Bỏ sót vài “nhân tài” là chuyện bình thường

Bỏ sót vài “nhân tài” là chuyện bình thường
TP - “Đừng mong có sự công bằng tuyệt đối 100%...” - Nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Ban công tác Nhà văn trẻ - khẳng định trong cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong xung quanh chuyện kết nạp hội viên mới và những dư luận trái chiều.
Bỏ sót vài “nhân tài” là chuyện bình thường ảnh 1
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Theo cơ cấu của Hội Nhà văn thì có các ban chuyên môn, vậy vai trò của Ban Công tác Nhà Văn trẻ đến đâu trong việc xét kết nạp hội viên mới, thưa chị?

Ban được quyền xét những nhà văn từ 40 tuổi trở lại, căn cứ trên những thành tựu của họ và các hoạt động nổi bật. Ý kiến của ban được tôn trọng tối đa vì sau một thời gian hoạt động, chúng tôi đã khẳng định được sự công tâm và mục tiêu vì sự phát triển của văn học.

Như trường hợp của Phạm Duy Nghĩa (văn xuôi) và Vi Thùy Linh (thơ), trong kỳ xét duyệt năm 2007, họ đã bị hội đồng bỏ ra, không cho phiếu nào, nhưng Ban Văn trẻ lại ủng hộ 100% phiếu nên cuối cùng họ đã được vào Hội.

Ban Văn trẻ thời gian gần đây làm được rất nhiều việc. Để trả lời câu hỏi “Nhà văn đang làm gì” đối với Ban Văn trẻ có vẻ khá dễ dàng?

Đúng vậy. Hội nghị viết văn trẻ ở Hội An rất thành công, nhất là trong thời điểm kinh tế thị trường hiện nay thì đây là một cuộc tập hợp những phong cách sáng tạo trẻ để được giao lưu, gặp gỡ, nhận diện nhau trên phạm vi toàn quốc.

Bốn sân thơ trẻ của bốn năm trở lại đây luôn thành công. BTC chúng tôi lo cháy lòng cháy ruột cho chương trình và cuối cùng thì năm nào cũng đông nghịt khán giả, kịch bản được đánh giá tốt và mỗi năm lại có điểm khác biệt, mới mẻ hơn so với năm trước.

Kết quả là đã quy tụ được một đội ngũ các tác giả trẻ nhiệt tình, năng động và thành công trên con đường sáng tác của mình. Có những cây bút mà qua các hoạt động đó, Ban Văn trẻ đã giới thiệu để vào Hội như: Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Bùi Tuyết Mai… Nhiều tác giả thành danh, vững vàng trên văn nghiệp như Dạ Thảo Phương, Vi Thùy Linh, Thụy Anh, Nguyễn Phan Quế Mai, Điệp Giang…

Chúng tôi đã tiến hành một loạt các tọa đàm về những vấn đề văn học, chủ yếu là văn xuôi, như: Tọa đàm truyện ngắn 8X, tọa đàm Văn học dịch, Tọa đàm về các tác giả: DiLi, Phong Điệp, Đặng Thiều Quang. Sắp tới đây sẽ là tọa đàm về nhà văn trẻ Nguyễn Quỳnh Trang (ngày 29/10/2009).

Ban Văn trẻ luôn quan tâm đến sáng tác của các nhà văn trẻ đã vào hội và bao quát được hoạt động của những người chưa vào hội. Chúng tôi chỉ có 9 người trong Ban, lại phân bố trên các tỉnh thành, nhưng hoạt động đều tay, hiểu ý nhau và đã huy động được sức mạnh của các cộng tác viên như: Lê Anh Hoài, Nguyễn Trương Quý…

Ban Văn trẻ có phát hiện được các tác giả trẻ từ việc đọc tác phẩm của họ trong đời sống văn học?

Khi đi công tác Hà Giang, tôi gặp Chu Thị Minh Huệ, Huyền Minh…, khi đi Tuyên Quang, chúng tôi cũng phát hiện thêm Tằng A Tài, Quang Bình. Các cộng tác viên của Ban cũng chung tay giới thiệu các cây viết mới. Anh Hữu Việt phát hiện ra Thụy Anh (ở Nga), Phong Điệp giới thiệu Lệ Bình Quan (ở Quảng Bình), Dạ Thảo Phương giới thiệu Điệp Giang (hiện đã đi Hà Lan)…

Chúng tôi gửi tác phẩm của họ tới hội, và những ai có thể thì đều tham gia cộng tác với Ban Nhà văn trẻ, dù chưa phải là hội viên. Tất cả đều hoạt động vô tư và vì ý thức cống hiến cho văn học phát triển hơn.

