Tiếp vụ cư dân Phú Mỹ Hưng bị đòi nộp tiền sử dụng đất:

Hệ lụy từ 'đứa con cưng' của TPHCM

Hệ lụy từ 'đứa con cưng' của TPHCM
TP - Cho đến tháng 10/2003, Bộ KH&ĐT mới chỉnh sửa giấy phép đầu tư cho Cty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng (Cty PMH) được xây dựng nhà ở để bán, nhưng thực tế PMH đã được thành phố bật đèn xanh cho làm việc này từ trước đó.

>> Thu tiền sử dụng đất tại Phú Mỹ Hưng: Phạm luật và không công bằng?

Hệ lụy từ 'đứa con cưng' của TPHCM ảnh 1
Cư dân khiếu nại hàng loạt đó có phải là hậu quả từ việc kinh doanh thiếu minh bạch của PMH? - Ảnh: Hữu Vinh

Tiền lệ xé rào

Như Tiền Phong đã thông tin (Tiền Phong ngày 15/10/2009), căn cứ mà Cty PMH đề xuất để UBND TP xem xét bảo vệ quyền lợi hơn 4.000 khách hàng có nhắc đến tiền lệ mà chính quyền TP từng ưu ái cho Cty này thực hiện.  Đó là vụ việc liên quan đến quản lý quy hoạch và xây dựng tại khu A, địa điểm R (khu trường đua ngựa) trước đây của khu vực PMH.

Ngày 21/8/2000, sau khi có ý kiến của Văn phòng kiến trúc sư trưởng thành phố, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra thông báo 1251/TB-VP, chấp thuận chủ trương chuyển đổi quy hoạch trường đua ngựa trong khu A này thành khu dân cư (đây là khu vực chiếm phần lớn hồ sơ đang bị cư dân Phú Mỹ Hưng khiếu nại việc họ bị đòi nộp tiền sử dụng đất (SDĐ)).

Tháng 12/1997, UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 cho khu vực này. Cty PMH đã phân lô bán đất có hạ tầng gần 1.900 lô chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000.

Báo cáo của Ban quản lý khu Nam, số 46/CV-BQ,  ngày 13/2/2004 cho thấy, diện tích đất bị Cty PMH xà xẻo bán trái pháp luật lên đến 320.000m2 (tại khu Hưng Gia, Hưng Phước) và xây dựng không phép 23 công trình nhà ở để bán (tổng diện tích trên 260.000 m2).

Sai phạm này đã được Tổ công tác liên ngành của Chính phủ phát hiện và báo cáo Chính phủ. Việc mua bán chưa đúng quy định nhưng không hiểu sao, UBND TPHCM vẫn ra thông báo số 345, chấp thuận cho những người mua bất động sản thuộc khu này được đóng tiền SDĐ 26.000 đồng/m2, đồng nghĩa với việc hợp thức hóa hình thức sở hữu cho họ. 

Hậu quả từ việc bật đèn xanh?

Thực tế cho thấy không phải vô cớ mà UBND TPHCM ra văn bản 345 để Cty PMH lấy làm tiền lệ hợp thức hóa cho việc làm trái luật của mình.

Theo giấy phép đầu tư 602/GP được cấp có thời hạn 50 năm (từ tháng 5/1993), Cty PMH được phép xây dựng  tuyến đường ô tô dài 17,8km, rộng 60m (10 làn xe) từ phía bắc huyện Nhà Bè đến huyện Bình Chánh (TPHCM) và xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các cụm phát triển dọc hai bên đoạn đường này với diện tích 750 ha.

Ở thời điểm này, giấy phép 602 chưa cho phép liên doanh có góp vốn nước ngoài được quyền bán nhà cũng như chuyển nhượng quyền SDĐ.

Đến tháng 2/2002, Chính phủ mới cho phép Cty PMH thực hiện việc cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng, để thực hiện các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, bán nhà cho các tổ chức, cá nhân VN, chuyển nhượng quyền SDĐ đã phát triển hạ tầng.

Kế đến, tháng 10/2003, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chỉnh sửa giấy phép đầu tư cho Cty PMH được phép  xây dựng nhà ở để bán.

Thế nhưng ngay từ năm 1998, TPHCM đã bật đèn xanh cho Cty PMH làm công việc vốn được Chính phủ cho phép từ 2002, với sáu giấy phép đầu tư con, để đầu tư hàng loạt dự án địa ốc quy mô lớn.

Đó là  khu phố đa hợp Mỹ Hưng (15.540 m2) trong khu A để bán cho người Việt, vốn bảy triệu USD (giấy phép số 28/GP-HCM, ký ngày 27/4/1998);  khu phố Mỹ Cảnh, năm triệu USD (58/GP-HCM, ngày 29/8/1998); khu nhà ở trong khu A (8.357 m2, vốn bốn triệu rưỡi USD,  163/GP-HCM, ngày 31/8/2000)...

Hành động vượt cấp của UBND TP bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hiện và thổi còi. Song mọi chuyện cũng đã đâu vào đấy, khi UBND TP làm động tác ra quyết định chấm dứt hiệu lực pháp lý các loại giấy phép vào  ngày 30/6/2003. 

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tuy là giấy phép con, nhưng thực chất cho phép một dự án độc lập được thực hiện..., khi chấm dứt phải có thanh lý, xem xét việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của từng dự án của giấy phép con.

Bởi lẽ, UBND TP rút các giấy phép này nhưng không xử lý các hệ quả của nó, tạo ra khó khăn lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, tạo khoảng trống về mặt pháp lý đối với các dự án do UBND TPHCM cấp giấy phép đầu tư. Những ưu ái trên của chính quyền thành phố không chỉ xé rào cho phép Cty PMH bán nhà ở mà liên doanh này còn bán cả đất có hạ tầng.

Thực tế, dựa vào sáu giấy phép con, trong giai đoạn này, Cty PMH đã hoạt động có lợi nhuận và phía đối tác Việt Nam cũng được chia 17,5 triệu USD và được Bộ Tài chính cho phép liên doanh này chuyển lợi nhuận về Cty mẹ là Cty CT&D (Đài Loan) 10,6 triệu USD.

Song, ngậm ngùi thay, cũng ở thời điểm đó, lợi ích quốc gia đã bị gạt ra ngoài bởi những hành động được nghi ngờ là cố ý làm trái này. Theo xác định của Tổ Công tác liên ngành, Cty PMH đã không chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo thông báo của Cục Thuế TPHCM  với mức thuế phải nộp lên đến gần  500 tỷ đồng.  

MỚI - NÓNG