Trình QH về Dự án thủy điện Lai Châu và Điện hạt nhân

Trình QH về Dự án thủy điện Lai Châu và Điện hạt nhân
Chiều nay 6/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo chủ trương đầu tư hai dự án: Nhà máy thủy điện Lai Châu và Điện hạt nhân Ninh Thuận; trình Dự án Luật thuế nhà, đất.

Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu của Chính phủ do Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nêu rõ: Thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Thủy điện Lai Châu dự kiến được xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Đây là công trình thủy điện không những có vai trò quan trọng trong việc phát điện cung cấp cho đất nước, tham gia cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa kiệt mà còn tạo cơ hội góp phần phát triển kinh tế- xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên (đặc biệt là huyện miền núi biên giới Mường Tè), đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Do vai trò và vị trí quan trọng của hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng sông Đà, công tác nghiên cứu thiết kế, quy hoạch, thẩm định các dự án đã được thực hiện một cách thận trọng và được sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan, đồng thời thu hút ý kiến đóng góp của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước, cơ quan tư vấn trong và ngoài nước, các hội khoa học chuyên ngành, các trường đại học và các chuyên gia.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Dự án Thủy điện Lai Châu phù hợp với quy hoạch đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hồ sơ của Dự án cơ bản đáp ứng các yêu cầu do pháp luật quy định; nhất trí đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện Lai Châu tại Kỳ họp thứ 6.

Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan lập, thẩm định và trình Dự án cung cấp thông tin, giải trình rõ hơn một số vấn đề chủ yếu như: Việc thực hiện nhiệm vụ “góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc” của Dự án thủy điện Lai Châu; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình trong một số tình huống tác động bất lợi và rủi ro; hiệu quả kinh tế tổng hợp của Dự án trong cân đối tổng thể giữa vốn đầu tư và lợi ích kinh tế do Dự án mang lại, cũng như các chi phí cần thiết để bảo đảm di dân tái định cư bền vững, bảo vệ môi trường và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu.

Chính phủ làm rõ hơn tính hợp lý trong dự toán vốn và phương thức huy động vốn; công tác tổ chức, phân công và phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng công trình đập và nhà máy; di dân tái định cư; các công trình tránh ngập phục vụ Dự án; những cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án cần trình Quốc hội xem xét, quyết định khi thông qua chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện Lai Châu.

Điện hạt nhân phải đảm bảo an toàn cho con người và môi trường

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đọc Tờ trình xin chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nêu rõ cơ sở pháp lý, định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030; tóm tắt nội dung báo cáo đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã được thẩm định.

Mục tiêu phát triển điện hạt nhân của Việt Nam là vì hòa bình, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân ở nước ta đảm bảo quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân, tăng dần tỷ lệ tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tiến đến tự chủ về thiết bị, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân đến năm 2030. Phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.

Về sự cần thiết phát triển điện hạt nhân của nước ta, tờ trình nêu rõ: Nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Nguồn năng lượng sơ cấp, ngoài tiềm năng than có thể gia tăng nguồn cung trong vài chục năm tới (nhưng cũng không được nhiều), các tài nguyên năng lượng khác như thủy điện, dầu mỏ, khí đốt dự kiến được khai thác ở mức tối đa trong giai đoạn 2015-2020 và ít biến đổi, nếu không có phát hiện đột biến, khả năng khai thác dầu mỏ và khí đốt sẽ giảm dần.

Do vậy, giải pháp tổng thể giữa sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng trong nước, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí đốt ở tỷ trọng thích hợp và việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là giải pháp tối ưu: góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp, tăng cường an ninh cung cấp năng lượng, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, giảm nhập khẩu nhiên liệu; tăng cường tiềm lực khoa học kỹ thuật, công nghệ và phát triển hạ tầng kỹ thuật; giảm phát thải khí ô nhiễm môi trường từ các nhiên liệu hóa thạch.

Giải pháp này phù hợp với xu thế phát triển điện hạt nhân hiện nay của khu vực và thế giới; phù hợp với Chiến lược phát triển điện lực, Chiến lược ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2025, tầm nhìn đến năm 2050; đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho đất nước. Điện hạt nhân có thể cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với các loại nhà máy điện khác dùng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Thẩm tra dự án, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: báo cáo đầu tư Dự án được chuẩn bị công phu. Để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc khẩn trương chuẩn bị để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và đưa vào hoạt động kịp thời như Chính phủ đề nghị là hợp lý và cần thiết. Ủy ban hoàn toàn tán thành chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Dự án này phù hợp với các quy hoạch hiện hành và định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn chỉnh một số quy hoạch để phục vụ cho các giai đoạn tiếp theo của Dự án; sớm hoàn thiện, ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến tính đặc thù của điện hạt nhân. Việc lựa chọn hai địa điểm để đề xuất xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta là có cơ sở khoa học và hợp lý trong số các địa điểm đã được tiến hành nghiên cứu khảo sát và chọn lọc.

Tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế đầu cơ nhà đất

Cũng trong chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật thuế nhà, đất, đã nhấn mạnh: Việc ban hành Luật thuế nhà, đất nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà, đất, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà đất và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Dự án Luật khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế nhà, đất hiện hành. Dự thảo Luật thuế nhà đất gồm 4 chương 13 điều quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, căn cứ tính thuế, miễn, giảm thuế nhà, đất.

Thẩm tra dự án Luật thuế nhà, đất, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: Dự thảo Luật đã đạt được một số mục tiêu ban hành luật. Tuy nhiên đối chiếu với yêu cầu đặt ra còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Nhiều quy định của dự thảo còn chưa cụ thể, một số điều khoản trong dự án Luật thể hiện tính khả thi chưa cao.

Trong tổng số 13 điều luật có tới 8 nội dung giao Chính phủ hướng dẫn. Nhà đất là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp. Việc thực thi pháp luật về nhà đất luôn là điểm nóng của khiếu kiện, lợi dụng kẽ hở của chính sách để tham nhũng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định của pháp luật chưa cụ thể, minh bạch, thiếu tính ổn định.

Để luật đi vào cuộc sống, đề nghị Chính phủ căn cứ vào thực tiễn áp dụng pháp luật trong gần 15 năm, cụ thể hóa trong luật những vấn đề đã được áp dụng ổn định. Đặc biệt cần quy định chi tiết những nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định chính sách thuế, quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế. Về quy mô nội dung của dự thảo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng các quy định chưa bao quát hết nội dung cần điều chỉnh.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG