Không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên

Không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên
TP - Hôm qua, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế Tài nguyên. Nhiều ý kiến không hài lòng với dự thảo luật bởi chưa làm rõ được tài nguyên nào khuyến khích khai thác, tài nguyên nào cần bảo vệ cho con cháu sau này.
Không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên ảnh 1
Nhiều đại biểu Quốc hội: Không nên khuyến khích xuất khẩu than. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính & Ngân sách của Quốc hội, trong những năm gần đây, tình trạng khai thác tài nguyên diễn ra khá mạnh, có phần kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương.

Luật thuế này sẽ là công cụ vĩ mô quan trọng để một mặt khai thác tốt nguồn lực tài nguyên phục vụ quá trình phát triển kinh tế, mặt khác, bảo đảm quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là nguồn tài nguyên không tái tạo.

Phát biểu tại đoàn Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã thất thu khá nhiều trong lĩnh vực khai thác tài nguyên.

“Là thành viên Chính phủ nhưng tôi tán thành với quan điểm của Ủy ban Tài chính & Ngân sách, luật thuế ban hành phải làm sao giữ được tài nguyên cho con cháu sau này”- Ông Nguyên nói.

Không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên ảnh 2

Không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên ảnh 3Trung Quốc mua khoáng sản thô không phải để phục vụ sản xuất ngay mà họ đưa vào những mỏ nhân tạo. Dự báo nguồn tài nguyên trên toàn cầu đang dần cạn kiệt, nên phải sau năm 2050 Trung Quốc mới khai thác những mỏ nhân tạo này để phục vụ sản xuất.Không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên ảnh 4 - Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên.

Thực tế là, trước đây giao mỏ cũng không ai nhận, do không có thị trường. Việc khai thác chỉ rộ lên trong mấy năm gần đây. Dẫn đến, các địa phương cấp phép khai thác mỏ tràn lan. Đặc biệt, sau khi phân cấp về địa phương, đã có tới hơn 4.000 giấy phép khai thác được cấp, trong khi Bộ TN&MT chỉ ban hành hơn 100 giấy phép.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đồng tình, phải kiểm tra ngay việc cấp phép khai thác mỏ tràn lan tại các địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, việc khai thác khoáng sản để phục vụ sản xuất trong nước, thúc đẩy kinh tế phát triển thì cần khuyến khích. Còn đơn thuần khai thác rồi xuất khẩu thô thì phải xem xét cẩn trọng. Đáng tiếc là những quy định trong dự thảo luật chưa làm rõ được quan điểm này.

Đại biểu Tất Thành Cang (TPHCM) cho rằng, phải tăng mạnh thuế suất đối với những tài nguyên không tái tạo được. Tiến tới, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô.

Khung thuế phải do Quốc hội quyết

Dự thảo luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, có đề xuất, Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể tại từng thời điểm đối với từng đối tượng chịu thuế.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính & Ngân sách cho rằng, điều này là không hợp lý, bởi Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định rõ chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc chính sách thuế, trong đó có mức thuế suất cụ thể. Trong trường hợp thật đặc biệt, để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thuế suất cụ thể.

“Thuế suất không thể giao Chính phủ quy định mà đã được hiến định là Quốc hội quyết”- Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nói. Nội dung này đã được quy định trong Hiến pháp nên việc giao Quốc hội quyết định mức thế suất là điều không cần phải bàn cãi.

Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cũng cho rằng, dự thảo luật lặp lại tình trạng luật khung, luật ống, giao cho Chính phủ hướng dẫn quá nhiều. Trong khi đó, khung thuế suất lại quá rộng, rất dễ dẫn đến việc vận dụng tùy tiện, nảy sinh cơ chế xin - cho. Ngoài ra, một số quy định về giá tính thuế trong dự thảo luật cũng không khả thi, còn cảm tính.

Mỏ của TKV cũng phải có giấy phép

Trao đổi với Tiền Phong bên lề kỳ họp về hoạt động khai thác, kinh doanh than của Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV), Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho biết, Bộ đang cấp phép lại các mỏ để giám sát việc khai thác than của TKV.

Thời gian qua dư luận nói nhiều đến việc khai khác, xuất khẩu than lậu liên quan đến các đơn vị của TKV. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ TN&MT sẽ có đề xuất gì để chấn chỉnh, thưa ông?

Chúng ta phải cấp phép lại. Trong sáu tháng qua, chúng tôi đã tiến hành cấp  53 giấy phép cho các mỏ của TKV. Từ trước đến nay, các mỏ này hoạt động không có phép tắc gì cả. Lần này, trong giấy phép đã quy định cụ thể phạm vi khai thác ra sao. Do vậy, việc khai thác than sẽ được chấn chỉnh lại.

Thực tế TKV đang khai thác những mỏ này rồi, việc cấp phép sau có gây trở ngại gì không, bởi trả lời báo Tiền Phong, Chủ tịch TKV Đoàn Văn Kiển cho rằng nên cấp phép chung cho tập đoàn chứ không nên cấp phép theo từng mỏ, thưa ông?

Không có trở ngại gì cả. Ông Đoàn Văn Kiển đã đồng ý với tôi tất cả các điều. Việc cấp phép lại sẽ xác định rõ trữ lượng và ranh giới khai thác. Không ai nói là gây khó khăn cả.

Trước đây, chỉ quy định phạm vi khai thác của TKV mà không cấp phép từng mỏ. Nhưng tôi cho rằng Tập đoàn cũng chỉ là một doanh nghiệp, tất cả phải hoạt động theo luật và sự quản lý của nhà nước. Tất nhiên, chúng tôi sẽ tính toán ủy quyền một phần nào đó cho TKV. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh lại cấp phép tổng thể là phải nhà nước làm. Không thể cấp phép theo kiểu cả gói.

Vấn đề là sau cấp phép sẽ giám sát việc khai thác ra sao, thưa ông?

Năm nào chúng tôi cũng tổ chức kiểm tra. Có những phần giao cho Sở Công thương, có phần giao cho Sở TN&MT kiểm tra, giám sát. Sáu tháng một lần đơn vị được cấp phép phải báo cáo về tình hình khai thác tại các mỏ. Nếu đơn vị nào sai thì sẽ bị phạt, thậm chí thu hồi giấy phép.

Quan điểm của Nhà nước là khai thác than trước hết để phục vụ sản xuất trong nước, những loại nào không dùng thì mới xuất khẩu, nhưng thực tế là TKV luôn khai thác, xuất khẩu than vượt so với kế hoạch, vậy ai giám sát điều này?

Đây hoàn toàn là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Xuất khẩu bao nhiêu là do Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, có những loại than cũng phải cho xuất khẩu bởi mình không tận dụng được, sử dụng trong nước không hết. Có những loại than mình xuất, có những loại thì mình lại phải nhập.

Cảm ơn ông!

Ngọc Tiến
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.