Bỏ sót vài “nhân tài” là chuyện bình thường ảnh 2
Các nhà văn, nhà thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam 2009

Liệu có khi nào thay đổi được cơ chế xin - cho để vào Hội như hiện tại? Giả sử Hội sẽ đọc và thẩm định tác phẩm của người viết, lập hội đồng xét duyệt trước rồi gửi thư mời gia nhập Hội tới những cây bút đáng chú ý. Người viết nào quan tâm thì mới gửi đơn xin gia nhập và hồ sơ đầy đủ. Như thế, vừa khách quan hơn vì sẽ đánh giá trên tiêu chí tác phẩm là quan trọng nhất chứ không phải sự quen thân, đồng thời vừa giảm tải đáng kể về mặt số lượng những lá đơn ở “tầm cỡ làng nhàng” rơi rớt hết kỳ này qua kỳ khác, gây khó dễ cho hội đồng xét duyệt?

Để hoạt động được như mô hình đó, tôi cho rằng cần thành lập lại một cơ quan khác chứ không phải Hội Nhà văn như hiện tại. Kiểu hoạt động đó sẽ giống một động tác sàng sẩy, hạt nào mẩy thì ở lại, hạt nào lép thì bay ra. Nhưng hội đồng đủ tư cách lựa chọn kiểu đó thì phải gồm các… thiên thần trên đỉnh Olympia (cười). Chứ con người thì không thể như thánh được.

Sự nhận định của một con người hay một tập thể người nào đó chắc chắn có lúc đúng, lúc sai, không thể nào công bằng 100% được.

Cùng với thời đại, các tiêu chí chắc chắn có thể thay đổi cho phù hợp hơn, dựa trên sự đóng góp tích cực của những người trong và ngoài Hội, nhưng không nên thiếu thiện chí mà phát biểu lung tung.

Vào hội là việc cần tự nguyện và phù hợp. Còn trong cuộc sống, ở đâu và khi nào thì sự công bằng vẫn chỉ là tương đối thôi. Vẫn có những trường hợp đạt 7 - 8 nhưng không vào được, người khác chỉ 4 - 5 thôi đã được vào.

Tôi cho rằng, đó là yếu tố may rủi của mỗi số phận. Trong sự lựa chọn, có thể Hội vẫn để lọt một vài nhân tài nhưng chưa chắc những người đó đã kêu ca mà lại tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp viết lách. Khiêm tốn là đức tính cực kỳ cần thiết đối với nhà văn. Còn nếu vượt được lên trên sự may rủi thì đó chính là ý chí.

Nếu hiểu điều đó thì việc vào Hội Nhà văn hay không chỉ đơn giản là yếu tố gia nhập một hội nghề nghiệp. Mà đã là hội nghề thì phải tinh chứ làm gì có chuyện xét ồ ạt cho vào tất cả được.

Nhiều người cứ nghĩ vào hội xong sẽ là nhà văn... suốt đời, từ đó coi hội là cái đích đến, chứ không phải là điểm khởi đầu cho hành trình sáng tác mới. Thế nên mới có câu chuyện vui là Hội nên hoạch định ra hai tiêu chí: Một loại nhà văn vào hội do những sáng tác và loại kia được cấp thẻ do có nhu cầu là hội viên HNV…

Hội viên Hội Nhà văn Phạm Sỹ Sáu

Tôi không vào hội nhưng vẫn hoạt động rất tốt trong lĩnh vực của mình, bám sát đời sống văn học cả trên bề nổi và những vấn đề chìm sâu. Tôi cho rằng, việc vào hội là dựa trên sự tự nguyện của mỗi người viết. Tôi vẫn luôn ủng hộ mọi hoạt động của Hội nhà văn và làm hết sức mình những gì có thể hỗ trợ cho hoạt động của hội.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa

 Hòa Bình thực hiện

MỚI - NÓNG