Điện hạt nhân: Chỉ nên xây trước một lò

Điện hạt nhân: Chỉ nên xây trước một lò
TP - Ngày 6/11, Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) công bố toàn văn bản kiến nghị về vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, trong đó chính thức đề nghị chỉ nên xây trước một lò.

Văn bản này ra đời trong bối cảnh hôm nay, 7/11, dự thảo “Báo cáo Dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận” được Bộ Công Thương đệ trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 12.

Điện hạt nhân: Chỉ nên xây trước một lò ảnh 1
Mô hình nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: PV

Kinh tế phải dưới mục tiêu an toàn

Vusta kiến nghị bước đầu chỉ nên xây dựng một nhà máy ĐHN với công suất phù hợp để rút kinh nghiệm cho nhà máy sau.

Cũng theo bản kiến nghị này, Vusta đề xuất cần có chương trình tổng thể phát triển ĐHN Việt Nam. Chương trình nên do các cơ quan khoa học và công nghệ phối hợp soạn thảo, đặt ra những vấn đề chiến lược, tránh bị ảnh hưởng của những vấn đề cấp bách và điều hành hàng ngày.

Chương trình xây dựng nhà máy ĐHN cần được đặt dưới sự chỉ đạo của một Ban Chỉ đạo quốc gia với thẩm quyền cao nhất của Chính phủ.

Đồng thời, cần xây dựng cơ quan độc lập để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của nhà máy ĐHN Việt Nam và xây dựng lộ trình thích hợp nhằm đưa nhà máy ĐHN vào hoạt động khi đủ điều kiện, không lấy năm 2020 làm mốc cố định “bằng được phải có nhà máy ĐHN”.

Vusta cũng nhấn mạnh ĐHN vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất nhạy cảm, đòi hỏi phải có sự thận trọng cao nhất, do đó, mục tiêu kinh tế của dự án phải được đặt dưới mục tiêu an toàn.

GS Phạm Duy Hiển - chuyên gia đầu ngành về ĐHN tại Việt Nam - người chủ trì soạn thảo bản kiến nghị trên, cho rằng, văn bản này cũng nhằm mục đích cung cấp thông tin nhiều chiều và đầy đủ hơn cho các đại biểu Quốc hội - những người sẽ biểu quyết về vấn đề liên quan đến sự sống còn của nhiều người Việt Nam. Những thông tin này, hiển nhiên, không được đưa trong báo cáo dự án đầu tư.

Chẳng hạn, việc kiện tụng giữa các đối tác là điều rất có thể xảy ra trong quá trình xây dựng nhà máy ĐHN. Phần Lan là một ví dụ điển hình trong nhiều cuộc kiện tụng với Pháp ở tòa án châu Âu, kết quả là dự án nhà máy ĐHN chậm tiến độ ba năm, số tiền thất thoát là khổng lồ. Việt Nam sẽ ứng phó thế nào nếu có kiện tụng xảy ra?

Điện hạt nhân: Chỉ nên xây trước một lò ảnh 2
Mô hình nhà máy điện hạt nhân

Nhiều nước dừng ĐHN

Trong số những sự kiện chứng tỏ ĐHN đang hồi sinh, đang tốt, lại có những thông tin khác cho thấy ĐHN đang có vấn đề. Philippines là nước văn minh nhất khu vực Đông Nam Á về ĐHN. Lò đã xây xong từ năm 1986, nhưng đến nay đã dừng hoạt động hoàn toàn. Nhiên liệu phải mang trả lại Mỹ và đến nay vẫn phải trả lãi ngân hàng rất nặng.

Hay như Đức, đã xây dựng nhà máy ĐHN theo công nghệ thế hệ thứ tư (hiện nay chủ yếu vẫn dùng công nghệ thế thệ thứ hai), nhưng đến nay Đức cũng từ bỏ ĐHN, để rồi cùng với nhiều nước khác mới đây đã họp bàn và chi ra 400 tỷ Euro để cung cấp 15 phần trăm điện cho châu Âu trước năm 2050 bằng năng lượng mặt trời chuyển về từ sa mạc Sahara. “Tại sao họ phải dừng, đó là điều mà những nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam nên biết” - GS Hiển nói.

GS Quang A lại đưa ra những phân tích về tình hình nợ nần mà rất có thể Việt Nam sẽ mắc phải. Theo đó, nếu đúng năm 2025 Việt Nam có 8.000 MW ĐHN, với suất đầu tư 4.000 USD/W ĐHN, tổng cộng ta sẽ tốn 38,4 tỷ USD tiền đầu tư. Tiền đó Việt Nam đi vay nước ngoài.

Với giả thiết GDP tăng đều đặn 7,2 phần trăm trong 16 năm tới, nghĩa là thời điểm 2025 GDP của Việt Nam sẽ đạt xấp xỉ 600 tỷ USD, cùng với nợ hiện nay, nợ từ chương trình viễn thông chín tỷ USD/năm, v.v..., nợ nước ngoài của Việt Nam lúc đó sẽ chiếm 30 - 33 phần trăm GDP vào năm 2025. Theo GS Quang A, nếu không có những tính toán thận trọng, Việt Nam sẽ rơi vào cái bẫy nợ nần này.

MỚI - NÓNG