa
TP - Cây dừa ở ĐBSCL không ít thời kỳ đứng trước nguy cơ lụi tàn vì hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng mấy năm nay, những vườn dừa thơ mộng có khả năng phát triển nhờ trồng xen cây ca cao, hứa hẹn nguồn lợi lớn. 

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng trạm thu mua hạt ca cao của Cty TNHH Ca cao ED & F Man Việt Nam đặt tại xã An Khánh (Châu Thành, Bến Tre) cho biết, trạm đã mở ra gần 40 điểm mua hạt ca cao tại huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Chợ Lách và thị xã Bến Tre. Cty Cargill (Hoa Kỳ) cũng có 50 đại lý mua hạt ca cao đặt tại Bến Tre.

Dự án phát triển ca cao tại Bến Tre cũng thành lập được 137 câu lạc bộ. Hình thành 14 vườn mẫu, 18 điểm trình diễn, 8 điểm chế biến lên men. Chuyển giao kỹ thuật cho bảy vườn ươm giống. Trồng mới 1.580 ha ca cao với hệ thống canh tác đúng kỹ thuật.

11.400 hộ ở 66 xã của huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày và Bình Đại tham gia dự án.

Cuộc cạnh tranh mua hạt ca cao tại Bến Tre diễn ra và đến giữa tháng 9/2009, hạt ca cao ủ lên men đã thực sự lên cơn sốt với giá tăng gần gấp 2 lần so với những năm trước đây.

UBND tỉnh BếnTre đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp các ngành và các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo và Điều hành Dự án tổng thể phát triển 10.000 ha ca cao vào năm 2010.

Những biện pháp chính được chú trọng: Quản lý giống, hỗ trợ 40 phần trăm kinh phí cây giống và hỗ trợ kỹ thuật canh tác; quản lý chất lượng hạt ca cao; liên kết tiếp thị.

Theo Ban quản lý dự án, Bến Tre có khoảng 4.500 ha ca cao trồng xen trong vườn dừa và vườn cây ăn trái. Số diện tích ca cao đang cho trái trên 2.000 ha, năng suất bình quân 1 - 2,5 tấn/ha.

Chương trình phát triển cây ca cao tại Bến Tre do Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh hỗ trợ, bắt đầu từ năm 2000. Tiến sĩ Nông học Nguyễn Hồng Đức Phước, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế của trường trực tiếp chuyển giao kỹ thuật trồng cây ca cao xen trong vườn dừa cho bà con nông dân tại xã An Khánh (Châu Thành).

Ca cao cứu vườn dừa ảnh 1

Ca cao thu hoạch ở Bến Tre  - Ảnh: Hoàng Hà

Tiến sĩ Phước khẳng định: “Cây ca cao không trồng được tại các tỉnh phía bắc. Từ năm 1980 – 1990, ca cao được trồng nhiều ở các tỉnh ĐBSCL, tuy nhiên lúc đó không nối kết được với thị trường thế giới, nên dần dần bị chặt bỏ để trồng các loại cây ăn trái khác.

Chúng tôi nghiên cứu trồng cây ca cao tại Bến Tre vì loại cây này thích bóng mát, phát triển rất tốt trong vườn dừa. Những vườn dừa ở Bến Tre là điều kiện tự nhiên lý tưởng cho cây ca cao”.

Từ năm 2004 đến 2006, được sự tài trợ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ qua tổ chức ACDI/VOCA, Bến Tre đã hình thành hệ thống trồng và mua, sơ chế tại địa phương.

PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Nguyễn Trung Chương cho biết, bà đỡ cho cây ca cao còn phải kể đến Chương trình phát triển cây ca cao bền vững từ Dự án Success Alliance của tổ chức ACDI/VOCA.

Dự án này giúp Bến Tre xây dựng thành công qui trình sản xuất ca cao khép kín từ khâu quản lý sản xuất, canh tác đến sơ chế lên men, tạo cầu nối giữa nông dân với các Cty thu mua.

Thay cây chuối ở Trà Vinh

Tỉnh Trà Vinh, từ năm 2006 đã thí điểm trồng xen ca cao trong vườn dừa. Bước đầu cho kết quả tốt và đang được nhân rộng. Hiện toàn tỉnh đã có 650 - 700 ha cây ca cao xen dừa, sẽ phát triển lên 1.000 ha trong năm tới.

Giá hạt ca cao lên men ở tỉnh Bến Tre liên tục tăng, hiện là 46.500 đồng/kg, cao hơn tháng trước 5.000đồng/kg.

Mẫu ca cao trồng ở Bến Tre đi phân tích tại Mỹ cho thấy chất lượng rất tốt với hàm lượng chất béo đạt 55 - 56 phần trăm đứng đầu ở châu Á.  

Huyện Tiểu Cần có hơn 2.440 ha đất trồng dừa, năm 2006 thí điểm 2ha ca cao trồng xen. Đến năm 2008, huyện mở rộng diện tích thêm 50 ha nữa và đến nay đã có 62 ha, dự tính năm 2010 có 200 ha ca cao xen dừa.

Ông Trần Văn Quân, Phó phòng NN&PTNT huyện Tiểu Cần, cho biết, doanh nghiệp hướng dẫn công nghệ, cùng nông dân theo dõi và đến khi thu hoạch sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm sẽ được doanh nghiệp ký với từng hộ.

Ông Nguyễn Văn Hết ở ấp Nhơn Hòa, xã An Hòa (Tiểu Cần), người đầu tiên trồng thử nghiệm thành công ca cao xen dừa theo mô hình dự án. Nửa hécta ca cao thử nghiệm với 300 cây của ông đang cho trái, ông hái nấu nước uống hoặc tặng bà con chòm xóm. Chờ hai năm nữa, cây ca cao ở huyện ra trái đại trà, Cty Cargill sẽ về mở đại lý mua. Sắp tới ông cũng trồng thêm 500 cây nữa.

Ông Hết cũng có nhiều hy vọng khi tính toán, với giá 47.000 đồng/kg như hiện tại, mỗi hécta một năm nông dân sẽ có thu nhập 25 - 30 triệu đồng. Nhất là thu nhập ổn định thay vì vườn dừa gần như không thu được gì thêm trừ cây chuối trồng xen sống èo uột và bấp bênh.

Tại huyện Càng Long, đã có 110ha ca cao thuộc dự án trồng xen cây dừa và nông dân đang hăng hái mở rộng diện tích. Thực tế nhiều nông hộ còn tự phát trồng và diện tích ca cao toàn huyện phải hơn 200 ha.

Ông Trần Minh Trí, Phó phòng NN&PTNT huyện Càng Long, thừa nhận, việc phát triển cây ca cao tự phát có thể phá vỡ quy hoạch nông nghiệp. Dự án trồng ca cao cũng chưa ký kết được giá sàn trong bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người trồng nên vẫn phập phồng. “Nhưng nông dân đang rất hào hứng và không thể cản được”, ông Trí nói.

MỚI - NÓNG