Phải giải thể trường kém chất lượng

Phải giải thể trường kém chất lượng
TP - Sau sự kiện không trường nào trong số 20 trường đại học hàng đầu Việt Nam  đạt chất lượng, GS Phạm Minh Hạc, thành viên Hội đồng Thẩm định Chất lượng Giáo dục các trường trên cho rằng, cần phải rà soát, giải thể những trường đại học, cao đẳng kém chất lượng.
Phải giải thể trường kém chất lượng ảnh 1
Sinh viên Việt Nam kỳ vọng vào những truờng đại học có chất lượng.
Ảnh: Phạm Yên

Trong số 386 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) của Việt Nam, có 20 trường ĐH hàng đầu tham gia đề án đánh giá thẩm định chất lượng của Bộ GD&ĐT, nhưng không có trường ĐH nào đạt chất lượng vì chỉ đạt 80 phần trăm yêu cầu.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thành viên Hội đồng Thẩm định chất lượng giáo dục, cho biết, các tiêu chí đánh giá dựa vào sứ mệnh của trường học, tầm nhìn dài hạn đến năm 20 - 30, điều kiện cơ sở vật chất, sách vở, chương trình, giảng viên, thư viện…

Bên lề Hội nghị “Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học Việt Nam - Vương quốc Anh”, diễn ra ở Hà Nội ngày 16/10, GS Phạm Minh Hạc nói: “Thông tin đạt được 80 phần trăm cũng đã là cao, thậm chí 50 phần trăm cũng là còn xa mới đạt được.

Theo đánh giá chung, trường top đầu cũng chỉ đạt được 50 phần trăm số tiêu chí. Vấn đề  đội ngũ giảng dạy chẳng hạn, chỉ cần 50 phần trăm chỉ tiêu cũng phải ít nhất  5 - 10 năm nữa”.

Điều gì khiến ông nói là 50 phần trăm cũng là còn xa mới đạt được?

Xin đơn cử, ngay trường ĐH Tổng hợp cũ, vào năm 1960, Chính phủ mở với tên là Trường Đào tạo Công nhân Kỹ thuật. 40 năm sau, vẫn khu đất ấy, không xây dựng gì thêm nhiều, mọc sáu trường đại học. Thêm ít đất, thành ĐHQG. 15 năm nay chưa xây xong nhà cho bộ phận quản lý ngồi. Phòng thí nghiệm chưa có gì đáng kể, chưa ai tổng kết. Chưa trường nào đủ sách, chỗ thì in, chỗ thì photocopy.

Nhìn chung, kết quả kiểm định cho thấy, không có một trường ĐH nào ở Việt Nam đạt chuẩn cơ sở vật chất như nhà học, phòng thí nghiệm, giáo trình… Đội ngũ giảng viên thì vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng.

Theo báo cáo đánh giá chung về 20 trường ĐH được chuẩn bị giai đoạn 2005 - 2008, trình độ tiến sĩ chung cả nước dưới 11 phần trăm trong khi ở nước ngoài có những trường 100 đội ngũ là tiến sĩ cả  mấy chục năm rồi. Ở họ ngay cả trợ giảng, lau bảng (giờ là đứng bấm nút) cũng là người có trình độ ĐH hay thạc sĩ.

Phải giải thể trường kém chất lượng ảnh 2
Thi tuyển sinh ĐH 2009. (Ảnh minh họa)

Số các lượng trường ĐH, CĐ vẫn tiếp tục phình ra.

Khi mở trường, người ta dẫn đến xem toàn nhà ăn với nhà bếp, thư viện thì, hầu như không có quyển sách nào. Thế mà cũng được mở trường, cho tuyển sinh đến hàng trăm chỉ tiêu.

Có vị lãnh đạo ở miền Trung đến kể, ở tỉnh ông mở một trường đại học, lúc đầu có một tiến sĩ. Sau năm năm, có thêm hai tiến sĩ nữa là ba người. Người ta kêu rất nhiều về việc này nhưng trường ĐH, CĐ lại được mở tiếp. Năm 2009 vẫn tiếp tục cho mở trường.

Chúng ta đang đứng trước một nguy cơ lớn, đại học của ta không những không phát triển mà còn suy thoái rất nhiều. Không nên để tình trạng trường kém mà cứ tiếp tục bán chữ, thu tiền. Đó là biểu hiện của thương mại hóa giáo dục.

Thương mại hóa giáo dục còn được thể hiện ở chủ trương cổ phần hóa trường đại học công. Phần lớn các trường đứng ở tình trạng không, không và không.

Theo ông, vấn đề này nên được giải quyết như thế nào?

Nên nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương, trong đó có Bộ GD&ĐT, cơ quan được  nhà nước giao phó trọng trách. Chính phủ cho phép lập trường, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Việc nên làm là xem xét, rà soát lại hệ thống các trường ĐH, CĐ và phải giải thể những trường không có chất lượng, đào tạo không hiệu quả. Không để tình trạng trường kém mà cứ  tiếp tục bán chữ.

Xin cám ơn ông!

Hồ Thu
Thực hiện

Bà Nguyễn Thị Lê Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo ĐH - Sau ĐH, Bộ GD&ĐT:

Đều đạt yêu cầu

Bà có bình luận gì về thông tin 20 trường ĐH tham gia kiểm định chất lượng nhưng không có trường nào đạt yêu cầu.

Thực chất là 40 trường thực hiện đánh giá bề ngoài và cả 40 trường đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, các trường này đạt yêu cầu theo những mức độ khác nhau trong 53 tiêu chí đánh giá khác nhau. Có những trường đạt được tiêu chí ở mức cao nhất của mình nhưng vẫn còn thấp; có những trường đạt trên 80 phần trăm tiêu chí.

Trong quy định về đánh giá có quy ra tiêu chuẩn chất lượng cấp 1, cấp 2, cấp 3. Cấp 3 là cao nhất thì chưa trường nào đạt được. Cấp 2 là mức khá thì đại đa số các trường đạt được. Số còn lại đạt cấp 1 là cấp thấp và không có trường nào không đạt yêu cầu.

Để đuổi kịp các trường quốc tế, tất cả các trường phải đạt kiểm định mức 3?

Chúng ta đang cố gắng đi những bước đầu tiên một cách bài bản. Ví dụ quy mô đào tạo lớn và chúng ta phải tăng cường đào tạo giáo viên như thế nào để có đủ giáo viên, đảm bảo số lượng đồng thời phải nâng cao cả chất lượng đội ngũ đó.

Chúng ta có đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ, đang tiến hành đào tạo hiệu trưởng,  nâng cao chất lượng tiếng Anh... Tất cả đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đại học. 

MỚI - NÓNG