Vụ náo động Bệnh viện Tây Đô: Sự thật và trách nhiệm

Vụ náo động Bệnh viện Tây Đô: Sự thật và trách nhiệm
TP - Sau loạt bài về những náo động ở Bệnh viện Tây Đô (tên đầy đủ là Cty TNHH Bệnh viện Tây Đô), Báo Tiền Phong nhận được đơn yêu cầu cải chính của ông Diệp Thanh Bình, và nhiều thư của các thành viên sáng lập.

>> Vụ náo động ở Bệnh viện Đa khoa Tây Đô: Sẽ thanh tra toàn diện

Vụ náo động Bệnh viện Tây Đô: Sự thật và trách nhiệm ảnh 1
Bệnh viện Tây Đô - Ảnh: Sáu Nghệ

Sự thật

Đơn yêu cầu cải chính của ông Diệp Thanh Bình được ghi chức vụ là Chủ tịch Hội đồng Thành viên và bà Trần Thị Thu Vân được ghi là Thành viên Hội đồng Thành viên.

Đơn viết rằng câu Trong lúc vợ ông Bình (bà Trần Thị Thu Vân) chưa góp vốn, không đảm nhận chức vụ nào trong bệnh viện, nhưng ngày 20/10/2006, lại tự xưng danh Giám đốc Bệnh viện Tây Đô ký hợp đồng cung cấp thiết bị y tế trên Báo Tiền Phong là “sai sự thật”.

Chi tiết bà Vân tự xưng danh giám đốc quả là chưa chính xác, nhưng sự không chính xác này có nguyên nhân ở sự không trung thực của ông Bình.

Trong lúc bà Vân còn là giám đốc nhưng ông Bình nhiều lần tự xưng giám đốc để ký các hợp đồng kinh tế và đóng dấu bệnh viện, chẳng hạn Hợp đồng kinh tế giao nhận thầu xây lắp công trình ngày 25/5/2006, Phiếu giá thanh toán khối lượng thực hiện ngày 7/7/2006.

Thực tế, từ ngày 16/11/2006, thay đổi lần hai giấy đăng ký kinh doanh, ông Bình mới làm chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc, còn trước đó các chức vụ này do bà Vân đảm nhiệm.

Về thông tin bà Vân chưa góp vốn, căn cứ vào bản Danh sách thành viên góp vốn đến 15/3/2009 do ông Bình ký tên, đóng dấu bệnh viện. Danh sách này ghi ông Bình góp hơn 14 tỷ đồng, không có tên bà Vân.

Thực tế số tiền do bà Vân góp, còn ông Bình cho đến nay, theo thư của nhiều thành viên gửi Báo Tiền Phong, chưa góp đồng nào. 

Đơn của ông Bình cho rằng câu Ngày 21/8, 12 thành viên góp hơn 50% vốn điều lệ ra thông báo… sáng 22/8, các thành viên chiếm 69,8% vốn điều lệ của bệnh viện tổ chức cuộc họp là “thông tin sai sự thật”.

Tuy nhiên, theo danh sách thành viên góp vốn đến 10/7/2009 do Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Hoàng ký tên, đóng dấu bệnh viện đã khẳng định rất rõ những tỷ lệ này.

Đơn của ông Bình “khẳng định ông Hoàng không phải là thành viên sáng lập”. Nhưng tại Biên bản họp Hội đồng Thành viên do chính ông Bình chủ trì, ký tên, đóng dấu bệnh viện, vào các ngày 17/5/2008, 14/6/2008, 25/7/2009 đều khẳng định ông Hoàng là thành viên sáng lập.

Đơn của ông Bình cho rằng, báo viết sáng 22/8 ông đem con dấu về nhà là “sai sự thật” và ông cung cấp biên bản kiểm tra vào chiều 22/8 xác nhận con dấu vẫn ở bệnh viện.

Tiền Phong xin khẳng định lại thông tin sáng 22/8, ông Bình đem con dấu về nhà dựa vào Biên bản kiểm tra con dấu của bệnh viện và Tờ trình của PGĐ bệnh viện Nguyễn Phương Kiều lúc 10 giờ sáng 22/8.

Trách nhiệm

Vấn đề Tiền Phong đặt ra, quyền lợi của các thành viên góp vốn phải được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.

Quan điểm này được lãnh đạo TP Cần Thơ đồng tình, thể hiện rõ ở phát biểu với Tiền Phong của Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Tô Minh Giới: “Bảo vệ quyền lợi của các thành viên góp vốn xây dựng bệnh viện, bảo vệ luật pháp, để bảo vệ chủ trương xã hội hóa hoạt động y tế”.

Việc góp vốn ở bệnh viện, dưới quyền chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc mà vợ chồng ông Bình thay nhau nắm giữ (có lúc kiêm cả thủ quỹ), là chưa đảm bảo quyền lợi của các thành viên góp vốn.

Hầu hết thành viên góp vốn đang phản đối ông Bình, cuộc họp sáng 27/10 nhằm giải quyết mâu thuẫn nhưng căng thẳng đến mức phải hoãn là dẫn chứng mới nhất.

Trong thư gửi Tiền Phong, nhiều thành viên góp vốn cho biết đang yêu cầu ông Bình trả lời: Tại sao ông đăng ký 10 tỷ đồng để làm lãnh đạo, đến nay chưa góp đồng nào?

Đặt vấn đề bảo vệ quyền lợi của các thành viên góp vốn, không thể không đề cập đến trách nhiệm của cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở Sở KH-ĐT TP Cần Thơ.

Luật sư Nguyễn Trường Thành ở Văn phòng Luật sư Vạn Lý cho biết, Điều lệ của bệnh viện có nhiều điểm trái với Luật Doanh nghiệp. Cơ quan cấp phép biết không? Luật Doanh nghiệp quy định cụ thể việc hậu kiểm, ở đây từ năm 2004 đến nay, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đổi lại lần thứ ba, nhưng danh sách thành viên và số tiền góp không hề thay đổi. Cơ quan cấp phép luôn ghi 35 tỷ đồng cho vợ chồng ông Bình, khác xa với thực tế, tại sao?

Đính chính

Báo Tiền Phong số 237 ngày 25/8/2009, bài Náo động ở Bệnh viện Đa khoa Tây Đô có câu: “Vợ ông Bình chưa góp vốn, không được bầu giữ chức vụ nào trong bệnh viện, nhưng ngày 20/10/2006, lại xưng danh Giám đốc Bệnh viện Tây Đô ký hợp đồng” là chưa chính xác.

Thực tế, lúc đó vợ ông Bình, bà Trần Thị Thu Vân, đã góp 10 tỷ đồng, đang là Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Giám đốc, cho đến ngày 16/11/2006 mới bàn giao cho ông Bình. Xin cáo lỗi với bà Vân và độc giả.

MỚI - NÓNG