Giáo dục mầm non tại ĐBSCL: Trăm bề thiếu thốn

Giáo dục mầm non tại ĐBSCL: Trăm bề thiếu thốn
TP - Trường lớp tạm bợ và thiếu trầm trọng cả giáo viên và giáo viên khó sống với nghề, đó là thực trạng giáo dục bậc mầm non hiện nay ở ĐBSCL. Nhiều nơi trẻ em chưa có nơi để đi học.

Cô giáo Trương Thị Kim Hoa ngồi bệt nền gạch cùng 20 học sinh mẫu giáo tại lớp học mượn của trường tiểu học Trường An (U Minh, Cà Mau). Cô cười buồn: “Ở đây tạm bợ như vậy nhưng còn có chỗ dạy học, nhiều nơi khác không có lớp, các cháu không biết học ở đâu”.

Vào năm học 2009 - 2010, bà Lê Phương Tuệ, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD - ĐT Cà Mau, cho biết, bậc mầm non toàn tỉnh còn phải mượn của trường tiểu học 245 phòng. Hầu hết phòng học đã có, không đủ diện tích, bàn ghế chưa đúng qui cách. Bên cạnh, 26 xã chưa có trường mầm non.

Tỷ lệ trẻ đến trường đạt 4,15%

Tỉnh Cà Mau, trẻ vào nhà trẻ chỉ đạt 4,15% và trẻ vào mẫu giáo chỉ hơn 40%.

Ông Trần Văn Xia, PGĐ Sở GD - ĐT Cà Mau cho biết, huy động trẻ đúng độ tuổi vào trường mầm non rất khó khăn.

Tỉnh Sóc Trăng, theo thống kê của Sở GD - ĐT, năm học này huy động được 1.233 trẻ vào nhà trẻ, 35.517 trẻ vào trường mẫu giáo.

Trần Kim Sa, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD- ĐT Sóc Trăng thừa nhận, tỷ lệ trẻ đến trường mầm non rất thấp và con số thống kê cũng chưa sát thực tế.

Bà Trần Trúc Linh, cán bộ phụ trách mầm non Phòng GD - ĐT Đầm Dơi (Cà Mau) than thở: “Huyện Đầm Dơi có 16 xã, thị trấn nhưng 6 xã, thị trấn chưa có trường mầm non, chiếm tỷ lệ 37,5%”.

Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) có diện tích 255m2, trong đó phòng học rộng 87m2, của một hộ dân cho mượn. Phòng này cũng là nhà ăn cho trẻ, sau khi trẻ ăn xong, các cô lau nền, cho trẻ ngủ.

Hiệu trưởng Ngô Thị Phương Lan tâm sự: “Mùa nóng, cô trò luôn nhễ nhại mồ hôi, mặt mày đỏ bừng lên rất vất vả, nhưng phải chịu đựng chứ không có cách nào khác”.

Đây còn là một nửa trường may mắn, nửa còn lại có 50 cháu đang học nhờ ở Trường Tiểu học thị trấn Cờ Đỏ 2 sắp bị lấy lại, chưa biết xoay xở ra sao.

Tại TP Cần Thơ, bậc mầm non thiếu trường lớp và trường lớp tạm bợ là bức xúc nhiều năm qua. Nhu cầu 1.382 phòng học nhưng hiện chỉ có 895 phòng, mới đáp ứng 64,7% nhu cầu.

Giáo dục mầm non tại ĐBSCL: Trăm bề thiếu thốn ảnh 1
Trường Mầm non Ba Láng (Cái Răng, Cần Thơ) tạm bợ - Ảnh Kiến Giang

Trong số các phòng học đang sử dụng, có 74 phòng tre lá, 193 phòng mượn nhà dân. Toàn thành phố hiện vẫn còn 14 xã phải mượn nhà dân làm trường học, 13 xã chưa có trường mẫu giáo. 

Ở tỉnh Sóc Trăng, vẫn còn 18 xã chưa có trường mầm non mà phải học ghép với trường tiểu học. Bà Trần Kim Sa, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD - ĐT Sóc Trăng, cho biết, phòng học đã có thì không đạt chuẩn để giảng dạy, rất khó xây dựng trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia.

Thiếu giáo viên

Bà Trần Trúc Linh cho biết, huyện Đầm Dơi có 11 cán bộ quản lý, 125 giáo viên mầm non, so với nhu cầu đã thiếu. Trong đó, nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo. Mới đây, bổ nhiệm thêm cán bộ quản lý, phải rút từ đội ngũ giáo viên, thành ra giáo viên lại thiếu gay gắt hơn.

Giáo dục mầm non tại ĐBSCL: Trăm bề thiếu thốn ảnh 2
Cô cháu Trường Mầm non Tràng An (U Minh, Cà Mau) - Ảnh: Tiến Hưng

Ở Sóc Trăng, đội ngũ giáo viên mầm non trong biên chế có 973 người. Vì thiếu giáo viên nên phải hợp đồng thêm 295 người. Trong đó, chỉ 43% đạt chuẩn đào tạo. Giáo viên mầm non cơ sở tư thục có 112 người, chỉ 57% đạt chuẩn đào tạo.

Ở TP Cần Thơ, giáo viên mầm non thiếu đến 400 người. Ông Võ Minh Lợi, Chánh văn phòng Sở GD - ĐT TP Cần Thơ cho biết, thành phố đã có đề án phát triển đến 2015, trong đó xóa phòng học tạm bợ và xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn là trọng tâm, tuy nhiên tất cả phụ thuộc vào ngân sách mà ngân sách thì luôn luôn thiếu.

Cuộc sống khốn khó

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Giang ở trường mầm non thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) đã dạy bảy năm, thu nhập mỗi tháng khoảng 1,7 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản vay ngân hàng, bảo hiểm,... số tiền thực lãnh chỉ còn 1,3 triệu đồng.

Vì nhà xa trường, cô Giang phải ở trọ, mỗi tháng tiền thuê nhà và điện, nước hết 500.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng cô chỉ còn 800.000 đồng cho cuộc sống của mình cùng mẹ già và một em nhỏ.

“Cuộc sống rất khó khăn, cầm tiền đi chợ mỗi ngày, muốn mua món gì cũng phải suy tính. Bởi vậy ít người học bậc mầm non, học rồi ra trường cũng hay tìm nghề khác”, cô Giang nói.

Bà Bùi Thị Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non phường Ba Láng (Cái Răng, Cần Thơ) cho biết: Các cô giáo ở đây bám trụ với nghề là vì yêu trẻ, tâm huyết là chính chứ không ai sống nổi với nghề.

Trường có 10 giáo viên, bốn người có trình độ trung cấp, lương tháng 1,8 triệu đồng; còn lại sáu người dạy hợp đồng, lương tháng một triệu đồng. Giáo viên đều xa trường, chi phí đi lại tốn nhiều nên sinh hoạt gia đình luôn thiếu thốn.

“Nhiều cô có con bị bệnh, phải vay mượn khắp nơi lo thuốc thang”, bà Phương nói.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.