Câu chuyện Phú Mỹ Hưng

Câu chuyện Phú Mỹ Hưng
TP - Suốt tuần qua, vụ cư dân Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Q.7 TPHCM) bức xúc khi phải “mua nhà hai lần” được xem là tâm điểm của thị trường địa ốc đang ngưng trệ. Đây không phải là lần đầu Phú Mỹ Hưng (PMH) vướng sự cố nhưng với những gì đã diễn ra, có vẻ họ lại thoát hiểm như những lần trước…
Câu chuyện Phú Mỹ Hưng ảnh 1
Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng

Đầu năm 2003, TPHCM nhiều lần yêu cầu PMH khôi phục hiện trạng rạch Ông Kích bị Cty này san lấp trái phép 45.000 m2 nhưng họ không thực hiện.

Cũng trong thời gian này, mặc cho quy hoạch chuyển đổi khu chuồng đua ngựa thành khu dân cư chưa được duyệt, PMH vẫn ngang nhiên phân lô bán nền. Báo chí vào cuộc, một số quan chức lên tiếng bất bình và bức xúc nhưng mọi việc đi theo hướng có lợi cho PMH.

Đến tháng 11/2004 TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành ngay công tác điều chỉnh lại qui hoạch tại khu vực trường đua ngựa và khu vực rạch Ông Kích.

Thay vì bị phạt, buộc tháo dỡ hay bị cưỡng chế như nhiều trường hợp khác tại TP HCM thì những khu đất trên đã thành khu biệt thự Hưng Thái và căn hộ Sky Garden khá hoành tráng. Còn việc xử lý sai phạm rơi vào quên lãng cho đến nay.

Đình đám hơn là vụ Phú Mỹ Hưng không nộp thuế gần 500 tỷ đồng hơn hai năm trời vì cho rằng mức nộp quá cao. Sự việc gây hàng loạt tranh cãi, bàn đi tính lại giữa PMH, UBND TPHCM và Bộ Kế hoạch Đầu tư, Cục Thuế TPHCM, Bộ Tài chính… hồi năm 2003. Cuối cùng  PMH buộc phải nộp gần 600 tỷ sau khi không còn cách nào né tránh.

Sau vụ này, Thủ tướng đã phê bình UBND TPHCM về việc đã cấp các giấy phép con không đúng với qui định cho PMH. Một lần nữa PMH cũng chẳng bị hình thức chế tài nào và những vị có trách nhiệm đã dung túng cho PMH vẫn bình yên vô sự!

Việc PMH chỉ được thuê đất chứ không được giao đất đã lộ rõ từ 2004. Tuy nhiên với cách soạn thảo hợp đồng lập lờ theo hướng có lợi cho mình của Cty này thì ít khách hàng nào nghĩ họ phải bỏ hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng để mua đất lần nữa.

Chưa kể giá nhà, căn hộ tại đây đắt gấp nhiều lần xung quanh càng khiến cho khách hàng nhầm lẫn. Khó mà trách khách hàng sơ ý khi không ít dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM chẳng hề buộc người mua phải nộp tiền sử dụng đất như PMH.

Đáng trách là chẳng có cơ quan chức năng nào cảnh báo về cái bẫy đất thuê của PMH (không phải là đất giao và khỏi nộp tiền sử dụng đất như tại nhiều dự án khác).

Cũng như các lần tranh chấp trước, lãnh đạo PMH lại tỏ ý định nếu không giải quyết được hai bên có thể đem nhau ra tòa. Động thái này khiến người ta lo ngại tái diễn vụ bà T.T.T.T tranh chấp với PMH đầu năm 2003. Dù đã bỏ hàng trăm triệu sửa nhà nhưng bà T. bị Tòa án bác yêu cầu được giữ lại nhà mua của PMH, vì người đại diện PMH ký hợp đồng với khách không đủ thẩm quyền!

Mỗi lần có sự cố, thành tích biến đầm lầy thành khu đô thị kiểu mẫu của PMH lại được đưa ra để biện hộ. Nhưng nhiều vị có trách nhiệm và PMH quên hoặc lờ đi việc PMH đã từng chuyển gần 70 triệu USD lợi nhuận về Đài Loan thời gian 2003 - 2006 dù gặp sự cố về thuế má và thị trường địa ốc không sôi động bằng những năm sau đó.

Khoản lợi nhuận khá lớn này cho thấy đầu tư vào địa ốc đã đem lại nguồn lợi béo bở như thế nào cho PMH.

Đầu tư nước ngoài rất cần thiết, nhưng chấp nhận luật lệ nước nhà bị xem nhẹ và quyền lợi khách hàng bị coi thường thì có lẽ hiếm có câu chuyện nào điển hình như tại PMH.  

MỚI - NÓNG