Ai tiếp tay Cao Minh Huệ làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng:

Bài 3: Biến khu công nghiệp 'ảo' thành tiền thật

Bài 3: Biến khu công nghiệp 'ảo' thành tiền thật
TP - Lãnh đạo tỉnh Bình Dương quyết lập bằng được một khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ (CN-DV) “chui” làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước và gây  khiếu nại kéo dài của dân.   

>> Bài 2

Bài 3: Biến khu công nghiệp 'ảo' thành tiền thật ảnh 1
Vườn cao su của các quan. Ảnh : Lê Thư

Phớt lờ cảnh báo

Để triển khai dự án khu liên hợp CN-DV An Tây, Cty sản xuất và XNK Bình Dương phải vay vốn Ngân hàng Công thương VN (Sở Giao dịch 2) để bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tháng 7/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn đã tổ chức đối thoại với PV báo Tiền Phong, Lao Động, Nông nghiệp VN. Ông Sơn cho biết sẽ chỉ đạo Cty sản xuất và XNK Bình Dương tạm ngưng đền bù để xác định cơ sở pháp lý của dự án, nhằm tránh thất thoát tiền Nhà nước.

Ngân hàng Công thương đã lần lượt có ba văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, mong trả lời trước khi quyết định có tiếp tục cho vay hay không. Ngân hàng cho biết, “Báo Tiền Phong online ngày 26 và 30/7/2007 nêu một số điều bất lợi liên quan dự án. Tiền Phong online ngày 30/7 có nêu ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Sơn chỉ đạo Cty sản xuất và XNK Bình Dương tạm dừng công tác đền bù và yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh thảo văn bản gửi Chính phủ đề nghị cử Thanh tra Chính phủ vào Bình Dương kiểm tra. Nếu Tỉnh đúng thì sẽ tiếp tục làm, còn không đúng thì sẽ tìm cách thu hồi số tiền đã chi trả”.

Phúc đáp lại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Minh Sang lần lượt có các văn bản 453 (8/8/2007), 469 (23/8/2007), khẳng định “Đến nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương không có văn bản nào thay đổi về chủ trương đối với dự án này” nhằm để ngân hàng yên tâm tiếp tục cho vay. Tuy nhiên, tin vào chứng cứ Tiền Phong đưa ra, Sở Giao dịch II Ngân hàng Công thương đã quyết định chỉ cho giải ngân đền bù đối với 500 ha đất trong KCN đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ngày 8/10/2007, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Kim Vân ký văn bản 4486 tạm dừng việc bồi thường đất có nguồn gốc của Cty Sobexco theo đề nghị của cơ quan điều tra (C15B, Bộ Công an). Tuy nhiên, việc tạm ngưng đã quá muộn.

Theo báo cáo ngày 5/10/2007 của Cty sản xuất và XNK Bình Dương, tính đến thời điểm trên, đối với diện tích 658 ha trên địa bàn xã An Tây do Cty Sobexco trước đây quản lý, Cty này đã chi trả bồi thường cho 46 hộ, tổng diện tích bồi thường 485 ha (chiếm gần 74 phần trăm) với tổng số tiền đền bù 482,4 tỷ đồng, trong đó đã thực chi hơn 455 tỷ đồng.

Nhưng, Tỉnh vẫn chưa tỉnh. Tại cuộc họp sáng 11/10/2007, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương vẫn chỉ đạo UBND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền để báo cáo và đề xuất xem xét, quyết định những kiến nghị về hướng giải quyết tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để dự án được tiếp tục thực hiện.

Gây hậu quả nghiêm trọng

Ngày 1/8/2008, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đã có thông báo kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy về việc xử  lý các sai phạm về đất đai có nguồn gốc nhà nước giao cho Cty Sobexco.

Thông báo này cho biết, tại cuộc họp ngày 31/7/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn đã báo cáo lại kết quả cuộc họp ở Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về xử lý sai phạm đất đai của Sobexco.

Ngoài kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân sai phạm của tỉnh Bình Dương và Bộ TN&MT, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương khắc phục hậu quả, thu hồi số tiền đã thất thoát.

Bí thư Tỉnh ủy Mai Thế Trung thống nhất với đề xuất thành lập ban chỉ đạo của tỉnh do Chủ tịch Nguyễn Hoàng Sơn làm trưởng ban và hai tổ giúp việc để xử lý các sai phạm đất đai liên quan Cty Sobexco.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu chậm nhất đến 15/8/2008, Ban Chỉ đạo phải xây dựng xong phương án khắc phục hậu quả, xử lý sai phạm; tháng 8/2008 phải thống nhất với các bộ ngành chức năng để báo cáo Thủ tướng phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện.

Tuy vậy, đến tháng 10/2009, ông Cao Minh Huệ mới bị ngưng chức giám đốc Sở TN&MT và được điều về Ban tổ chức Tỉnh ủy chờ phân công nhiệm vụ mới (cho đến khi bị bắt ngày 29/10 vừa qua). Hàng trăm tỷ đồng tiền Nhà nước bị thất thoát đến nay vẫn chưa thu hồi được.

Ngày 23/12/2008, Chủ tịch UBND huyện Bến Cát đã ký quyết định số 4233 thu hồi quyết định số 17 của huyện, thu hồi GCNQSDĐ của các hộ dân đang sinh sống, canh tác trên diện tích đất có nguồn gốc của Cty Sobexco.

Quyết định này đã gây bức xúc, khiếu nại kéo dài của hàng loạt hộ dân. Và, khiếu nại của không ít hộ là có cơ sở, bởi họ mua đất đã được cấp sổ đỏ, việc giao dịch này phải được coi là hợp pháp. 

MỚI - NÓNG