Ông Đoàn Xuân Hòa - Bộ NN&PTNT:

Dự trữ đường ít chứ không thiếu

Dự trữ đường ít chứ không thiếu
TP - Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT cho rằng, năm nay thiếu đường là tình trạng chung, dự trữ đường trong nước hiện ở mức thấp chứ không thiếu.

>> Đường vẫn "sốt" giá, vì sao?

Hiệp hội Mía đường khẳng định đến tháng 10 tình hình sốt giá đường sẽ hết nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không thể mua được đường. Thực tế thế nào thưa ông?

Có thể nói thị trường đường nóng từ thế giới vào chứ không chỉ ở riêng Việt Nam. Tình trạng sốt giá đường có thể ví như dịch sốt xuất huyết.

Dự trữ đường ít chứ không thiếu ảnh 1
Ông Đoàn Xuân Hòa

Trên thực tế từ 5/9 đến 15/9, các nhà máy và Cty thương mại đã chào bán đường theo thời giá thị trường cho các Cty sử dụng đường tinh luyện làm nguyên liệu với số lượng không nhỏ. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng không thực hiện được do vướng mắc về giá.

Như vậy, nguồn đường luyện không thiếu nhưng các Cty không mua, vì cho rằng giá đường trong nước cao hơn giá nhập khẩu từ Thái Lan.

Về đường tinh luyện (RE), đến 15/9 số lượng đường luyện còn tại kho các nhà máy là 37.000 tấn và các nhà máy đường báo cáo, hiện còn 14.000 tấn đường tinh luyện còn có thể bán cho các cơ sở chế biến đến ngày 15/10. Như vậy không hoàn toàn đủ đường do cơ số dự trữ của chúng ta thấp, vẫn cần bổ sung.

Theo ông vì sao giá đường vẫn cao?

Về giá đường thì cũng phải xuất phát từ việc hài hòa ba lợi ích: Người nông dân trồng mía phải có lợi nhuận từ bốn phần trăm trở lên. Doanh nghiệp chế biến không bị lỗ và lợi ích xã hội, bao gồm cả các nhà máy và người tiêu dùng được mua giá hợp lý. Bản thân các nhà máy đường cũng không muốn giá đường quá cao do phải mua mía giá cao.

Việc giá mía cao sẽ khiến nông dân đổ vào trồng mía và ép nhà máy phải mua. Khi giá đường tụt thì việc điều chỉnh giá mua của nông dân rất khó khăn..

Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối đã phải cảnh báo cho Hiệp hội Mía đường về việc không được treo giá quá cao, phải hạ giá xuống để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, thị trường thế giới giá đường đang cao như vậy nên các nhà máy muốn tụt xuống cũng không được.

Hiện các thương lái đang ép nhà máy đường mua với giá cao, các nhà máy đang phải mua mía với giá 650.000 đồng/tấn tám chữ đường. Mía 10 chữ đường giá khoảng 700.000 đồng/tấn. Đây là mức quá cao.

Đại diện các nhà máy đường ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã phải nhóm họp và thống nhất nếu giá mía cao quá thì buộc phải ngừng sản xuất. Với mức giá này thì một kg đường trước thuế sản xuất ra ở mức 11.000 - 12.000 đồng. Còn đường RS giá 13.000 đồng/kg.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Bộ NN&PTNT đang gây khó trong việc cho nhập khẩu đường. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Quan điểm của chúng tôi là thị trường thiếu thì cần cấp cứu ngay. Tôi khẳng định không thiếu đường nhưng nếu doanh nghiệp cần thì cho nhập để bình ổn giá.

Vừa rồi nhiều doanh nghiệp nhân cơ hội té nước theo mưa, thấy Vinamilk xin được quota nhập khẩu đường cũng nhảy vào xin, vì lúc đó đường Thái Lan khoảng 570 USD/tấn nếu nhập về thì giá sẽ rẻ. Nhưng các doanh nghiệp không lành mạnh trong việc ngoài lượng quota được cấp, thì còn lại doanh nghiệp phải chủ động trong nước.

Thực tế, không có doanh nghiệp dùng đường với lượng lớn nào chịu ký hợp đồng với các nhà máy đường. Trước đây, họ có ký nhưng nay thì không. Họ quá ỷ lại vào nhập khẩu.

Về điều kiện nhập khẩu đường được Bộ NN&PTNT đưa ra mới đây, một doanh nghiệp lớn khẳng định cách ra văn bản này đúng là bộ NN&PTNT làm khó Bộ Công Thương và các doanh nghiệp cần nhập khẩu đường.

Hiện các doanh nghiệp cần  đường tinh luyện để đáp ứng nhu cầu sản xuất cấp bách trước mắt trong khi lại chỉ cho phép  được nhập đường thô. Đây là điều hết sức trái khoáy.  “Nói thẳng việc cấp quota như vậy chả khác gì bảo doanh nghiệp đừng làm và việc cấp phép thực chất chỉ là trò đùa”- Vị đại diện này nói.

Phạm Tuyên
Thực hiện

MỚI - NÓNG