Học viện Ca trù?

Học viện Ca trù?
TP - Không có trong nội dung chương trình hành động bảo tồn ca trù, nhưng ý tưởng về một Học viện Ca trù được nhiều người khởi xướng, ủng hộ.
Học viện Ca trù? ảnh 1
CLB Ca trù Thăng Long có mô hình gần giống giáo phường xưa, nhưng hoạt động miễn phí và gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Vũ Duy Sinh

Khi ca trù được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, nhiều người khẳng định nhiệm vụ trước mắt là phải quan tâm đặc biệt đến nghệ nhân cao niên và công tác truyền dạy trước khi quá muộn. Như vậy không có nghĩa là truyền nghề cấp tốc để cho ra những đào, kép kém cỏi sau những khóa học sơ sài.

Xứng tầm

Đó là khẳng định của TS.Đặng Hoành Loan, người trực tiếp chỉ đạo xây dựng hồ sơ ca trù. “Đây là một nghệ thuật điêu luyện và hoàn chỉnh bậc nhất với đầy đủ niêm luật, phép tắc được ghi chép khoa học trong các văn bản Hán - Nôm”.

Ông Loan cũng cho biết, kiểu học viện này có nhiều ở Nhật Bản. Việt Nam có Học viện Tỳ bà của nhạc sư Nguyễn Hữu Ba rất nổi tiếng hồi đầu thế kỷ XX.

Mô hình này xem ra khá đồng điệu với ý tưởng Hiệp hội những người yêu ca trù của ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Còn ca nương Bạch Vân, người lăn lộn nhiều năm với ca trù, tỏ ra vui mừng nếu ý tưởng được hiện thực hóa. Theo bà, “mỗi nghệ nhân ra đi đều là tổn thất lớn. Nếu có một nơi tập hợp được nghệ nhân về dạy thì rất nên”.

Đào nương Nguyễn Thị Thu Hằng - nhóm ca trù Hải Phòng cho rằng “Giá trị nghệ thuật của ca trù xứng đáng để lập học viện mà không cần đợi UNESCO công nhận”.

Nên thế nào?

Vẫn theo ông Loan, Học viện Ca trù nên theo kiểu “nhỏ mà tinh”, nghĩa là mỗi năm chỉ cần đào tạo năm đến sáu em hoặc hơn một chút, chất lượng cao. Ông tâm đắc: “Học viện tư nhân hoặc của tổ chức phi chính phủ là tuyệt vời nhất”.

Đào nương Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long lại cho rằng, học viện nên mô phỏng các giáo phường xưa. Đào nương vừa rèn giũa, vừa kết hợp biểu diễn để có thể sống bằng nghề và nếu được thì thêm chức năng nghiên cứu. Theo chị mô hình như vậy chỉ nhà nước hoặc tổ chức lớn mới gánh vác được.

Bạch Vân lại chú trọng chất lượng đào tạo: “Nghệ nhân cao niên ít, trong đó có người vẫn mai danh ẩn tích. Việc chọn ai dạy và truyền dạy thế nào- phải có tiêu chí rõ ràng bài bản”. 

Đào nương Thu Hằng nhấn mạnh thêm, quan trọng là phải quan tâm, ưu đãi nghệ nhân. Truyền dạy tại địa phương thường gặp khó khăn nên nếu đúng thầy, đúng trò, chí ít các cụ cũng truyền lại dăm phần tinh hoa cổ nhạc.

Trong chương trình hành động để gìn giữ ca trù, vai trò của nghệ nhân được đặt lên hàng đầu còn trước mắt chú trọng truyền dạy tại từng địa phương. Với tư cách nhà nghiên cứu và quản lý, ông Đặng Hoành Loan cho rằng, nếu kết hợp tốt giữa du lịch và biểu diễn, các học viên hoàn toàn có thể sống được bằng nghề.

MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.