Ai tiếp tay Cao Minh Huệ làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng?

Bài 2: Biến 'đất tư' thành khu công nghiệp 'ảo'

Bài 2: Biến 'đất tư' thành khu công nghiệp 'ảo'
TP - Thực tế, ngay sau khi bán vườn cao su, dấu hiệu khuất tất trong vụ “hô biến” hơn 658 ha đất công đã bộc lộ khá rõ, song không được lãnh đạo UBND tỉnh xử lý.

>> Bài 1: Biến hóa đất công thành đất tư

Bài 2: Biến 'đất tư' thành khu công nghiệp 'ảo' ảnh 1
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Sơn (ngoài cùng bên phải) đối thoại với PV báo Tiền Phong, Lao Động, Nông nghiệp VN ngày 29/7/2007 - Ảnh: P.L.T

Mượn Bộ để đè Thanh tra

Ngay từ tháng 12/2000, Tổng Cục Thuế đã có văn bản (số 5786) hướng dẫn tỉnh Bình Dương: Sobexco là DN nhà nước, được nhà nước giao đất, nếu không có nhu cầu sử dụng nữa thì phải trả lại để nhà nước giao cho đơn vị khác.

Trường hợp Sobexco chuyển nhượng QSDĐ chưa được phép thì phải xử lý vi phạm, xử phạt hành chính, truy thu nộp ngân sách. Trường hợp được phép thì phải nộp thuế chuyển quyền SDĐ. Số tiền SDĐ còn lại phải nộp ngân sách.

Thế nhưng, ngày 10/4/2002, Phó Chủ tịch tỉnh Trần Thị Kim Vân vẫn ký Quyết định số 2826 thu hồi 352 ha đất (bán đợt hai), giao cho UBND huyện Bến Cát lập thủ tục giao đất và cấp GCNQSDĐ cho người mua.

Đến lúc này, ông Phạm Soại (đã nói tới ở số báo trước) có đơn xin cấp GCNQSDĐ kèm theo giấy ủy quyền của 36 người khác trước đây thực tế đã bỏ tiền mua vườn cao su nhưng nhờ ông Phạm Soại đứng tên hộ. Trong danh sách có cả vợ, em vợ và hai con gái của ông Cao Minh Huệ - thành viên hội đồng đấu giá thanh lý tài sản Sobexco.

Theo quy định, người thân của thành viên hội đồng đấu giá thanh lý không được phép đăng ký mua vườn cao su. Tuy nhiên, vi phạm này đã không được UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định

Năm 2006, sau khi Thanh tra tỉnh vào cuộc làm rõ và có kết luận, đề nghị xử lý sai phạm, thu hồi GCN QSDĐ đã cấp sai, UBND tỉnh họp liên ngành, đóng góp ý kiến về kết luận thanh tra.

Không ít báo cáo của các sở ngành đồng tình với quan điểm của thanh tra. Tuy nhiên, thay vì đề nghị Thanh tra Chính phủ tiến hành phúc tra khi chưa nhất trí với kết luận của Thanh tra tỉnh, tháng 11/2006, bà Trần Thị Kim Vân ký văn bản số 5945 tham vấn ý kiến của lãnh đạo Bộ TNMT.

Dựa theo văn bản hướng dẫn của Bộ TNMT, ngày 10/1/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn chỉ đạo tiếp tục giao đất cho 71 hộ gia đình, cá nhân.

Không chỉ làm sai Luật Thanh tra, nhiều khúc mắc cần được làm rõ xung quanh việc tham vấn ý kiến của Bộ TNMT.

Văn bản xin hướng dẫn của UBND tỉnh và văn bản hướng dẫn số 5649 (do Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ ký) đều đề cập các đối tượng mua vườn cao su (sau đó được cấp GCNQSDĐ) là qua đấu giá, nhưng thực chất cả hai đợt bán vườn cao su, tỉnh Bình Dương đều thực hiện phương án bán thẳng sau khi tổ chức đấu giá không thành. Và, tại phương án giải thể, lãnh đạo Sobexco thừa nhận giá bán không gồm giá trị đất.

Khu công nghiệp thật và ảo

Khi dư luận báo chí liên tiếp có bài điều tra phản ánh vụ tiêu cực đất đai của Sobexco thì vào ngày 20/2/2006, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Sơn có văn bản số 725 đề nghị Thủ tướng chính phủ chấp thuận cho tỉnh triển khai khu công nghiệp - dịch vụ (KCN-DV) An Tây quy mô 1.350 ha, trên cơ sở đề xuất của Cty sản xuất và XNK Bình Dương.

KCN –DV An Tây được thực hiện trên cơ sở KCN An Tây hiện hữu đã được Thủ tướng phê duyệt (quy mô 500 ha) và toàn bộ phần đất cao su có nguồn gốc của Cty Sobexco.

Sáu tháng sau khi tỉnh Bình Dương xin chủ trương, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1107 ngày 21/8/2006 phê duyệt quy hoạch các KCN ở VN.

Theo danh mục các KCN ban hành kèm theo quyết định này thì đến năm 2020, Bình Dương chỉ có KCN An Tây 500 ha, không có KCN-DV An Tây.

Tại cuộc họp ngày 21/12/2006, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, ông Mai Thế Trung – Bí thư Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương quy hoạch, và giao Cty sản xuất và XNK Bình Dương tổ chức thực hiện dự án khu liên hợp công nghiệp và dịch vụ An Tây quy mô 1.300 ha; giao UBND tỉnh tiến hành các thủ tục trình Chính phủ chấp thuận chủ trương một lần nữa.

Ngày 21/3/2007, ông  Nguyễn Hoàng Sơn ký văn bản số 1291 chấp thuận quy hoạch và đồng ý triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Xây dựng KCN 500 ha và một khu dịch vụ 400 ha. Giai đoạn 2: mở rộng KCN thêm 450 ha.

Ngay sau đó, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng dự án; ban hành đơn giá bồi thường hỗ trợ khi thu hồi nhà đất...

Tại văn bản số 3679 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước vào tháng 8/2007, ông Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định: “Đối với dự án Khu liên hợp, UBND tỉnh cho rằng được hình thành trên cơ sở quy hoạch phát triển các KCN của tỉnh Bình Dương đến năm 2015 -2020 và quy hoạch phát triển các KCN ở VN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1107 (!!!).

Nhân dân tại địa phương và những hộ có đất phải giải tỏa đều nhất trí và ủng hộ nhà nước quy hoạch phát triển công nghiệp và dịch vụ ở vùng này. Cty sản xuất và XNK Bình Dương đã ký nhiều hợp đồng đầu tư với các DN, tập đoàn nước ngoài trong đó có một khu công nghệ kỹ thuật cao 100 ha...”

Bài 3: Biến khu công nghiệp ảo thành tiền thật

MỚI - NÓNG